dd/mm/yyyy

Điện Biên: Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2022 và Qúy I NĂM 2023

Sáng nay (21/4), Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến tại 137 điểm cầu trong toàn tỉnh, đánh giá kết quả thực hiện năm 2022, quý I năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 Dự và chủ trì Hội nghị có đồng chí Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số - Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Điện Biên; Phạm Đức Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo Đề án 06.

Điện Biên: Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2022 và Qúy I NĂM 2023 - Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2022 và Qúy I NĂM 2023. Ảnh: Vinh Duy

Năm 2022, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số được quan tâm thực hiện, tạo được chuyển biến về nhận thức, cơ bản hoàn thành nền tảng dữ liệu dùng chung. Vượt kế hoạch hoạt động 5/25 nhiệm vụ, gồm: Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử; số doanh nghiệp công nghệ số; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số; số dịch vụ đô thị thông minh được triển khai trên địa bàn tỉnh; đào tạo, bồi dưỡng chuyên gia chuyển đổi số.

Trong 25 chỉ tiêu đặt ra, đến hết năm 2022 có 22 chỉ tiêu hoàn thành, 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu chưa hoàn thành; tỷ lệ hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ đến khu dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) đạt trên 96%;  tỷ lệ khu vực dân cư sinh sống, làm việc (thôn, bản, tổ dân phố) được phủ sóng thông tin di động mạng 3G, 4G, 5G đạt trên 98%; tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số đạt trên 88%. Do địa bàn một số khu vực chưa có đường ô tô đến, chưa có hạ tầng điện lưới quốc gia, không có nguồn kinh phí hỗ trợ nên chưa có đủ điều kiện để xây dựng, vận hành hạ tầng viễn thông. Cùng với đó là, các doanh nghiệp của tỉnh đa số là các doanh nghiệp nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng; mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số chưa cao. Các doanh nghiệp CNTT khởi nghiệp chưa đa dạng, doanh thu đối với các doanh nghiệp CNTT còn thấp.

Tại hội nghị này, Ban tổ chức cũng đã khai trương hệ thống họp không giấy mời; hệ thống thông tin phản ánh phản ánh hiện trường; hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng thuộc Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Điện Biên (IOC).

Điện Biên: Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2022 và Qúy I NĂM 2023 - Ảnh 3.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vinh Duy

Kết quả thực hiện Đề án 06, năm 2022 và quý I năm 2023, tỉnh Điện Biên thu thập, làm sạch trên 650.000 dữ liệu dân cư, đạt 100%; thu nhận gần 490.000 hồ sơ CCCD, đạt 98,9%, xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Triển khai 23/25 dịch vụ thiết yếu trên Cổng dịch vụ công; tiếp nhận, giải quyết trên 160.000 hồ sơ trực tuyến. 100% thủ tục thuộc lĩnh vực cư trú, con dấu, hộ chiếu được thực hiện trên môi trường trực tuyến từ quý IV/2022. Tiến hành làm sạch dữ liệu khách hàng, chuẩn hóa trên 36.000 thông tin thuê bao di động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, thì toàn tỉnh vẫn còn khoảng 11.000 hộ (chiếm 8%) chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 32,6% người dân không có điện thoại thông minh, 16 bản chưa có dịch vụ thông tin di động, 79 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng di động (3G, 4G), 171 bản chưa có dịch vụ internet băng rộng cố định (cáp quang), tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,35%, cận nghèo chiếm 9,63%... nên ảnh hưởng đến việc kích hoạt tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến; rà soát, đối sánh làm sạch dữ liệu sổ hộ tịch với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư chậm tiến độ. Còn 3 huyện chưa cấp kinh phí thực hiện số hóa hộ tịch; tỷ lệ người dân sử dụng thẻ CCCD để đi khám chữa bệnh còn thấp (56,6%); việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội còn thấp, mới đạt 63%; thanh toán học phí không dùng tiền mặt toàn tỉnh mới đạt 15%.          

Năm 2023, duy trì hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Đề án 06; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh, giải quyết các "điểm nghẽn" trong triển khai, thực hiện Đề án 06. Thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu dân cư đảm bảo "đúng, đủ, sạch, sống"; thu nhận hồ sơ CCCD, định danh điện tử cho 100% công dân trong độ tuổi; làm sạch dữ liệu chuyên ngành và cập nhật thông tin các Hội đảm bảo 100% trên hệ thống Cơ sở DLQG về dân cư. Hoàn thành việc làm sạch dữ liệu bảo hiểm, bảo đảm 100% người đóng bảo hiểm đồng bộ với Cơ sở DLQG về dân cư; Đẩy mạnh việc khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD tiến tới bỏ thẻ BHYT vật lý. Đẩy mạnh công tác số hóa dữ liệu chuyên ngành kết nối với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; nâng cao tỷ lệ chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng An sinh xã hội, chi trả học phí và hỗ trợ chính sách cho học sinh khu vực đặc biệt khó khăn; triển khai thu phí, lệ phí, hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các dịch vụ tham quan, ăn uống nhằm chống thất thu thuế. Triển khai hiệu quả đối với 53 dịch vụ công thiết yếu (trong đó có 25 dịch vụ theo Đề án 06 và 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nâng cao tỷ lệ thực hiện trực tuyến, cắt giảm dần bộ phận tiếp nhận trực tiếp.

Điện Biên: Hội nghị Đánh giá kết quả thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2022 và Qúy I NĂM 2023 - Ảnh 4.

Các đại biểu nhấn nút khai trương hệ thống IOC. Ảnh: Vinh Duy

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Lê Thành Đô nhấn mạnh: Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục phát triển hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại phục vụ cho chuyển đổi số, quan tâm đến trang thiết bị tại bộ phận 1 cửa để phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến gắn với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh cá nhân và xác thực điện tử phục vụ cho chuyển đổi số. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống đô thị thông minh; sử dụng chung nền tảng số thống nhất trên cơ sở liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ngành Giáo dục và Đào tạo, Công an, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp... 

Triển khai hiệu quả hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương để phổ cập kỹ năng số cho người dân thực hiện chuyển đổi số, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, thương mại điện tử. Nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, xác định phương châm 5 rõ: "Rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm"; khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện ngay các nhiệm vụ đã nêu trong kế hoạch bảo đảm đúng tiến độ và mục tiêu đã đặt ra.

Vinh Duy