dd/mm/yyyy

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc

Với vùng Tây Bắc, việc đưa chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ… đến với người dân gặp nhiều khó khăn, ở huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu) những khó khăn ấy dường như nhân lên gấp bội; nhưng với bầu nhiệt huyết, BHXH huyện Mường Tè đã và đang "đi từng ngõ, gõ từng nhà" nỗ lực tạo điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân.

Video: Video: Viên chức lao động BHXH huyện Mường Tè, Lai Châu tạo điểm tựa vững chắc cho người dân.

Gian nan đưa chính sách đến với bà con vùng biên

Huyện Mường Tè được biết đến là địa bàn biên giới khó khăn của tỉnh Lai Châu, với tỷ lệ hộ nghèo cao. Toàn huyện có 13 dân tộc sinh sống, trên 90% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc rất ít người như dân tộc Si La, các dân tộc đặc biệt khó khăn như dân tộc Cống, Mảng, La Hủ. Huyện có 6 xã biên giới, có tới 11/14 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; Trình độ dân trí thấp, cơ sở hạ tầng giao thông và các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt, sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ, nguyễn nhân bởi huyện có diện tích tự nhiên lớn, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc cao, dân cư phân bố rải rác khiến cho việc đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng gặp nhiều trở ngại, chính vì những nguyên nhân đó, dẫn tới đời sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc- Ảnh 1.

Huyện Mường Tè, Lai Châu có 13 dân tộc sinh sống, trên 90% bà con là đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có dân tộc rất ít người như dân tộc Si La, các dân tộc đặc biệt khó khăn như dân tộc Cống, Mảng, La Hủ. Ảnh: CTV

Hơn 10 năm công tác ở BHXH huyện Mường Tè, anh Phạm Quang Chiến đã thuộc nằm lòng những cung đường quanh co, những khúc cua tay áo với một bên là núi cao, một bên là vực sâu, vất vả lắm mới có thể đi tới những thôn, bản xa xôi ở xã Ka Lăng hay Thu Lũm…; với những cán bộ gắn bó nhiều năm ở nơi này mùa khô không đáng ngại, khó khăn nhất vẫn là mùa mưa lũ, sạt lở và lầy lội…

Những buổi cùng đồng đội đi tuyên truyền, anh Phạm Quang Chiến và đồng nghiệp càng thấm thía những thiệt thòi của bà con ở những vùng xa xôi này. Chia sẻ với chúng tôi, anh Chiến kể về những thách thức khi vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Vì thu nhập thấp, việc lo cho bữa cơm hàng ngày được no đủ, lo tấm chăn hay manh áo ấm đã trở thành "bài toán khó" với nhiều hộ dân; Qua những buổi tuyên truyền của viên chức, người lao động BHXH huyện, hiểu thấu những chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ, Quốc hội… nhưng bà con vẫn "lực bất tòng tâm", khó có điều kiện tham gia đầy đủ BHXH, BHYT.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc- Ảnh 2.

Do xuất phát điểm thấp, đời sống của người dân ở huyện Mường Tè còn nhiều khó khăn. Ảnh: CTV

Vùng sâu, vùng xa là thế, nơi thuận lợi như thị trấn những năm gần đây, việc phát triển kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm, thu nhập của nhiều lao động, nhất là với những người làm công việc tự do, khiến nhiều người phải lo nỗi lo "cơm áo" trước khi dành tiền trang bị điểm tựa an sinh cho bản thân, người thân. Chính vì vậy việc phát triển BHXH tự nguyện cũng còn gặp nhiều thách thức.

Rót chén nước mời khách, anh Chiến cho hay, bên cạnh những thách thức về thu nhập, về giao thông, để các buổi tuyên truyền, vận động ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa đạt hiệu quả, anh em chúng tôi kết hợp tuyên truyền cùng chính quyền xã, bản; vận động già làng, trưởng bản, người có uy tín cùng tới nói chuyện, kết hợp phát tờ rơi; tuyên truyền qua các nhóm với phương châm "mưa dầm thấm lâu", "đi từng ngõ, gõ từng nhà"… Nhờ những cách làm đó, bài toán "bất đồng ngôn ngữ" đã có lời giải, các buổi tuyên truyền cũng trở nên ấm cúng, gần gũi và hiệu quả hơn.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc- Ảnh 3.

Viên chức, lao động BHXH huyện Mường Tè nhiều năm qua đã rất nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT, từ đó tạo cho bà con có điểm tựa an sinh vững chắc. Ảnh: CTV

"Thực tế cho thấy, những năm qua, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu mở rộng, phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, nhờ đó đã đạt được những kết quả khá tích cực; từ đó từng bước củng cố vững chắc hệ thống an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân", anh Chiến bày tỏ.

Chăm lo để  người dân vùng biên có điểm tựa an sinh vững chắc

Biến những khó khăn thành động lực, những năm gần đây BHXH huyện Mường Tè có những cách làm hay và hiệu quả. Nhìn từ góc độ thực hiện chính sách, ngành BHXH huyện Mường Tè phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời tìm cách đưa chính sách vào đời sống bằng nhiều giải pháp linh hoạt; Điểm nhấn trong cách tuyên truyền là nơi nào tập trung đông người lao động làm những công việc tự do, từ chợ dân sinh, khu vực công cộng, cho đến các phiên giao dịch việc làm, tư vấn tuyển sinh, tuyển dụng..., ngành BHXH đều bố trí lực lượng đến tư vấn về tính ưu việt, nhân văn của chính sách.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc- Ảnh 4.

Công tác tuyên truyền, vận động được BHXH huyện Mường Tè đề ra nhiều giải pháp từ đó mang lại hiệu quả tích cực. Ảnh: CTV

Chia sẻ với phóng viên, ông Tẩn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Quản lý điều hành BHXH huyện Mường Tè, Lai Châu cho biết: Bên cạnh việc làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; chúng tôi đưa ra nhiều giải pháp và triển khai đồng bộ, một mặt đơn vị đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng, hội nghị tuyên truyền BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, phân loại đối tượng tiềm năng để tập trung vận động, phát triển người tham gia.

Mặc khác, ngành cũng tích cực rà soát người tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để khai thác, mở rộng người tham gia BHXH, BHYT, BHTN gắn với công văn số 264/BHXH-TCCB Về việc phát động phong trào thi đua trong công tác thu và phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc- Ảnh 5.

Người dân sau khi được tuyên truyền vận động đã hiểu về những chính sách ưu đãi của Đảnh, Chính phủ, Quốc hội, Nhà nước dành cho mình. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, ngành thường xuyên phối hợp với Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện, các xã, thị trấn tập trung rà soát hộ nghèo, người dân tộc thiểu số chưa được cấp thẻ BHYT thuộc các thôn bản đặc biệt khó khăn báo tăng kịp thời. Rà soát, cấp thẻ BHYT cho các đối tượng được hỗ trợ 100% theo Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP trên địa bàn huyện.

Chủ động đôn đốc các tổ chức dịch vụ thu thực hiện chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng, đặc biệt chú trọng nhóm được hưởng ngân sách Nhà nước, ngân sách tỉnh hỗ trợ 60%, 70% theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP; Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND và Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đảm bảo đạt theo kế hoạch giao của BHXH tỉnh Lai Châu…

Đi từng ngõ, gõ từng nhà giúp người dân Mường Tè có điểm tựa an sinh vững chắc- Ảnh 6.

Xác định rõ mục tiêu hướng tới nâng cao tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT viên chức, lao động BHXH huyện Mường Tè tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, tuyên truyền về những chính sách ưu đãi tới người dân. Ảnh: CTV

Nhìn lại chặng đường dài với nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai, tuy vẫn còn đó những nỗi trăn trở, những khó khăn, thách thức cần từng bước tháo gỡ; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự cố gắng, nỗ lực của BHXH tỉnh Lai Châu, viên chức lao động BHXH huyện, bức tranh an sinh ở huyện biên giới Mường Tè có những khởi sắc đáng trân trọng, thành quả đó là điểm tựa an sinh vững chắc của người dân nơi vùng khó Mường Tè.

Tuấn Hùng