dd/mm/yyyy

Điện Biên: Đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị tụt lại phía sau

Những năm qua, tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm triển khai các chương trình giảm nghèo tại địa phương, cùng đồng hành với người nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn...

Chia sẻ với phóng viên, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ UBND tỉnh Điện Biên, cho biết: Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, còn rất nhiều khó khăn; 82,62% dân số trong tỉnh là đồng bào dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Để triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững hiệu quả, cải thiện mọi mặt đời sống cho người dân nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên luôn xác định công tác quan trọng hàng đầu là tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm hệ thống chính trị về giảm nghèo. Do vậy, suốt thời gian triển khai chương trình, Điện Biên không chấp nhận tình trạng cấp nào, ngành nào hay cán bộ, công chức nào đứng ngoài cuộc; không người nào được thờ ơ với mục tiêu "tranh thủ nguồn lực, thực hiện hiệu quả chương trình để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, cho nhân dân; đặc biệt là bộ phần đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở vùng cao, biên giới".

Điện Biên: Đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị tụt lại phía sau - Ảnh 1.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH Điện Biên, nhiều gia đình đã đầu tư vào sản xuất, tăng thu nhập. Ảnh Vinh Duy.

Để việc chỉ đạo thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 được xuyên suốt, thống nhất, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Quyết định số 3387/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 gồm 38 thành viên. Trong đó đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Ở cấp huyện 10/10 huyện, thị xã, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban chỉ đạo. Việc xây dựng quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ được thực hiện nghiêm túc, thành viên Ban Chỉ đạo được phân công phụ trách từng địa bàn cụ thể. Tương tự với cấp xã cũng thành lập Ban Quản lý thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm trưởng ban, có quy chế hoạt động, phân giao nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, tổ chức đoàn thể phụ trách, giúp đỡ từng thôn, bản.

Điện Biên: Đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị tụt lại phía sau - Ảnh 2.

Nhiều hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn đầu tư vào chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại. Ảnh Vinh Duy.

Theo đánh giá của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Điện Biên - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh, đến cuối tháng 6/2023 Điện Biên đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ được giao tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và văn bản quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương. Qua đó các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương có căn cứ tổ chức triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Đánh giá chung kết quả triển khai chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, cho rằng: Giai đoạn 2021-2023 là những năm đầu thực hiện Chương trình, song với quyết tâm cao, tỉnh Điện Biên đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội tập trung hoàn thành cơ bản cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản chỉ đạo, quản lý tổ chức thực hiện Chương trình. Công tác xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn vốn thực hiện đầy đủ, kịp thời theo quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 và Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Chính phủ. 

Điện Biên: Đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị tụt lại phía sau - Ảnh 3.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi được các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Ảnh Vinh Duy.

Việc tuyên truyền các nội dung, chính sách của Chương trình được thực hiện trọng tâm, hiệu quả đã phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, các đối tượng yếu thế, tỷ lệ hộ nghèo tại Điện Biên đã giảm rõ rệt. Trong giai đoạn tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,55% (đạt và vượt mục tiêu đề ra). Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Điện Biên: Đồng hành cùng người nghèo, không để ai bị tụt lại phía sau - Ảnh 4.

Các tuyến đường liên thôn, liên xã được đầu tư mở mới giúp người dân thuận tiên đi lại, giao thương buôn bán. Ảnh Vinh Duy.

Đối với nguồn vốn Trung ương cấp, tỉnh Điện Biên đã sớm hoàn thành phân bổ giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 của Chương trình theo số vốn được Trung ương thông báo; kịp thời giao kế hoạch vốn hằng năm, khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án theo quy định khi đủ điều kiện phân bổ vốn hằng năm. Phân bổ 100% vốn năm 2022, 2023 cho các cơ quan, đơn vị thực hiện; tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình. Công tác triển khai các dự án thuộc nguồn vốn thực hiện Chương trình cơ bản thuận lợi, các dự án phù hợp với mục tiêu, đối tượng và nội dung hỗ trợ của Chương trình; một số dự án đã hoàn thành trong năm 2022, bước đầu mang lại lợi ích cho đối tượng thụ hưởng.

Vinh Duy