dd/mm/yyyy

Sơn La: Đa dạng các mô hình kinh tế giúp hội viên nông dân làm giàu

Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai đồng bộ các giải pháp khuyến khích hội viên, nông dân phát triển đã dạng các mô hình kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên nông dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Clip: Đa dạng các mô hình kinh tế giúp hội viên nông dân làm giàu

Nông dân đa dạng các mô hình kinh tế

Đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn là hướng đột phá nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã huy động tổng hợp các nguồn lực, động viên, khuyến khích hội viên nông dân tập trung phát đã dạng các mô hình triển kinh tế, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên nông dân ổn định cuộc sống vươn lên làm giàu.

Với gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La), sau khi được các cấp Hội Nông dân vận động tuyên truyền, cùng với những hỗ trợ từ vốn vay quỹ hỗ trợ nông dân, gia đình anh đã mạnh chuyển đổi hướng phát triển canh tác sang chăn nuôi bò sinh sản, bò thương phẩm để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Việt chia sẻ: Vốn là nông dân, sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, với vài trăm m2 đất ruộng, đất ngô và chỉ chăn nuôi vài con lợn, con gà, có cố làm đến mấy cũng chỉ đủ ăn qua ngày. Quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất nghèo, anh Việt đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng cây nông nghiệp ngắn ngày sang trồng cỏ, phát triển nuôi bò sinh sản. Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh là một trong những mô hình có quy mô lớn ở vùng đất này, mỗi lứa nuôi duy trì từ 35-40 con bò mẹ sinh sản.

Cũng theo anh Việt, Chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều năm, anh nhận thấy không mang lại hiệu quả cao. Sau nhiều đêm trăn trở tìm cách đột phá trong chăn nuôi, năm 2018, cùng với sự hỗ trợ của Hội Nông dân về vốn vay, gia đình anh đã đầu mở rộng chuồng trại với 3 khu chăn nuôi riêng biệt cho đàn bò mẹ sinh sản, bê con và bò đực vỗ béo.

Ngoài đầu tư khu chuồng nuôi, gia đình anh Việt còn đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hầm biogas nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo vệ sinh thú y trong chăn nuôi. Toàn bộ chất thải trong chăn nuôi bò sẽ được gia đình anh tận dùng làm phân bón cho đồng cỏ. Với kỹ thuật nuôi bò khoa học, đàn bò của gia đình anh lớn nhanh, cho năng suất cao và bán được giá. Mỗi năm, gia đình anh Việt xuất bán từ 30-35 con bò giống và 10-12 bò vỗ béo. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 400 triệu đồng.

Đa dạng các mô hình kinh tế giúp hội viên nông dân làm giàu- Ảnh 1.

Mô hình chăn nuôi bò của gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Còn đối với gia đình ông Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La), là người đam mê với nông nghiệp, không chịu khuất phục trước những khó khăn, quyết làm giàu trên chính mảnh đất mình gắn bó. Năm 2012, sau nhiều lần đi thăm quan các mô hình trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao của các tỉnh như: Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, ông Phúc quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất đồi trồng cây lương thực kém hiệu quả của gia đình sang trồng cây ăn quả. Hiện nay, gia đình ông có 10 ha cây ăn quả các loại, trong đó tập trung phát triển cam canh, cây nhãn với diện tích trên 5 ha, còn lại là các loại cây ăn quả khác như: bưởi da xanh, mít Thái.

"Với diện tích 10 ha đất đồi, trồng đủ các loại cây ăn quả, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón, nhờ vậy toàn bộ sản phẩm trái cây của gia đình tôi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trừ tất cả chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình tôi thu lời gần 2 tỷ đồng", ông Phúc nói.

Đa dạng các mô hình kinh tế giúp hội viên nông dân làm giàu- Ảnh 2.

Mô hình phát triển cây ăn quả của gia đình ông Lê Danh Phúc, bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã (Sơn La). Ảnh: Văn Ngọc

Hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả

Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La thông tin: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh giỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Sơn La số hộ đăng ký danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp là 42.569; vận động các hộ sản xuất kinh doanh giỏi hỗ trợ các hộ khó khăn về sản xuất kinh doanh được 471 hộ.

Đa dạng các mô hình kinh tế giúp hội viên nông dân làm giàu- Ảnh 3.

Mô hình chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, tính đến nay, Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại trên 84.000 ha, sản lượng khoảng 455.000 tấn/năm. Là vùng nông sản, Sơn La nằm trong số những tỉnh đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng, có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung; toàn tỉnh có 73 cơ sở sản xuất cây ăn quả được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP.

Ngoài việc tập trung phát triển cây ăn quả, tỉnh Sơn La cũng chú trọng thâm canh, tăng năng suất và chất lượng các loại cây công nghiệp phục vụ cho công nghiệp chế biến như: Cà phê Arabica trên 20.700 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 35.000 tấn; cây chè trên 6.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt 58.000 tấn; cây cao su trên 5.000 ha, sản lượng 4.500 tấn; mía đường trên 10.000 ha, sản lượng 6.000 tấn.

Đa dạng các mô hình kinh tế giúp hội viên nông dân làm giàu- Ảnh 4.

Mô hình nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tổng đàn đại gia súc hiện có 342.283 con; Trong đó: tổng đàn trâu 83.185 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 3.368 tấn; đàn bò có số lượng 255.154 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 5.005 tấn; đàn ngựa có 4.944 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 78,4 tấn… Phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình tổng sản lượng thủy sản ước đạt 7.182 tấn, diện tích nuôi trồng thủy sản 2.981 ha với tổng số 6.772 lồng nuôi.

Thời gian tới, các cấp hội nông dân sẽ tiếp tục đẩy mạnh học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với việc phối hợp tổ chức các hoạt động giới thiệu, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP của địa phương, góp phần tham gia chương trình xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.

Văn Ngọc