Clip: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao vươn lên
Nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc
Sơn La là tỉnh miền núi vùng Tây Bắc với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 80%. Bà con dân tộc thiểu số nơi đây chủ yếu là canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, phát triển cây ăn quả…
Những năm trở lại đây nhờ hỗ trợ của Đảng, Nhà nước từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, địa phương này đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về tư liệu sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho đồng bào dân tộc nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Với những việc làm trên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng cao từng bước.
Anh Đinh Văn Thành, dân tộc Mường, bản Chanh, xã Song Pe (Bắc Yên, Sơn La) vốn là gia đình thuần nông. Thu nhập của gia đình anh trước đây phụ thuộc vào việc trồng ngô trồng sắn trên nương. Năm làm được nhiều thì đủ ăn, còn năm nào làm ít hay mất mùa thì gia đình anh vẫn phải đi vay mượn để trang trải cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, khi gia đình anh được hỗ trợ về giống vật nuôi từ chính sách dân tộc của Nhà nước, thu nhập của gia đình anh đã ổn định, không phải bữa đói bữa no.
"Trước kia gia đình tôi còn nhiều khó khăn lắm. Nhà có 4 miệng ăn, thế nhưng một năm chỉ làm được vài tấn sắn khô. Thu nhập của gia đình hạn hẹp. Khi thưởng lợi từ chính sách dân tộc của Nhà nước, được Nhà nước hỗ trợ gia đình 5 con dê giống; từ đấy đến giờ gia đình tôi cứ nuôi và chăm sóc cẩn thận. Đến nay đàn dê đã lên đến 30 con. Lúc nào gia đình thiếu tiền mua thóc, hay lo cho con đi học, tôi sẽ bán bớt đi 2-5 con, cũng được tầm 8-10 triệu, đủ lo cho gia đình. Giờ tôi đã có nguồn thu ổn định, không phải lo cái đói, cái nghèo nữa" - anh Thành nói.
Giải pháp nâng cao mức sống đồng bào dân tộc
Ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên cho biết: Bắc Yên là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La; gồm có 15 xã và 01 thị trấn; với trên 93% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số gồm: dân tộc Mông, Thái, Mường, Dao, Khơ Mú, Tày...
Những năm qua, huyện Bắc Yên đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân nơi đây từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn, huyện Bắc Yên đã triển khai thực hiện 9 dự án, đó là: "Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình. Với tổng hỗ trợ của các dự án thành phần của Chương trình là: 59.247,5,5 triệu đồng.
"Để tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách dân tộc, huyện Bắc Yên (Sơn La) thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện".
Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Toán, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La thông tin: " Từ các chính sách được cụ thể hóa đã góp phần phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho bộ mặt vùng dân tộc phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng nhất là đường, điện, giao thông, thủy lợi, trường lớp học và các công trình phúc lợi khác được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số giảm dần từ 3 đến 5%/năm. Đồng bào dân tộc thiểu số chuyển biến về nhận thức, đổi mới về phong tục tập quán sản xuất, tăng thu ổn định và cải thiện đời sống. Đặc biệt là bước đầu đã hình thành kinh tế thị trường, sản xuất hàng hoá..."
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" nhằm tiếp tục thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên đầu tư giảm nghèo bền vững, giải quyết những khó khăn, bức xúc của đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Từ đó giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc tỉnh Sơn La.