Mới đây, tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Sản xuất giống và an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm" diễn ra tại Vĩnh Phúc, các chuyên gia, nhà cố vấn đã trả lời gần 30 câu hỏi của người chăn nuôi xoay quanh vấn đề kỹ thuật phòng, trị bệnh cho gia cầm và các chính sách hỗ trợ chăn nuôi an toàn sinh học...
Chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại
Trả lời những câu hỏi liên quan đến việc sử dụng vaccine của các chủ trang trại, nông hộ nuôi gia cầm ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên..., chuyên gia về gia cầm Hoàng Thị Nga cho hay: Để góp phần nâng cao năng suất chăn nuôi thì sử dụng vaccine trong phòng bệnh là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, hiệu quả phòng bệnh của vaccine phụ thuộc rất lớn vào kỹ thuật cấp vaccine cho vật nuôi.
"Sắp tới, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đề nghị FAO tiếp tục phối hợp Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai các chương trình, dự án chăn nuôi an toàn sinh học, kháng kháng sinh, xây dựng bộ tài liệu chăn nuôi an toàn sinh học trên lợn; hỗ trợ tập huấn giảng viên... ".
Bà Hạ Thúy Hạnh
Theo bà Nga, hiện nay trên thị trường có nhiều loại vaccine như 3 trong 1, 4 trong 1..., tuy nhiên, trước khi mua, dùng vaccine bà con phải lựa chọn và dùng đúng cách mới đem lại hiệu quả cao nhất.
Mỗi loại thuốc, vaccine đều được chỉ định đường đưa thuốc, liều lượng, liệu trình nhằm giúp phòng trị đạt hiệu quả tối đa nên bà con phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm. "Loại vaccine nào chỉ định tiêm thì người nuôi chỉ được tiêm, loại nào chỉ định uống thì bà con phải cho vật nuôi uống..., tránh sử dụng bừa bãi, sai chỉ định làm mất hiệu quả của vaccine" - bà Nga chia sẻ.
Đáng chú ý, có nông dân ở Hà Nội đặt vấn đề có thể dùng tỏi ngâm mật ong để trị ho, khẹc trên gà được không? Bà Hoàng Thị Lan - cố vấn kỹ thuật gia cầm của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) khẳng định, việc dùng tỏi ngâm mật ong cho gà ăn rất tốt, nhưng để phòng và trị bệnh hiệu quả cao hơn, người nuôi cần dùng thêm thuốc đặc trị theo chỉ định của cán bộ thú y.
Bà Lan cũng lưu ý người nuôi phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thay lót chuồng thường xuyên để khu vực nuôi luôn thông thoáng, giúp đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh, lớn nhanh.
Về việc phun hóa chất sát trùng chuồng trại chăn nuôi, bà Lan cho biết, hiện nay nhiều công ty bán kinh doanh hóa chất sát trùng quảng cáo sản phẩm của họ có thể phun trực tiếp lên vật nuôi và khi nông dân làm theo, sẽ gây hại cho vật nuôi. "Tuy nhiên, người nuôi chỉ nên phun sát trùng khi chuồng trại không có gà, vịt. Sau khi phun, bà con phải để trống chuồng theo đúng quy định mới thả gia cầm vào nuôi" - bà Lan nhấn mạnh.
Chia sẻ về hiệu quả trong chăn nuôi an toàn sinh học, chuyên gia gia cầm Nguyễn Thị Tuyết Minh cho rằng: "Chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi mà còn mang lại nhiều lợi ích. Nhiều chủ trang trại cho rằng, chỉ cần tiềm vaccine là có thể phòng được dịch bệnh, tuy nhiên người nuôi vẫn phải có thêm giải pháp phòng bệnh tổng hợp (còn gọi là chăn nuôi an toàn sinh học), đặc biệt là xử lý vệ sinh chuồng trại thường xuyên, giúp môi trường chăn nuôi thông thoáng, sạch sẽ".
Đổi mới chiến lược phát triển ngành gia cầm
Hiến kế để ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam vượt khó và hội nhập nhanh khi tham gia vào các Hiệp định CPTPP, EVFTA, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng: Nhà nước cần đổi mới chiến lược phát triển ngành gia cầm.
Theo đó, cần đổi mới về chủ thể và quy mô sản xuất từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, doanh nghiệp nhỏ là chính phát triển lên thành trang trại, doanh nghiệp vừa và lớn.
Tiếp đó, cần đổi mới về mục tiêu phát triển từ xóa đói giảm nghèo tiến lên làm giàu và nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng và tăng cường chế biến.
Góp ý thêm, ông Sơn cho hay: Ngành gia cầm của Việt Nam cũng cần mở rộng sản xuất theo các chuỗi giá trị, bao gồm liên kết dọc và liên kết ngang trong ngành hàng gia cầm. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ là đầu tàu của chuỗi và đẩy mạnh khâu chế biến sản phẩm gia cầm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, trong trung hạn cũng như dài hạn, Việt Nam cần tập trung các nguồn lực xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh để mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, việc ứng dụng công nghệ cao là giải pháp quan trọng, mang tính quyết định tới sự thành công của ngành gia cầm.
Đặc biệt là các công nghệ cao được áp dụng trong lĩnh vực chọn tạo giống, ấp nở, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccine, thuốc thú y, thiết bị chăn nuôi, giết mổ có thể góp phần tăng năng suất lên 15-20%, từ đó giúp hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiến nghị Cục Chăn nuôi cần tiếp tục phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, triển khai các chương trình diễn đàn về lĩnh vực chăn nuôi; tài liệu hóa các thông tư, nghị định, hướng dẫn của Luật Chăn nuôi, nhất là các nội dung liên quan đến chăn nuôi nông hộ.
Đối với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, bà Hạnh đề nghị tiếp tục phối hợp với Cục Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quốc gia để tăng cường thông tin tuyên truyền, đặc biệt là các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả...