dd/mm/yyyy

Giá cao su tăng mạnh, cầu có thể vượt cung trong năm 2024

Tính đến cuối tháng 4/2024, giá cao su vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. ANRPC dự báo, năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023; tiêu thụ đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023.

Tiêu thụ cao su có thể vượt nguồn cung trong năm 2024 

Trong quý I/2024, giá cao su tăng do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu của thị trường thế giới tăng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Sản lượng cao su từ hai quốc gia sản xuất chính là Thái Lan và Indonesia (chiếm khoảng 51% tổng lượng cao su toàn cầu) giảm do ảnh hưởng từ hiện tượng ElNino, cũng như sự dịch chuyển sản xuất của nông dân. 

Hoạt động sản xuất lốp xe bùng nổ tại Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu cao su tăng mạnh. Hơn nữa, tình trạng thiếu hụt cao su trên phạm vi toàn cầu trầm trọng hơn do tăng trưởng về sản xuất và tiêu thụ không đồng đều.

Trong tháng 4/2024, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt tại châu Á biến động mạnh, giá tăng trong 10 ngày đầu tháng, sau đó giảm trở lại, trong bối cảnh triển vọng nhu cầu thấp và sản lượng lốp xe tại Trung Quốc giảm trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, nguồn cung ô tô dư thừa cũng gây áp lực lên thị trường. 

Cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE) Nhật Bản giá cao su có nhiều biến động, giá tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 10/4/2024 (lên mức 345,3 Yên/kg), sau đó quay đầu giảm mạnh. Ngày 26/4/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 309,5 Yên/kg (tương đương 1,99 USD/kg), giảm 8,6% sovới cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su biến động mạnh, giá tăng lên mức cao nhất tháng vào ngày 11/4/2024 (lên mức 15.000NDT/tấn), sau đó giảm mạnh trở lại. Ngày 26/4/2024, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn gần ở mức 13.920 NDT/tấn (tương đương 1,92 USD/kg), giảm 3% so với cuối tháng, nhưng vẫn tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023. 

Về tồn kho, tuần tính đến ngày 19/4/2024, tồn kho cao su tự nhiên tại Kho ngoại quan Thanh Đảo là 402.100 tấn, giảm 20.100 tấn so với kỳ trước. Tồn kho cao su tự nhiên tại Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải là 216.891 tấn, giảm 830 tấn; Lượng hàng nhập kho là 214.970 tấn, tăng 740 tấn so với kỳ trước. Tồn kho cao su số 20 là 141.624 tấn, tăng 887 tấn; Lượng hàng nhập kho là 133.157 tấn, tăng 2.299 tấn so với kỳ trước.

Tại Thái Lan, giá cao su giảm mạnh kể từ ngày 10/4/2024, hiện đã giảm xuống dưới ngưỡng 80 Baht/kg. Ngày 26/4/2024, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 79,41 Baht/kg (tương đương 2,15USD/kg), giảm 10,9% so với cuối tháng 3/2024, nhưng vẫn tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá cao su tăng mạnh, cầu có thể vượt cung trong năm 2024- Ảnh 1.

Giá cao su trên thị trường châu Á tăng trong 10 ngày đầu tháng 4/2024, lên mức cao nhất tháng vào ngày 10 và 11/4/2024, sau đó có xu hướng giảm. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 4/2024, giá cao su vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 3/2024 đạt 751 nghìn tấn, giảm 4,5% so với tháng 2/2024, nhưng tăng 3,4% so với tháng 3/2023. Trong khi tiêu thụ cao su tự nhiên dự kiến đạt 1,29 triệu tấn, giảm 8% so với tháng 2/2024,nhưng tăng 2,9% so với tháng 3/2023.

ANRPC dự báo, năm 2024, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu sẽ đạt 14,54 triệu tấn, tăng 1,6% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng của Thái Lan dự kiến giảm 0,5%; Indonesia giảm 5,1%; sản lượng của Trung Quốc dự kiến tăng 6,9%; Ấn Độ tăng 6%; Việt Nam tăng 2,9%; Malaysia tăng 2,9% và các nước khác tăng 7,3% so với năm 2023.

Về tiêu thụ, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên toàn cầu năm 2024 đạt 15,67 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023. Trong đó, Malaysia trở thành điểm sáng về tiêu thu cao su tự nhiên, dự báo tiêu thụ cao su tự nhiên của Malaysia sẽ tăng trưởng 45,4% so với năm 2023. Tiêu thụ của Trung Quốc dự kiến tăng 5,5%; Ấn Độ tăng 3%; Thái Lan tăng 1%; Việt Nam tăng 6%; Các nước khác giảm 3,8% so với năm 2023.

Giá cao su còn ở mức cao ít nhất cho đến tháng 6...

Trong quý I/2024, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đã tiêu thụ 101.000 tấn cao su, với giá bán bình quân 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 4,1 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Giá hiện hành với mủ cao su chủng SVR 3L (loại mủ phổ biến) đã lên đến 49 triệu đồng/tấn, tăng 12,5 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng giá trên là do yếu tố thời tiết bất lợi khiến nguồn cung khan hiếm và giá dầu tăng cao đã tác động đến giá cao su tự nhiên, trong khi đó nhu cầu thực tế không tăng nhiều. Giá cao su còn ở mức cao ít nhất cho đến tháng 6, thời điểm tới mùa lấy mủ và nguồn cung tăng trở lại. GVR nhận định, giá cao tự nhiên trong cả năm nay sẽ đạt trung bình 34-35 triệu đồng/tấn, tăng 2-3 triệu đồng/tấn, tương ứng tăng khoảng 6-10% so với năm 2023.

Trong quý I/2024, sản lượng tiêu thụ mủ cao su của Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú đạt 1.336,6 tấn, thấp hơn 18,7% so với cùng kỳ năm 2023. Giá bán bình quân quý I/2024 tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023, lên 40,9 triệu đồng/tấn. Công ty nhận định, ngành cao su tự nhiên Việt Nam sẽ hưởng lợi từ giá cao su tự nhiên thế giới phục hồi năm 2024 với việc thiếuhụt nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc, giúp Côngty cải thiện tình hình kinh doanh. Dự kiến giá bán bình quân trong năm nay là 36,46 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 5,5% so với năm 2023.

Trong quý I/2024, xuất khẩu cao su tăng trưởng tích cực nhờ giá cao su tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 414,31 nghìn tấn, trị giá 607,35 triệu USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường xuất khẩu: Trong quý I/2024, cao su của Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu sang khu vực châu Á, chiếm 86,53% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước. Quý I/2024, xuất khẩu cao su sang khu vực châu Á đạt 362,27 nghìn tấn, trị giá 525,54 triệu USD, tăng 6,2% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong quý I/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất tiêu thụ cao su của Việt Nam với 287,85 nghìn tấn, trị giá 407,83 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 69,48% về lượng và chiếm 67,15% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước. Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Ấn Độ với 28,95 nghìn tấn, trị giá 45,15 triệu USD, tăng 67,1% về lượng và tăng 82,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 6,99% về lượng và chiếm 7,43% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước.

Về chủng loại xuất khẩu: Theo thống kê sơ bộ từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2024, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 57% về lượng và chiếm 56,78% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, với 236,17 nghìn tấn, trị giá 344,87 triệu USD, giảm 9% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,52% về lượng và chiếm 99,24% về trị giá trong tổng xuất khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của cả nước, với 235,49 nghìn tấn, trị giá 342,24 triệu USD, giảm 9,2% về lượng và giảm 3,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Về giá xuất khẩu: Trong quý I/2024, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su phần lớn đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2023, trong đó tăng mạnh nhất là: SVR CV40 đạt 1.788 USD/tấn, tăng 14,8%; Latex đạt 1.173 USD/tấn, tăng 13,1%; RSS1 đạt 1.782 USD/tấn, tăng 12%; RSS3 đạt 1.696 USD/tấn, tăng 11,3%; SVR 10 đạt 1.525 USD/tấn, tăng 10,5%...

Giá cao su tăng mạnh, cầu có thể vượt cung trong năm 2024- Ảnh 2.

Giá cao su vẫn tăng trưởng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi các yếu tố mùa vụ và nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu.

Có thể thấy, trong các tháng đầu năm 2024, thị trường cao su bị chi phối bởi kinh tế toàn cầu không hoàn toàn lạc quan, căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang, bất ổn ở Trung Đông đã mang đến những thách thức đối với chuỗi cung ứng và logistics toàn cầu.

Tuy nhiên, giá cao su vẫn tăng trưởng đáng kể do nguồn cung khan hiếm bởi các yếu tố mùa vụ và nhờ vào sự phục hồi của ngành sản xuất ô tô và lốp xe toàn cầu.

Cơ quan khí tượng của nước sản xuất cao su hàng đầu Thái Lan cảnh báo, mưa lớn và lũ lụt ở thượng nguồn nước này từ ngày 8 – 14/5/2024, có khả năng gây thiệt hại mùa màng.

Giá dầu gần đây đã liên tục tăng trở lại do tồn kho dầu thô của Mỹ giảm, do các nhà lọc dầu tăng dần sản lượng trước mùa lái xe mùa hè, cho thấy nguồn cung bị thắt chặt, trong bối cảnh kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Cao su tự nhiên thường chịu sự điều chỉnh của giá dầu khi cạnh tranh thị phần với cao su tổng hợp được sản xuất từ dầu thô.

Nhập khẩu cao su trong các tháng đầu năm 2024 của các thị trường như Ấn Độ, Mỹ, Malaysia đều có xu hướng tăng, do nhu cầu dần được cải thiện.

Sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử đang diễn ra ở Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của các nhà sản xuất ô tô trong tháng 5/2024, mặc dù sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các mẫu xe mới ra mắt ngày càng tăng.

Các Giám đốc điều hành hàng đầu của BMW và Volkswagen cảnh báo không nên áp thuế nhập khẩu của EU đối với xe điện từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bởi điều đó có thể làm đảo lộn kế hoạch Thỏa thuận xanh (EGD) của khối và gây tổn hại cho các nhà sản xuất ô tô nhập khẩu ô tô sản xuất tại Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Bộ Lao động Nhật Bản, mức lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát của nước này trong tháng 3/2024 đã giảm 2.5% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu đà giảm trong năm thứ hai liên tiếp. Dữ liệu cho thấy tốc độ giảm đã tăng nhanh so với tháng trước (giảm 1.8%) do chi phí sinh hoạt tăng cao hơn mức lương danh nghĩa.

Nhật Bản đang ghi nhận những dấu hiệu tích cực về chu kỳ tăng lương và lạm phát. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí sinh hoạt, điều này nhấn mạnh những thách thức mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong việc thuyết phục các công ty tăng lương.

Một số chuyên gia kinh tế kỳ vọng tiền lương thực tế sẽ chuyển biến tích cực vào một thời điểm nào đó trong năm tài chính 2024 và 2025. Kinh tế Nhật Bản đang khiến cho nhu cầu cao su trở nên không chắc chắn nhưng với cầu thấp thì giá cao su vẫn vững ở mức cao...

Nguyễn Phương