dd/mm/yyyy

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực

5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 11,2% về lượng, tăng 33,5% về kim ngạch và tăng 20% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới hiện đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực.

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2024 đạt gần 4,03 triệu tấn 

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5/2024 xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm 14,6% về lượng, giảm 15,8% kim ngạch so với tháng 4/2024 và giá giảm 1,5%, đạt trên 856.197 tấn, tương đương 521,69 triệu USD, giá trung bình 609,3 USD/tấn. Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo tăng 11,2% về lượng, tăng 33,5% về kim ngạch và tăng 20,7% về giá so với 5 tháng năm 2023, đạt gần 4,03 triệu tấn, tương đương gần 2,56 tỷ USD, giá trung bình 635,6 USD/tấn.

Gạo của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 5 tháng đầu năm 2024, chiếm 45,5% trong tổng lượng và chiếm 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt trên 1,83 triệu tấn, tương đương trên 1,14 tỷ USD, giá 623,2 USD/tấn, tăng 19,6% về lượng, tăng 47,8% về kim ngạch và tăng 23,6% về giá so với 5 tháng năm 2023; riêng tháng 5/2024 xuất khẩu đạt 342.338 tấn, tương đương 206,09 triệu USD, giá 602 USD/tấn, giảm 28,5% về lượng, giảm 28,2% kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,5% về giá so với tháng 4/2024.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2 thị trường, tăng mạnh 83,4% về lượng, tăng 133,9% kim ngạch và tăng 27,5% về giá so với 5 tháng năm 2023, đạt 676.762 tấn, tương đương 424,11 triệu USD, giá 626,7 USD/tấn, chiếm trên gần 17% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Tiếp theo, xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia tăng 82,5% về lượng, tăng 125% kim ngạch và tăng 23,3% về giá so với 5 tháng năm 2023, đạt 337.963 tấn, tương đương 202,65 triệu USD, giá trung bình 599,6 USD/tấn, chiếm 8,4% trong tổng lượng và chiếm 7,9% trong tổng kim ngạch.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực- Ảnh 1.

Năm nay, xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng mạnh trong thời gian qua là vì nhu cầu lương thực tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao sau khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới) cấm xuất khẩu gạo thường. Hiện các thị trường chính như: Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana... đều tăng mua gạo Việt Nam, đặc biệt là Philippines.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD so với năm 2023. Với kết quả trong 5 tháng đầu năm, chắc chắn xuất khẩu gạo cả năm sẽ vượt mục tiêu đề ra. 

Tuy nhiên Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của nước ta cần tập trung nhận diện và có giải pháp căn cơ để khắc phục. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam từ cao hàng đầu thế giới đã đảo chiều, giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực- Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2024 (tính toán từ số liệu công bố ngày 12/6/2024 của TCHQ). ĐVT: USD

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung gạo toàn cầu sẽ chuyển từ thâm hụt sang thặng dư trong niên vụ 2024-2025. Trong khi đó, Ấn Độ đang xem xét dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu gạo do sản lượng dư thừa lớn và lượng mưa trên mức bình thường có thể hỗ trợ tích cực cho vụ mùa Kharif, vụ mùa lớn nhất của nước này.

Theo dự báo mới nhất của FAO, sản lượng gạo năm 2024/25 sẽ tăng 0,9% so với năm trước lên mức cao nhất mới nhờ diện tích trồng trọt và năng suất tăng.

Mức tiêu thụ gạo năm 2024/25 sẽ tăng 1,2% so với năm trước do nguồn cung dồi dào giúp mức sử dụng thực phẩm tăng 1,4%.

Thương mại gạo năm 2024 ít thay đổi so với dự báo tháng trước, và giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, trong bối cảnh dự kiến xuất khẩu của Ấn Độ cũng như Brazil, Paraguay, Uruguay và Việt Nam đều giảm.

Dự trữ gạo năm 2024/25 ở mức cao kỷ lục, vì ngoài việc tiếp tục tăng ở các nước xuất khẩu, tồn kho ở các nước nhập khẩu có thể tăng lần đầu tiên sau 4 năm.

Trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu hôm nay của Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo tiêu chuẩn 5% tấm hiện ở mức 573 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 552 USD/tấn; gạo 100% tấm duy trì ổn định ở mức 483 USD/tấn.

Cũng theo VFA, giá gạo 5% tấm của Việt Nam là 573 USD/tấn, giảm 1 USD/tấn; trong khi gạo Thái Lan lại tăng 2 USD, lên 622 USD/tấn; gạo Pakistan 587 USD/tấn, giảm 6 USD/tấn.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm đang thấp nhất trên thế giới và thua gạo Thái Lan đến 49 USD/tấn - mức chênh lệnh rất lớn.

Về tình hình sản xuất, theo Cục trồng trọt (Bộ NN & PTNT) diện tích sản xuất lúa năm 2024 của cả nước ước khoảng 7,09 triệu ha, năng suất trung bình đạt 61,2 tạ/ha, tăng khoảng 0,2 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn thóc, giảm khoảng 35 nghìn tấn so với năm 2023.

Nếu từ nay đến cuối năm, không có diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai, dịch bệnh thì sản xuất lúa năm 2024 đảm bảo kế hoạch đề ra về diện tích, năng suất, sản lượng; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đồng thời đảm bảo lượng gạo hàng hóa phục vụ xuất khẩu khoảng 7,6 triệu tấn.

Hiện, Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu gạo. Năm ngoái, xuất khẩu gạo cả nước đạt 8,13 triệu tấn với kim ngạch kỷ lục 4,7 tỷ USD. Năm nay, xuất khẩu gạo được kỳ vọng sẽ đạt 5 tỷ USD.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam giảm về thấp nhất trong nhóm các nước xuất khẩu gạo chủ lực- Ảnh 3.

Giá lúa gạo hôm nay ngày 12/6 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xu hướng đi ngang với lúa. Giá gạo nguyên liệu và gạo thành phẩm tăng nhẹ 50 đồng/kg.



 

Nguyễn Phương