dd/mm/yyyy

Giá gạo có thể vẫn tăng do nguồn cung bị thắt chặt

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung thế giới gồm Việt Nam, Thái Lan và Pakistan tiếp tục có biến động khá mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến thời điểm này, giá gạo xuất khẩu của các nguồn cung thế giới gồm Việt Nam, Thái Lan và Pakistan tiếp tục có biến động khá mạnh.

Theo đó, ở phân khúc 5% tấm, trong khi gạo của Việt Nam vẫn duy trì giá ổn định 653 USD/tấn thì gạo Thái Lan và Pakistan đều tăng. Giá sau điều chỉnh của Thái Lan ở mức 645 USD/tấn (tăng 6 USD) còn Pakistan là 605 USD/tấn (tăng 13 USD).

Ở phân khúc 25% tấm, gạo Thái Lan đứng im ở mốc 578 USD/tấn; gạo Việt Nam giảm nhẹ 1 USD, xuống còn 624 USD/tấn; còn gạo Pakistan tiếp tục tăng 13 USD, lên 558 USD/tấn. Như vậy, trong 2 ngày liên tiếp gần đây gạo của Pakistan đã tăng tổng cộng 45 USD/tấn.

Tương tự, ở phân khúc 100% tấm gạo Việt vững giá 533 USD; Thái Lan tăng 6 USD, lên mức 486 USD/tấn; Pakistan tăng 5 USD, lên mức 467 USD/tấn.

Ở phân khúc cao, trong khi giá gạo Jasmine của Việt Nam tăng 8 USD, lên 734 USD/tấn thì gạo Hom Mali 92% của Thái Lan lại ghi nhận sự sụt giảm 5 USD, xuống còn 871 USD/tấn.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giữ ổn định do được người tiêu dùng, đặc biệt là tại Philippines ưa chuộng bởi có chất lượng tốt. Ngoài ra, nguồn cung gạo này hiện hạn chế vì đa số lúa vẫn còn ở ngoài đồng, đến cuối tháng 2 đầu tháng 3/2024 mới bước vào vụ thu hoạch rộ.

Đối với các nguồn cung khác ghi nhận mức tăng mạnh do nhu cầu thị trường hiện ở mức cao trong khi nguồn cung vẫn có phần hạn chế (Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu chiếm 40% thị phần gạo thế giới hiện tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng đến hết năm 2024).

Giá gạo có thể vẫn tăng do nguồn cung bị thắt chặt- Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn neo cao.

Giá lúa gạo hôm nay tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn neo cao. Tại các kho xuất khẩu, giá gạo không có biến động giảm. Theo đó, giá gạo nguyên liệu IR 504 Việt duy trì ở mức 13.050 - 13.150 đồng/kg; gạo nguyên liệu dao động ở mức 12.900 - 13.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu Sóc Trăng ở mức 12.250 - 12.350 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 5451 ở mức 13.700 - 13.800 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 18, Đài thơm 8 ở mức 14.050 - 14.150 đồng/kg.

Giá gạo được dự báo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Tuy nhiên, giá khó có thể quay trở lại mức kỷ lục năm 2008 là trên 1.000 USD/tấn.

Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng Hàng hóa Toàn cầu” của Ngân hàng Thế giới (WB), giá gạo toàn cầu dự kiến sẽ không giảm đáng kể trước năm 2025, do các biện pháp hạn chế xuất khẩu từ các nước sản xuất lớn và mối đe dọa từ hiện tượng EI Nino.

Giá gạo toàn cầu năm 2023 ước tăng trung bình hơn 28% so với năm 2022, và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024. Nguyên nhân là do hiện tượng El Nino, phản ứng với chính sách từ các nhà xuất khẩu và nhập khẩu quan trọng.

Theo một nghiên cứu, lúa là loại cây trồng dễ bị tổn thương nhất và có khả năng mất mùa cao nhất trong thời gian xảy ra hiện tượng El Nino. Trung Quốc đang trải qua đợt hạn hán có thể là khốc liệt nhất trong hai thập kỷ ở nhiều vùng trồng lúa. Ngoài các thách thức nói trên, gạo cũng thiếu hụt vì nhu cầu tăng cao, trong bối cảnh trở thành nguồn thay thế hấp dẫn cho các loại ngũ cốc bị thiếu hụt và tăng giá mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Giới phân tích thị trường và một số thương nhân dự báo sản lượng gạo trái vụ từ hai quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ và Thái Lan sẽ giảm trong quý I/2024 do thời tiết khô hạn và mực nước tại các hồ chứa xuống thấp. Trong khi nông dân trồng lúa tại nước nhập khẩu gạo hàng đầu là Indonesia vẫn đang chống chọi với hạn hán.

Để đảm bảo nguồn dự trữ gạo của đất nước, Chính phủ Indonesia đã chỉ đạo Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) nhập khẩu thêm 2 triệu tấn gạo vào năm 2024.

Được biết, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu năm 2024 gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha lúa, đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn thóc, đảm bảo đủ an ninh lương thực trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đồng thời xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.

Năm 2024, Bộ này kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc nhiều vào năng lực của chính các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường.

VFA thì dự báo, một điều khá chắc chắn là dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do thế giới thiếu hụt 5 triệu tấn gạo và Ấn Độ vẫn duy trì hạn chế xuất khẩu gạo. Trong khi đó, một số quốc gia nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonesia, Philippines đều có nhu cầu tăng lượng nhập khẩu gạo… Hiện, bạn hàng lớn của gạo Việt Nam là Indonesia dự báo tăng nhập khoảng 600.000 tấn.

Với những lợi thế đó, VFA cho rằng, mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2024 dự tính mang về 5,3 tỷ USD, tăng gần 13% so với năm 2023. Năm 2024 Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo bằng năm 2023, nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Nguyễn Phương