dd/mm/yyyy

Giá lợn hơi giảm, kinh doanh không khả quan, nhiều "ông lớn" chăn nuôi báo lỗ

Các doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục có một quý kinh doanh không mấy khả quan trong bối cảnh sức mua yếu và giá bán lợn hơi chưa được cải thiện. Thậm chí, có đơn vị còn báo lỗ trong quý III/2023.

Doanh nghiệp chăn nuôi tiếp tục có một quý kinh doanh kém

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.219 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng, giảm lần lượt 37%, 75% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu BAF đạt 3.625 tỷ đồng (giảm 26% so với cùng kỳ), trong đó, mảng chăn nuôi mang về 928 tỷ đồng (giảm 3% so với cùng kỳ). Lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, giảm 81% so với 9 tháng đầu năm 2022. 

Giải trình về kết quả kinh doanh, BAF cho biết, giá bán lợn hơi từ đầu năm duy trì ở nền thấp hơn so với cùng kỳ. Sản lượng lợn bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn và các trang trại mới được đưa vào vận hành trong năm nay. Do đó, công ty đã giữ lại được lượng lợn cai sữa để nuôi bán thịt thay vì phải bán lợn cai sữa như trước đây. 

Bên cạnh đó, BAF đã cắt giảm hoạt động kinh doanh thương mại nông sản theo lộ trình để tập trung nguồn lực vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín, đúng theo chiến lược đề ra. 

Năm 2023, BAF đặt mục tiêu doanh thu 7.526 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 301 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 4,5% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, BAF mới thực hiện được 48% kế hoạch doanh thu và 17% chỉ tiêu lợi nhuận.

Giá lợn hơi giảm, kinh doanh không khả quan, nhiều "ông lớn" chăn nuôi bão lỗ - Ảnh 1.

Dự án chăn nuôi của Tập đoàn Dabaco Việt Nam

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - Mã: HAG) có doanh thu thuần đạt 1.889 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng nuôi lợn mang về 491 tỷ đồng, lại giảm 9% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp mảng lợn đạt 102 tỷ đồng, trong khi quý III/2022 đạt 172 tỷ đồng. 

Trong kỳ, khoản thu nhập khác của HAGL tăng đột biến lên 154 tỷ đồng (cùng kỳ gần 3 tỷ đồng) do thực hiện thanh lý một số tài sản. Trong một thông báo hồi tháng 10, HAGL cho biết đã thanh lý tài sản là Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai, thu về 180 tỷ đồng. Trừ hết đi chi phí, lợi nhuận sau thuế HAGL khoảng 325 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận 5.034 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 45%, lợi nhuận sau thuế 710 tỷ đồng giảm 20% so với cùng kỳ. Năm nay, HAGL đặt kế hoạch kinh doanh với 1.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Sau 3 quý, HAGL thực hiện được 63% mục tiêu lợi nhuận.

CTCP Masan MeatLife (Mã: MML) cũng báo lỗ trong quý III dù doanh thu vẫn ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu thuần quý III của Masan MeatLife đạt 1.903 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 178% lên 353 tỷ đồng. Masan MeatLife báo lỗ sau thuế gần 86 tỷ đồng, đã giảm so với mức lỗ 97 tỷ đồng cùng kỳ. 

Theo Masan Meatlife, lợi nhuận “đi xuống” do tăng doanh thu cấn trừ với tăng chi phí bán hàng phát sinh từ việc doanh nghiệp đã có được quyền kiểm soát các chính sách tài chính và hoạt động của Masan Jinju (công ty chuyên sản xuất xúc xích tiệt trùng, chế biến và đóng gói thịt hộp) theo các điều khoản và điều kiện trong hợp đồng cho vay hoán đổi từ cuối năm 2022. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Masan Meatlife ghi nhận doanh thu đạt 5.207 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 433 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế tính đến hết ngày 30/9 là 331 tỷ đồng.

"Ông lớn" CTCP Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC) ghi nhận doanh thu thuần 2.709 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp giảm 42% so với quý III/2022 còn 281 tỷ đồng. 

Trong kỳ, chi phí lãi vay gia tăng, còn chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp gần như không đổi. Kết quả, Dabaco lãi sau thuế hơn 12 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. 

Dabaco cho biết quý III, tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát vẫn là những thách thức lớn. Mặc dù, giá cả một số nguyên liệu chính nhập khẩu dùng cho thức ăn chăn nuôi luôn biến động song Dabaco cho biết lĩnh vực sản xuất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi thuộc công ty mẹ vẫn ổn định và tăng trưởng. 

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc trong nước còn diễn biến phức tạp nhưng Dabaco đã kiểm soát được dịch nên các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn ghi nhận kết quả kinh doanh tốt hơn cùng kỳ. 

Luỹ kế 9 tháng, Dabaco ghi nhận 8.496 tỷ đồng doanh thuần, gần 19 tỷ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 9% và 92% so với cùng kỳ. 

Năm nay, Dabaco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần con số đã đạt được trong năm 2022 (5 tỷ đồng). Sau 9 tháng, Dabaco mới đạt được hơn 3% chỉ tiêu lợi nhuận năm do tập đoàn đã lỗ 321 tỷ đồng trong quý I.

Bức tranh kinh doanh của CTCP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc sản (Vissan, Mã: VSN) cũng ảm đạm. Suy thoái kinh tế và sức tiêu thụ yếu đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ thịt. Vissan từng cho rằng rất khó để công ty có thể về đích như mục tiêu đã đặt ra. 

9 tháng đầu năm nay, doanh thu thuần Vissan đạt 2.528 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 111 tỷ đồng cùng giảm 10% so với cùng kỳ, cùng thực hiện được 61% kế hoạch năm đặt ra. 

Nếu tính riêng quý III, doanh thu thuần giảm 13% xuống 823 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt khoảng 22,2%, giảm 1 điểm % so với cùng kỳ. Sau khi trừ hết chi phí, nhuận sau thuế của Vissan giảm 20% xuống 25 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý I/2020.

Dịch bệnh gia tăng, giá lợn hơi tiếp tục đi xuống 

Thực tế hiện nay, giá lợn hơi ở các tỉnh miền Bắc sau khi tăng nhẹ trong những ngày đầu tuần đã quay đầu giảm do dịch bệnh có chiều hướng gia tăng.

Tại miền Bắc, giá lợn hơi giảm 1.000 đồng ở Ninh Bình, Vĩnh Phúc và Hà Nội, về 50.000 - 51.000 đồng/kg. Đây cũng là giá lợn phổ biến của các tỉnh thành khác trong khu vực. Riêng Bắc Giang và Yên Bái cao nhất là 52.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thị trường ổn định ở mức thấp, từ 49.000 - 50.000 đồng/kg. Riêng Lâm Đồng ghi nhận giá cao nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.

Tại miền Nam, thị trường trầm lắng nên giá thấp nhất chỉ còn 48.000 đồng/kg ghi nhận tại Kiên Giang, cao nhất là Cà Mau 53.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại dao động từ 49.000 - 52.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi bình quân cả nước xuống còn 50.400 đồng/kg, thấp hơn thị trường Trung Quốc hơn 1.000 đồng và thấp hơn giá thành chăn nuôi khoảng 3.000 đồng/kg do dịch bệnh tiếp tục bùng phát. 

Giá lợn hơi giảm, kinh doanh không khả quan, nhiều "ông lớn" chăn nuôi bão lỗ - Ảnh 2.

Giá lợn hơi bình quân cả nước xuống còn 50.400 đồng/kg, thấp hơn thị trường Trung Quốc hơn 1.000 đồng và thấp hơn giá thành chăn nuôi khoảng 3.000 đồng/kg do dịch bệnh tiếp tục bùng phát.

Giá lợn hơi giảm, kinh doanh không khả quan, nhiều "ông lớn" chăn nuôi bão lỗ - Ảnh 3.

Giá lợn hơi thị trường cuối tuần này.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn của cả nước đã tăng 3,4% so với năm trước trong tháng 10. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022. 

Hiện tại đang là thời điểm người chăn nuôi tập trung tái đàn, tăng đàn, chăm sóc đàn gia súc, gia cầm để cung ứng nguồn thịt ra thị trường những tháng cuối năm và các kỳ lễ tết sắp tới. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn đang gặp khó khăn do giá thị lợn hơi thấp trong khi chi phí đầu vào cao, dịch ASF quay trở lại ở một số địa phương. 

Chỉ số giá sản phẩm chăn nuôi lợn tháng 10 đã giảm 5,34% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,79% so với tháng trước đó. 

Về tình hình dịch ASF, tính đến ngày 23/10, dịch còn ở 24 địa phương chưa qua 21 ngày. 

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh ASF, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn tại 44 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Sơn La, Quảng Bình và Đắk Lắk. 

Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng từ tháng 8 trở lại đây tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn và bảo đảm nguồn cung thực phẩm. 

Giá lợn hơi trung bình cả nước tiếp đà giảm trong tháng 10, với giá hiện dao động trong khoảng 49.000 – 55.000 đồng/kg. Giá đã giảm khoảng 3,9 – 5,8% trong giai đoạn này. 

Theo Cục Xuất – Nhập khẩu, sản lượng thịt lợn tăng, trong khi nhu cầu thị trường yếu cùng với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên giá lợn hơi giảm trở lại. Sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu. Hiện cung - cầu chăn nuôi trong nước nhìn chung khá cân bằng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Từ nay đến cuối năm, giá lợn được dự báo sẽ ở mức hài hòa cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng, theo Cục Xuất nhập khẩu. Tình hình tiêu thụ lợn những tháng cuối năm có thể sẽ cải thiện hơn khi bước vào mùa lễ hội. 

Trong khi đó, dự báo về giá thức ăn chăn nuôi những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp cho biết nguồn cung tại Mỹ gia tăng bất ngờ, sản lượng cải thiện ở Ukraine và Nam Phi là những thông tin quan trọng. Trong vài tháng tới, thị trường sẽ chuyển trọng tâm sang hoạt động sản xuất tại Nam Mỹ. Việc USDA duy trì quan điểm về vụ mùa bội thu tại Brazil và Argentina có thể sẽ giữ đà giảm giá các mặt hàng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi ít nhất đến cuối năm nay.


Nguyễn Phương