Điện Biên Đông - vùng đất nhiều gian khó
Điện Biên Đông là huyện khó khăn của tỉnh Điện Biên. Hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nhất là điện lưới Quốc gia. Theo thống kê đến hết quý I/2023, toàn huyện còn 26 bản chưa có điện lưới quốc gia. Đây là trở ngại lớn nhất để bà con trong huyện vươn lên thoát nghèo.
Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: "Năm 2022, huyện đã cố gắng đầu tư và đóng điện lưới Quốc gia cho 9 bản trên địa bàn huyện. Năm 2023 huyện tiếp tục triển khai kéo điện cho 8 bản. 18 bản còn lại UBND huyện đã trình UBND tỉnh để cấp kinh phí đầu tư" Theo ông Bạo thì cái khó khăn lớn nhất cho việc đầu tư kéo điện về các bản của Điện Biên Đông là địa hình phức tạp. Các bản ở xa trung tâm, các hộ ở phân tán nên rất khó khăn cho đầu tư vì cần nguồn vốn lớn.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông cho biết: "Xóa bản “trắng” về điện lưới quốc gia sẽ tạo điều kiện nâng cao trình độ dân trí. Tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Chính vì vậy, huyện Điện Biên Đông xác định việc kéo điện về các bản vùng cao, vùng xa là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực để đến cuối nhiệm kỳ trên địa bàn huyện không còn bản chưa có điện lưới".
Xoá bản “trắng” về điện lưới quốc gia ở Điện Biên Đông
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện Chương trình Xoá bản “trắng” về điện lưới quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, việc triển khai các dự án kéo điện về các bản vùng cao đã và đang triển khai đúng kế hoạch, tiến độ. Với sự cố gắng của các cấp, ngành, đơn vị thi công, Tết Nguyên đán năm 2023, huyện Điện Biên Đông đã có thêm 9 bản, nhiều hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.
Năm 2022, huyện Điện Biên Đông có 2 dự án kéo điện lưới quốc gia về 9 bản vùng cao trên địa bàn. Trong đó, dự án do Sở Công Thương thực hiện tại 4 bản thuộc 2 xã: Keo Lôm và Xa Dung và dự án do UBND huyện Điện Biên Đông thực hiện tại 5 bản thuộc 3 xã: Na Son, Pú Nhi và Tìa Dình. Năm 2023 huyện tiếp tục được đầu tư kéo điện cho 8 bản.
Các bản: Huổi Múa B, Huổi Hoa A1, Huổi Hoa A2 là những bản vùng cao, khó khăn nhất xã Keo Lôm. Cả 3 bản có trên 100 hộ dân tộc Mông sinh sống rải rác tại các sườn núi, đồi. Nhiều năm qua, bà con chưa được sử dụng lưới điện quốc gia, phần lớn các hộ dùng đèn dầu để thắp sáng, một số ít hộ có điều kiện đã bỏ tiền mua máy phát điện loại nhỏ đặt ở suối gần bản nhưng điện nước chập chờn không đủ để phục vụ nhu cầu thiết yếu. Sau nhiều lần kiến nghị, Sở Công Thương đã đưa dự án công trình đường điện các bản: Huổi Múa B, Huổi Hoa A1, Huổi Hoa A2 vào danh mục đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Đến ngày 7/4/2021 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 470/QĐ-UBND đầu tư dự án điện tại các bản trên. Sau 1 năm thi công, đầu tháng 12/2022, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui của người dân.
Ông Sùng A Thái, Trưởng bản Huổi Múa B, xã Keo Lôm phấn khởi cho biết: Có điện lưới bà con trong bản rất vui mừng và cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm, hiện thực hóa mong ước của bà con. Gần một tháng kể từ ngày được đóng điện, cuộc sống ở bản Huổi Múa B thay đổi rõ rệt. Học sinh không phải học bài bằng đèn dầu; nồi cơm điện, tủ lạnh, ti vi… được người dân mua sắm, sử dụng góp phần nâng cao chất lượng đời sống. Có điện, một số hộ đã mua máy xay xát gạo, máy nghiền ngô, máy bơm nước phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất lao động.
Ông Đinh Quang Bạo, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Điện Biên Đông cho biết: Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Điện Biên Đông lồng ghép nguồn vốn các Chương trình MTQG để đầu tư các dự án điện về các bản. Cụ thể, năm 2023 - 2024, huyện sẽ đầu tư 7 dự án điện về vùng cao. Đến hết năm 2024, toàn huyện có 185/198 bản có điện, đạt 93,43% số bản; tổng số hộ được sử dụng điện trên địa bàn 13.287/13.746 hộ, đạt 96,66%.
Năm 2025, huyện Điện Biên Đông vẫn còn 13 bản với gần 600 hộ dân thuộc 4 xã: Chiềng Sơ, Xa Dung, Tìa Dình và Keo Lôm chưa có điện lưới quốc gia. Tất cả 13 bản trên đã có danh mục đầu tư của Sở Công Thương nhưng chưa xác định được kế hoạch vốn trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Đảng bộ huyện về xóa bản “trắng” điện lưới quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đang đề nghị UBND huyện Điện Biên Đông cân đối, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung danh mục dự án 13 bản hiện đang nằm trong danh mục đầu tư của Sở Công Thương vào kế hoạch của huyện để triển khai thực hiện.