Giá lợn hơi tuột dốc
Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, giá lợn hơi những ngày qua tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang dao động từ 75.000 - 76.000 đồng/kg.
Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai, giá lợn hơi đang được thương lái thu mua khoảng 75.500 - 76.500 đồng/kg, tùy huyện. Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giá lợn hơi có nhỉnh hơn, đang dao động từ 76.000 - 77.000 đồng/kg. Còn tại Bình Dương, giá lợn hơi chỉ ở mức 73.000 - 74.000 đồng/kg.
Với mức giá lợn hơi hiện nay, nhiều người nuôi lợn cho biết họ gần như không có lãi nên rất bất an, sợ giá lợn hơi giảm nữa sẽ không thể tái đàn cho lứa sau.
Bà Nguyễn Thị Hân, người nuôi lợn tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cho biết: Trong sáng 17/4, bà vừa bán cho thương lái 115 con lợn thịt, trọng lượng mỗi con trên 100kg, với giá lợn hơi đạt 76.000 đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai: Với giá lợn hơi bán ra như hiện nay là 75.000 - 76.000 đồng/kg, người chăn nuôi chưa có lãi.
Hiệp hội đã vận động người chăn nuôi cố gắng đảm bảo an toàn chuồng trại, xây dựng các mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung vào chất lượng hơn phát triển số lượng để người nuôi an tâm về đầu ra và giá cả.
Với giá lợn hơi bán ra ở thời điểm này, bà Hân cho biết không có lãi và còn đang bị thiệt về công chăm sóc. Số tiền bà Hân nợ ngân hàng là 250 triệu đồng chưa biết lấy đâu để chi trả.
"Tôi tính sơ sơ 1 con lợn giống nặng từ 6 - 10kg có giá 2,8 - 3 triệu đồng/con. Và, để nuôi đến khi đạt trọng lượng trên 100kg, sẽ tốn từ 240 - 260kg thức ăn.
Ví dụ, năm 2020, giá cám khoảng 230.000 - 280.000 đồng/bao/25kg, thì tính riêng giá thức ăn cho 1 con lợn từ bé đến lớn sẽ vào khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng" - bà Hân phân tích.
Giá cám "phi mã"
Trong khi giá lợn hơi có xu hướng giảm thì giá cám đang tăng "phi mã", lên tới gần 400.000 đồng/bao/25kg, nên chi phí thức ăn của 1 con lợn đến khi trưởng thành sẽ từ 2,9 - 3,1 triệu đồng. Ngoài ra, người nuôi còn phải chi thêm tiền thuốc thú y khoảng 50.000 đồng/con; tiền khấu hao chuồng trại, công nhân, điện, nước…
"Thời điểm này để nuôi 1 con lợn đủ tuổi xuất chuồng người nuôi phải bỏ ra khoảng 7 triệu đồng. Trong khi đó giá bán ra cũng chỉ được 76.000 đồng/kg thì chúng tôi lấy đâu ra lãi, xem như nuôi cho vui, lứa này lại công cốc, sợ lại ngừng nuôi lứa sau" - bà Hân nói.
Còn ông Hoàng Văn Tú - người chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cũng đang khổ sở vì giá lợn hơi xuống thấp, trong khi giá cám, con giống lại đang quá cao. Ông Tú nói rằng, khi lợn hơi có giá cao, ông chưa có lợn lớn để bán; vì thời điểm đó ông sợ dịch bệnh nên không dám tái đàn. Mấy tháng trước ông Tú mới mạnh dạn tái đàn trở lại chăn nuôi.
Vậy mà giờ đây, khi lợn đủ tuổi xuất chuồng, lại "dính" ngay lúc giá lợn hơi đang xuống thấp, khiến ông "dở khóc, dở cười".
"Tôi nói thật, nhiều người cứ nghĩ người chăn nuôi như chúng tôi sướng lắm, lãi nhiều lắm. Nhưng có mấy ai biết, người nuôi lợn đang chết dở vì con giống và giá cám đâu. Vốn bỏ ra để lo đầu vào cao, nhưng xuất chuồng lại thấp khiến người nuôi lợn đang thua lỗ.
Cũng theo lời ông Tú, nhiều trang trại cho đến giờ vẫn chưa "dọn dẹp" xong hậu quả bởi dịch tả lợn châu Phi, lại đến dịch Covid-19, khiến người chăn nuôi trở tay không kịp.
"Nợ ngân hàng giờ không biết lấy tiền đâu để trả. Sáng nay, tôi bán lợn giá chỉ được 75.500 đồng/kg, nhưng vẫn phải bấm bụng bán, vì lợn càng quá cân sẽ bị thương lái chê" - ông Tú nhấn mạnh.
Ông Tú cũng hy vọng nhà nước, ngành chức năng vào cuộc kiểm soát tình trạng giá cám, giá nguyên liệu như bắp, đậu nành tăng phi mã… giúp nguời nuôi lợn đỡ khổ.