Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo ở mức 525 USD đến 535 USD/tấn trong tuần này, mức cao nhất kể từ tháng 9, tăng từ mức 510 USD lên 517 USD của tuần trước.
Bất chấp nhu cầu yếu, giá gạo Ấn Độ vẫn tăng do nguồn cung lúa giảm do chính phủ mua mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 665 USD/tấn, tăng so với mức 648-650 USD/tấn của tuần trước.
Thị trường ghi nhận nhu cầu mạnh mẽ từ Indonesia và một số thị trường châu Phi đã đẩy giá tăng cao.
Có rất nhiều nhu cầu mới từ Indonesia sau khi họ công bố kế hoạch mua gạo từ nhiều nước, tạo ra nhiều hoạt động cho thị trường, khiến giá gạo Thái tăng cao.
Nguồn cung cũng giảm, điều này cũng góp phần đẩy giá gạo Thái tăng. Các thương nhân cho biết nguồn cung gạo mới của Thái dự kiến sẽ gia nhập thị trường vào khoảng tháng tới.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm ổn định ở mức 653 USD/tấn, giá gạo 25% tấm ở mức 617 USD/tấn, duy trì ở mức tương đương trong ba tuần qua.
Nhu cầu hiện tại của gạo Việt chưa mạnh do người mua đang chờ nguồn cung mới từ vụ thu hoạch Đông Xuân.
Việt Nam kỳ vọng xuất khẩu năm nay có thể đạt 8 triệu tấn gạo, tương đương với mức của năm 2023, do nhu cầu toàn cầu đối với gạo Việt Nam sẽ vẫn cao.
Được biết, trước đó, Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) Indonesia cho biết Chính phủ đã đồng ý giao Bulog nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024 nhằm đảm bảo ổn định nguồn gạo dự trữ quốc gia (CBP) và ứng phó với những tình huống thiếu hụt lương thực do điều kiện sản xuất trong nước chưa phục hồi.
Tính đến thời điểm hiện tại, cân đối nguồn lương thực dự trữ quốc gia, Indonesia cần nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, theo số liệu thực tế, có thể điều chỉnh số lượng để phù hợp, đảm bảo nguồn lương thực quốc gia.
Việc nhập khẩu 2 triệu tấn gạo của Indonesia trong năm 2023 gặp khó khăn do vấn đề vận chuyển. Hiện số gạo dự trữ (CBP) của chính phủ Indonesia trong kho Bulog vẫn được duy trì an toàn. Bulog đảm bảo cung cấp 1,3 triệu tấn CBP cho hoạt động thị trường và phân phối viện trợ gạo từ tháng 1 năm 2024.
Giá gạo của Indonesia vẫn sẽ tăng cao trong năm nay do sản xuất trong nước chưa hồi phục, chi phí sản xuất vẫn ở mức cao, đặc biệt là phân bón, chính sách bảo vệ nguồn cung của các nước sản xuất lúa gạo. Do đó, chính sách nhập khẩu gạo của Indonesia cần phải tiếp tục được thực thi trong thời gian tới.
Trước đó, Tổng thống Indonesia xác nhận Indonesia sẽ nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ và 2 triệu tấn gạo từ Thái Lan để đảm bảo an toàn cho kho dự trữ gạo quốc gia của Indonesia vào năm 2024.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 20/1 tại Đồng bằng sông Cửu Long chững lại và đi ngang. Thị trường giao dịch chậm, nhiều kho ngưng mua, quan sát thị trường.
Tại các kho xuất khẩu, giá gạo không có biến động. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt duy trì ở mức 13.050 - 13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250 - 12.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 13.700 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.050 - 14.150 đồng/kg.
Nửa đầu tháng 1, giao hàng gạo Việt đi Malaysia có xu hướng tích cực khi cao gấp đôi lượng giao trong cả tháng trước. Trong khi đó, giao hàng đi Trung Quốc, Indonesia ở mức tương đối thấp.
Năm 2023 Indonesia đã vượt Trung Quốc trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt Nam. Trong năm 2023, xuất khẩu gạo sang thị trường này thu về hơn 640 triệu USD với hơn 1,17 triệu tấn, tăng mạnh 878% về lượng và tăng 992% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023 là năm chứng kiến nhiều biến động đối với mặt hàng gạo sau khi Ấn Độ tuyên bố cấm xuất khẩu mặt hàng quan trọng này. Các quốc gia đã tập trung đến Việt Nam và Thái Lan để tìm kiếm nguồn cung thay thế cho quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với kim ngạch chiếm gần 1/3 toàn cầu.
Nhìn lại cả năm 2023, nhiều thời điểm gạo 5% tấm của Việt Nam đã liên tục giữ mức giá 663 USD/tấn, trong khi cùng thời điểm giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan chỉ ở mức 558 USD/tấn, thấp hơn gạo Việt tới 105 USD/tấn.