Doanh nghiệp công bố điều chỉnh tăng giá thức ăn lần 2
Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn như De Heus, Greenfeed, Haid Feed, Goid BioFeed... đã đồng loạt thông báo điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm thức ăn chăn nuôi, với mức tăng từ 100 đồng đến 400 đồng/kg.
Trong đó, mặt hàng thức ăn chăn nuôi cho gia cầm được các công ty này điều chỉnh tăng thêm từ 100 đồng đến 250 đồng/kg, thức ăn cho heo, bò..., tăng từ 200 đồng đến 400 đồng/kg.
Theo thông tin mà các doanh nghiệp này đưa ra là do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu vào tăng cao trong thời gian qua và dự báo sẽ tăng tiếp trong các ngày tới. Do đó, các công ty buộc phải tăng giá bán sản phẩm sản xuất để duy trì việc sản xuất, và đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp cho khách hàng.
Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhiều chủ trang trại chăn nuôi gà, vịt tại các địa phương đã phải chủ động cắt bớt lượng thức ăn công nghiệp và thay vào đó là bà con bổ sung thêm rau chuối, phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ đàn vật nuôi nhằm hạn chế thua lỗ.
Chia sẻ với PV Trang trại Việt, một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở miền Bắc cho biết, từ sau đợt dịch tả lợn châu Phi (xảy ra từ đầu năm 2019), lượng tiêu thụ sản phẩm của công ty này giảm tới 40%, thậm chí có thời điểm trên 50%.
Với công suất 20.000 tấn/năm, nhà máy thức ăn chăn nuôi của đơn vị không phải lớn nhưng chủ yếu bán cho thị trường Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… Tuy nhiên, dưới tác động kép vừa qua bởi dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19, công ty này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khi xảy ra đại dịch COVID-19, giá nguyên liệu trên thế giới tăng ít nhất từ 5 - 10% nên giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo. Đỉnh điểm là trong những tháng đầu năm 2020, các giao dịch bị nhỡ, các nguyên liệu như ngô, đậu tương… nhập khẩu từ Mỹ, Argentina đều bị mắc kẹt, tạo ra sự khan hiếm.
Đặc biệt là những nguyên liệu như vitamin, khoáng chất, acid amin hay các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc (khi bị phong tỏa, nhà máy dừng sản xuất) đều tăng ít nhất 50% trở lên, do khan hiếm cục bộ, doanh nghiệp tranh nhau mua. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi leo cao.
“Riêng doanh nghiệp của tôi dù rất cố gắng bù giá nguyên liệu nhưng vừa rồi vẫn phải tăng giá. Đến nay, dù nguyên liệu có phần bình ổn trở lại, nhưng đối với doanh nghiệp, việc cam kết giữ giá là phương án cạnh tranh để giữ khách hàng”, vị lãnh đạo này nói.
Chính vì thế, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi ở Việt nam kiến nghị các cơ quan nhà nước nên đưa ra giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, từ đó, khuyến khích nông dân, chủ trang trại mở rộng chăn nuôi, giảm được giá thịt lợn trên thị trường.
Nếu như trước đây, gia đình bà Phạm Thị Phương ở Mỏ Cày Nam (Bến Tre) thường cho đàn vịt ăn thức ăn công nghiệp thì nay bà đã xin thêm thân chuối về thái trộn với cám tinh bột cho đàn vật nuôi ăn thêm.
"Hiện tại giá vịt đang giảm quá sâu, nếu vẫn duy trì chế độ ăn như trước thì sẽ lỗ nặng nên gia đình tôi phải điều chỉnh chế độ cho vịt ăn để giảm gánh nặng thua lỗ", bà Phương nói.
Tại TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ÐBSCL như Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre… giá nhiều loại thức ăn công nghiệp dành cho gia súc của các thương hiệu như: Hi-Gro, AnCo, Vina, Green Feed, Dabaco, Lái Thiêu… đang ở mức từ 220.000 đến 400.000 đồng/bao (25kg).
Trong đó, giá loại thức ăn ở mức cao nhất là thức ăn đậm đặc dành cho heo con, với có giá từ 385.000 đồng đến 400.000 đồng/bao; còn nhiều loại thức ăn dành heo thịt giá bình quân khoảng 270.000 đồng đến 280.000 đồng/bao. Hiện giá nhiều loại thức ăn dành cho gà, vịt và tôm, cá ở mức 250.000 đồng đến 290.000 đồng/bao.
Đại lý cũng lo lắng
Chủ nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho biết, gần đây hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đều có thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải điều chỉnh tăng giá bán.
Hiện nay là thời điểm người dân đẩy mạnh các hoạt động chăn nuôi chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho nhu cầu Tết Nguyên đán 2021. Do vậy, giá thức ăn chăn nuôi tăng đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi về nguồn vốn để đầu tư chăn nuôi và ảnh hưởng làm tăng giá thành sản xuất đối với nhiều loại gia súc, gia cầm và thủy sản.
Bên cạnh đó, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng cũng khiến nhiều cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi lo ngại tới đây sức tiêu thụ hàng hóa bị giảm do người dân ngán ngại đầu tư phát triển chăn nuôi, nhất là khi giá cả đầu ra nhiều sản phẩm chăn nuôi còn bấp bênh.
"Từ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng lên việc tiêu thụ sản phẩm của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Hiện, người nuôi chủ yếu mua cám trả chậm, nếu các sản phẩm chăn nuôi liên tục mất giá như lúc này, có thể từ nay đến cuối năm, các đại lý cũng khó mà thu hồi được công nợ", bà Trần Thị Minh, chủ đại lý cám ở Xuân Lộc (Đồng Nai) than thở.
Theo các chuyên gia chăn nuôi, có thể nói, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi Việt Nam đang ở giai đoạn khó khăn nhất từ trước tới nay. Trong 6 tháng đầu năm 2020, hầu hết các doanh nghiệp giảm sâu sản lượng sản xuất. Một số doanh nghiệp lớn thông thường hoạt động 80% công suất thì nay chỉ hoạt động cầm chừng 30 - 40% công suất, thậm chí một số dây chuyền sản xuất đã tạm ngừng hoạt động.
Đại dịch Covid-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhiều nước đóng cửa biên giới. Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam 6 tháng vì thế giảm 21% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng nguyên liệu dự trữ cơ bản của các doanh nghiệp chỉ có thể duy trì sản xuất đến khoảng hết quý III /2020.
Nhập khẩu nguyên liệu khó khăn, giá thành trong nước lại tăng mạnh, khiến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phải tăng giá sản phẩm từ 200 – 1.000đ/kg.