dd/mm/yyyy

Đây là cách để BHXH tỉnh Lai Châu triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

BHXH tỉnh Lai Châu đang nỗ lực cùng các ngân hàng, bưu điện triển khai các giải pháp hoàn thành mục tiêu triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Đưa việc sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn.

Video: Cán bộ BHXH tỉnh Lai Châu và các đơn vị tuyên truyên, vận động người hưởng thanh toán chế độ không dùng tiền mặt. 

Nhiều thách thức thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Phóng viên báo Dân Việt may mắn có dịp tham gia các buổi truyền thông của cán bộ ngành BHXH tỉnh Lai Châu, ngân hàng và cán bộ bưu điện tỉnh tại các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp trên địa bàn thành phố Lai Châu nhằm triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí tại các điểm chi trả lương hưu, trợ cấp diễn ra khá vui và ấm cúng, người hưởng chế độ được cán bộ bưu điện, BHXH và ngân hàng phục vụ tận tình, chu đáo… Tuy nhiên khi được tư vấn chuyển từ thanh toán lương từ lĩnh tiền mặt sang sử dụng tài khoản cá nhân thì một bộ phận không nhỏ cán bộ hưu trí đều tỏ ra e ngại.

Đây là cách để BHXH tỉnh Lai Châu triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt- Ảnh 1.

Chị Trần Bình Hưng, Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Lai Châu) cùng cán bộ Lpbank - Ngân hàng bưu điện Liên Việt tư vấn về những lợi ích khi chuyển từ thanh toán tiền mặt sang sử dụng tài khoản cá nhân để nhận chế độ. Ảnh: Tuấn Hùng

Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Thúy ở Bản Mới, xã San Thàng, thành phố Lai Châu, Lai Châu cho biết: Bà là cán bộ ngành y tế Lai Châu, nghỉ hưu từ năm 1993, từ đó đến nay mỗi khi lĩnh lương hưu bà đều tới các điểm chi trả lương để lĩnh tiền mặt. Việc sử dụng tiền mặt với bà Thúy đã thành thói quen. Sở dĩ bà Thúy chưa chuyển từ việc lĩnh tiền mặt sang sử dụng tài khoản cá nhân cũng bởi e ngại việc bị lừa đảo trên môi trường mạng internet; thêm vào đó bà Thúy cũng e ngại bởi bà đã già nên hạn chế tiếp cận với công nghệ thông tin, kể cả việc sử dụng điện thoại bà cũng chỉ dùng để nhận các cuộc gọi từ người thân.

Chung tâm lý như bà Thúy, bà Bùi Thị Diệu ở tổ 7, phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu, Lai Châu chia sẻ: Tôi đã sống một mình nhiều năm; tuổi cao, trí nhớ suy giảm nên nhiều lúc tôi quên mình để tiền ở đâu. Nhiều năm lĩnh tiền mặt và sử dụng tiền mặt tôi đã quen, thêm nữa lương hưu của tôi cũng không cao, chi tiêu đều gọn trong tháng nên chưa bao giờ tôi nghĩ tới việc lập tài khoản ngân hàng để quản lý tiền; Khi được cán bộ BHXH, ngân hàng và bưu điện tỉnh Lai Châu tư vấn tôi hiểu hơn về những tiện ích của việc không dùng tiền mặt, vì thế tôi đã cung cấp thông tin cần thiết để lập tài khoản cá nhân để nhận tiền chế độ trong thời gian tới.

Đây là cách để BHXH tỉnh Lai Châu triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt- Ảnh 2.

Cán bộ BHXH tỉnh Lai Châu khảo sát và tư vấn trực tiếp cho cán bộ hưu trí ở Tổ 7, phường Đoàn Kết, thành Phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu về những lợi ích khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: Tuấn Hùng

Bên cạnh trường hợp của bà Trần Thị Thúy và bà Bùi Thị Diệu, đa số những cán bộ hưu trí khi được tư vấn đều có chung suy nghĩ e ngại việc thay đổi thói quen dùng tiền mặt, một phần do thiếu kiến thức về công nghệ thông tin, một phần e ngại bởi hệ thống cây ATM chưa phổ biến, mỗi khi cần tiền mặt để chi tiêu sẽ phải di chuyển xa và e ngại khi rút tiền sẽ vướng những thủ tục phức tạp, mất thời gian; ngoài thành phố Lai Châu tập trung nhiều các máy ATM của nhiều ngân hàng thương mại thì ở các vùng đô thị còn lại hầu như chỉ bố trí 1 máy ATM của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, đây cũng là lý do người hưởng chưa ưu tiên chọn phương thức chi trả chế độ qua tài khoản cá nhân.

Được biết, Lai Châu là một tỉnh miền núi có diện tích rộng, dân cư phân bố không đồng đều, hạ tầng giao thông và thông tin còn nhiều khó khăn; Tỷ lệ đô thị hóa còn thấp nên có sự cách biệt khá lớn giữa vùng đô thị và vùng khác. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào đặc biệt khó khăn việc tham gia thanh toán tiền chế độ qua tài khoản còn rất hạn chế; Bên cạnh đó, một bộ phận người hưởng là người cao tuổi coi việc lĩnh tiền mặt như buổi sinh hoạt cộng đồng; một bộ phận là người dân tộc thiểu số đang thiếu các điều kiện về giấy tờ để mở tài khoản theo quy định hiện hành của ngân hàng hoặc đang vướng mắc liên quan tới CCCD và hồ sơ hưởng chế độ BHXH không khớp nhau…

Đây là cách để BHXH tỉnh Lai Châu triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt- Ảnh 3.

Cán bộ Ngân hành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh tỉnh Lai Châu tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trực tiếp tới người hưởng chọn hình thức chi trả qua tài khoản cá nhân, trong đó ưu tiên hướng đến mục đích thuận tiện và an toàn. Ảnh: Tuấn Hùng

Tạo chuyển biến tích cực triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt

Trước những khó khăn, thách thức khi triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ngành BHXH tỉnh Lai Châu đã tích cực đưa ra các giải pháp để hoàn thành và hoàn thành đạt cao mục tiêu đặt ra. Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Bình Hưng, Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Lai Châu) cho biết: Để giải bài toán “thói quen cũ, ngại va chạm” cũng như những e ngại trong một bộ phận cán bộ hưu trí và người hưởng chế độ, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, cơ quan bưu điện và các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người hưởng; nội dung tuyên truyền thiết thực đến các vấn đề người hưởng quan tâm như chủ trương của Chính phủ, của BHXH Việt Nam, của UBND tỉnh Lai Châu về đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt theo Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Tuyên truyền hiệu quả, lợi ích của việc thanh toán không dùng tiền mặt; quy trình, thủ tục thực hiện… qua đó từng bước tạo sự đồng thuận trong nhân dân và người hưởng BHXH.

Đây là cách để BHXH tỉnh Lai Châu triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt- Ảnh 4.

Đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động và hướng dẫn trực tiếp là cách làm đã và đang được BHXH tỉnh Lai Châu, các chi nhánh ngân hàng và bưu điện tỉnh Lai Châu triển khai nhằm sớm đưa Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào cuộc sống. Ảnh: Tuấn Hùng

Nhìn từ thực tế, việc triển khai thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua nhận được sự chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh Lai Châu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tạo sự chuyển biến tích cực, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt đối với các tổ chức, cá nhân đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Nhờ phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ các cấp chính quyền trong tỉnh, các ban, ngành đoàn thể và BHXH tỉnh Lai Châu, nhìn chung, tỷ lệ số người, số tiền chi lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tăng dần qua các năm. Đây cũng là những kết quả tích cực tạo động lực góp phần giúp BHXH tỉnh Lai Châu và các ngành liên quan sớm “cán đích” thực hiện triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; Sớm đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn.

Tuấn Hùng