dd/mm/yyyy

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông

Đời sống của bà con đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh Sơn La thêm ấm no, hạnh phúc, tình hình ANTT được giữ vững, ổn định.

Cuộc sống mới của người Mông từ một vùng cao nghèo đói

Là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc với diện tích tự nhiên hơn 14.000 km2 với 274km đường biên giới, tỉnh Sơn La tiếp giáp với 2 tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào). Tính đến tháng 1/2023 Sơn La có hơn 1,2 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc Mông có 214.573 người (chiếm khoảng 15,79% dân số toàn tỉnh) cư trú ở 133 bản (trong đó: 512 bản có 100% là người dân tộc Mông; 309 bản người Mông sống xen kẽ với đồng bào dân tộc khác) tại 133 xã, phường, thị trấn.

Những ngày đầu xuân, khi những đóa hoa mơ, hoa mận trắng rực trên những triền đồi, qua những cung đường núi dốc cheo leo, chúng tôi đến huyện Bắc Yên. Đón chúng tôi bằng cái bắt tay nồng hậu, ông Nguyễn Đăng Thức, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Yên (Sơn La) kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay nơi đất này trong thời gian qua. Ông cho biết: Huyện Bắc Yên là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La; dân cư sinh sống gồm 14.371 hộ, 70.440 nhân khẩu, thành phần dân tộc gồm có: dân tộc Mông, Thái, Mường, Kinh, … trong đó dân tộc Mông chiếm 45,63%.

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông - Ảnh 1.

Công an Sơn La tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc Mông. Ảnh: Trung Hiếu

Trong những năm qua, huyện Bắc Yên thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào dân tộc Mông được triển khai đầy đủ, kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào Mông trên địa bàn huyện được đảm bảo ổn định và giữ vững, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được giải quyết kịp thời; công tác tuyên truyền di cư tự do, truyền học đạo trái phép, không tái trồng cây thuốc phiện được chú trọng và tăng cường, chính sách an sinh xã hội được thực hiện có hiệu quả.

Lùi xa thời gian của những ngày tháng cũ, huyện Bắc Yên cũng như các địa phương khác trong tỉnh cũng là huyện phức tạp về tình hình ANTT, đặc biệt là vấn đề liên quan đến ma túy. Ông Thức kể: Khoảng 15 năm trở về trước, cây thuốc phiện là một trong những cây trồng chính của đồng bào dân tộc Mông ở đây, ở những xã vùng cao như Háng Đồng, Tà Xùa, Hang Chú,... chuyện trồng cây thuốc phiện như "cơm bữa". Hồi đó, cây thuốc phiện trồng khắp nơi trong mỗi bản làng người Mông. Có gia đình cả vợ chồng, con cái đều nghiện thuốc phiện, không gì dứt ra nổi.

Theo Công an tỉnh Sơn La, tại thời điểm năm 2005, toàn tỉnh có 9.487 người nghiện ma tuý tại 61,32% bản, tiểu khu, tổ dân phố của 94,03% xã, phường, thị trấn, chiếm trên 1% dân số; có 86% xã, phường, thị trấn và 36% số tổ bản có điểm tệ nạn ma tuý; gần 80% các vụ án hình sự là do những người có liên quan đến ma tuý gây ra, tệ nạn ma túy gây bất ổn về ANTT, người ra tù rồi lại vào tù đã trở thành thông lệ ở các địa bàn vùng cao.

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông - Ảnh 2.

Lực lượng Công an Sơn La luôn gần dân, sát dân, bám địa bàn góp phần đảm bảo ANTT .Ảnh: Trung Hiếu

Quê hương đồng bào mông "thay da, đổi thịt"

Thời gian qua Thực hiện Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 2152/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt đề án kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" đến năm 2025.

Các cấp ủy Ðảng, chính quyền tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông góp phần cải thiện đời sống vùng đồng bào dân tộc Mông. Đồng thời tỉnh Sơn La chỉ đạo quyết liệt trong việc nâng cao đời sống xã hội của bà con dân tộc Mông bằng việc xây dựng đường giao thông, công trình cấp điện, cấp nước hợp vệ sinh, thực hiện các chương trình phát triển sản xuất, chăn nuôi nhằm từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào.

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông - Ảnh 3.

Bên bếp lửa hồng những ngày đầu xuân, Công an Sơn La tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân. Ảnh: Trung Hiếu

Theo Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó giám đốc Công an tỉnh Sơn La: Thời gian qua lực lượng Công an đã thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng của các mô hình, tổ ANND, phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Gắn phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các phong trào khác như "xóa đói giảm nghèo"; cuộc vận động "toàn dân xây dựng nông thôn mới"; "5 có 5 không"… Nâng cao hoạt động của các mô hình đảm bảo ANTT như: tổ ANND, tổ hòa giải, tổ PCCC và các nhóm liên gia tự quản theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về "Tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới" và Đề án 05/ĐA-BCA của Bộ Công an về "Công tác Công an phòng ngừa, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới". Góp phần đảm bảo ANTT trong vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn toàn tỉnh Sơn La.

Trở lại các bản làng người Mông hôm nay, những nương, những đồi thuốc phiện ngày xưa, nay đã được trồng thành rừng cây nông nghiệp, cây công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao; cuộc sống của bà con nay đã được ấm no, trẻ em được đi học. Ông Mùa A Sang, Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên vui mừng cho biết: Từ năm 2016 đến nay, thông qua các nguồn vốn Chương trình 30a, 135 của Nhà nước, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng các nguồn vốn đầu tư của tỉnh, huyện, xã Tà Xùa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là những hộ người Mông trong xã tích cực chăm sóc giống chè đặc sản. Đến nay, xã có gần 200 ha chè Shan tuyết, 1.650 cây chè cổ thụ đang cho thu hoạch, tập trung tại các bản như: Bản Bẹ, bản Tà Xùa và bản Chung Chinh, sản lượng chè búp tươi đạt gần 1.000 tấn/năm. Hiện, người dân trong xã đang áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất; chủ động tìm mối liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm chè đem lại thu nhập cao.

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông - Ảnh 4.

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông - Ảnh 5.

Đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng cao. Ảnh: Trung Hiếu

Hay như "triệu phú người Mông" Sùng A Chư, ở bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, cũng nhờ từ bỏ cây thuốc phiện, chăm chỉ làm ăn mà nay đời sống đã khấm khá hơn. "Được cán bộ xã, huyện đến tận nhà vận động không tái trồng và hút thuốc phiện, tôi đã cai nghiện thành công. Nhà nước hỗ trợ giống cây và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã cải tạo hơn 3 ha đất trồng mận, 1 ha chè, còn lại trồng ngô, lúa; giá mận ổn định, có năm lãi cả trăm triệu…"

Không chỉ đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào dân tộc Mông còn là "cánh tay nối dài" trong đảm bảo ANTT tại các địa bàn trong tỉnh. Hiện nay toàn tỉnh có 17.448 "nhóm liên gia tự quản"; 2.557 tổ an ninh nhân dân; 2.657 tổ hòa giải; 140 cụm liên kết về an ninh trật tự; 7 ban, 85 tổ bảo vệ dân phố; 2.738 tổ PCCC; 472 "Tổ thanh niên xung kích"; 25 "Đội thanh niên xung kích bảo vệ bản", 31"câu lạc bộ phòng, chống ma túy", đồng bào Mông trong tỉnh Sơn La cũng là một trong những lực lượng tiên phong, tích cực giúp lực lượng các cấp, ngành đảm bảo ANTT tại địa bàn. Trong năm 2022, Công an tỉnh Sơn La đã vận động tranh thủ 250 lượt người cón uy tín là người dân tộc Mông phục vụ công tác đảm bảo ANTT, trong đó đã vận động, tranh thủ 36 lượt người có uy tín tham gia tuyên truyền hoạt động thành lập "Nhà nước Mông" và 98 lượt người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động người dân không di cư tự do, xuất cảnh trái phép.

Đổi thay trên quê hương đồng bào Mông - Ảnh 4.

Đổi thay trong đồng bào dân tộc Mông tỉnh Sơn La hôm nay. Ảnh: Trung Hiếu

Đến bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La), dân bản nơi đây không ai là không biết đến người già bản Vừ Sua Ly – "cây đại thụ" giữa đại ngàn Copia hùng vĩ, người có công đẩy lùi tà đạo Vàng Chứ ra khỏi đời sống nhân dân, giúp những người lầm lỗi làm lại cuộc đời góp phần giúp bà con yên tâm xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc…Với vai trò là già bản có uy tín của bà con người Mông ở Pha Khuông, cùng với cán bộ Công an, biên phòng, ông Vừ Sua Ly đã tích cực "đi từng ngõ, gõ từng nhà", vận động, tuyên truyền bà con trong bản không nghe theo lời rủ rê, xuyên tạc của những đối tượng theo tà đạo Vàng Chứ. au khi được Ban quản lý bản và tôi tuyên truyền, những hộ theo Vàng Chứ ở Pha Khuông đã hiểu và không tin theo cái được gọi là Vàng Chứ đó nữa, đồng thời lập lại bàn thờ thờ ông bà, tổ tiên.  "Mưa dầm thấm lâu", cuối cùng bà con cũng nhận ra những lời hứa hẹn của những kẻ truyền đạo trái phép chỉ là lời dối trá.

Đất không bao giờ phụ công người, nhìn những bản làng đổi mới với các con đường rải nhựa thênh thang, lưới điện quốc gia được thắp sáng, niềm vui qua ánh mắt các em thơ trong lớp học… màu xanh của cây rừng, của những triền đồi bạt ngàn cây ăn trái là thành quả của sự nỗ lực cố gắng  từng ngày, từng giờ của đồng bào Mông nơi đây với khát vọng đổi thay có một cuộc sống ấm no hơn thuở trước.

 

PV Tây Bắc