dd/mm/yyyy

Cuộc sống mới của đồng bào biên giới Lai Châu

Hơn 1 thập kỷ nhường đất xây dựng Thuỷ điện Lai Châu, cuộc sống mới của bà con vùng TĐC huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) có nhiều đổi thay, ổn định, ấm no hơn.

Cuộc sống mới ấm no

Biết chúng tôi tìm hiểu về cuộc sống mới của người dân tái định cư sau khi nhường đất xây dựng Thuỷ điện quốc gia Lai Châu, ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) không ngần ngại giới thiệu chúng tôi tới thăm vùng tái định cư xã Mường Mô.

Cuộc sống mới của đồng bào biên giới Lai Châu - Ảnh 1.

Cơ sở vật chất, hạ tầng đã tương đối đầy đủ và khang trang nhờ vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, người dân tái định cư Mường Mô không vì thế mà ỷ lại, bà con luôn nỗ lực tìm ra những hướng đi mới để phát triển kinh tế, nhờ có cuộc sống mới ấm no hơn. Ảnh Tuấn Hùng.

Cách trung tâm hành chính huyện Nậm Nhùn gần 30km, Mường Mô là địa bàn cư trú của 751 hộ, 2.939 nhân khẩu, 95% bà con là dân tộc Thái và Khơ Mú.

Người dân 8/8 bản đều thuộc diện tái định cư, trong đó, 7/8 bản là người dân tái định cư di chuyển theo chương trình xây dựng Thủy điện Lai Châu, 1/8 bản người dân di chuyển ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở do lũ quét.

Chia sẻ với phóng viên báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Khoàng Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mô (Nậm Nhùn, Lai Châu) cho biết: Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Lai Châu, huyện Nậm Nhùn và sự chung tay giúp đỡ của hàng xóm láng giềng. Hầu hết bà con trên địa bàn xã đã hoàn thành di chuyển đến nơi ở mới trong năm 2014.

"Trong hàng trăm câu chuyện vui có, buồn có khi thực hiện di chuyển, nhường đất xây dựng dòng điện sáng của tổ quốc, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân mọi khó khăn, thách thức đầu dần được giải quyết. Thấm thoắt đã hơn 1 thập kỷ, cuộc sống của bà con vùng tái định cư giờ đây ổn định, no ấm và tươi sáng hơn trước rất nhiều", ông Thuận nói.

Quả đúng như lời ông Hà Văn Sơn và ông Khoàng Văn Thuận, dọc các tuyến đường quanh xã Mường Mô là các khu sản xuất cây ăn quả, nương ngô, nương sắn…, hầu như không còn chỗ cho khu vực hoang hóa, cỏ dại. Các công trình hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm được xây dựng khang trang, hiện đại.

Ghé thăm 2 bản Mường Mô và Mường Mô 1 chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hộ dân sống tập trung trên vùng đất bằng phẳng, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi thoai thoải.

Cuộc sống mới của đồng bào biên giới Lai Châu - Ảnh 2.

Cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm y tế được đầu tư xây dựng giúp người dân vùng tái định cư ở xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn có cuộc sống mới ấm no. Ảnh Tuấn Hùng

Các ngôi nhà đều xây dựng chắc chắn, đảm bảo tiêu chí 3 cứng. Đường đi lối lại được bê tông hóa rộng rãi, sạch, đẹp. Hàng quán cách khu dân cư không xa, rất thuận lợi cho việc giao lưu, buôn bán.

Trong mỗi gia đình đã mua sắm được các đồ dùng thiết yếu phục vụ cuộc sống; nông sản sau khi thu hoạch được bảo quản cẩn thận, cuộc sống no ấm đang hiện hữu nơi đây.

Chị Mào Thị Nhim, bản Mường Mô, chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo, sinh sống ở khu vực lòng hồ thủy điện. Năm 2014, di chuyển lên nơi ở mới, gia đình tôi được bố trí đất ở, đất canh tác.

Bây giờ, gia đình tôi đã thoát nghèo, có nhà mới chắc chắn, cuộc sống ổn định với thu nhập từ nông nghiệp. Ngoài ra, gia đình tôi còn nuôi 10 lồng cá dưới lòng hồ. Mỗi năm xuất ra thị trường khoảng 5 tấn cá các loại, mang về thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng".

Chính quyền giúp dân xây dựng cuộc sống mới ấm no

Chia tay vùng đất no ấm Mường Mô, chúng tôi quay trở lại trung tâm hành chính của huyện biên giới Nậm Nhùn để tìm hiểu về cách mà các cấp chính quyền huyện biên giới thực hiện giúp người dân ổn định và nâng cao đời sống những năm qua.

Giót chén nước mời phóng viên, ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Thực hiện chủ trương di dân của Nhà nước, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo di dân tái định cư và sắp xếp ổn định dân cư. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng được bố trí sắp xếp dân cư, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ.

Cuộc sống mới của đồng bào biên giới Lai Châu - Ảnh 3.

Xây dựng cuộc sống mới ấm no, người dân vùng tái định cư xã Mường Mô mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ thương mại qua đó thu nhập của bà con được nâng cao. Ảnh Tuấn Hùng

Đối với các điểm dân cư vùng có nguy cơ thiên tai, lũ ống, lũ quét và vùng biên giới, hàng năm, huyện tiến hành rà soát, đánh giá kiểm tra để xây dựng phương án di dời. Triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng: mặt bằng, đường, trường, trạm..., tại các điểm bố trí, sắp xếp dân cư phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Được biết, từ khi chia tách, thành lập huyện đến nay có 1.572 hộ, 6.956 nhân khẩu di chuyển để xây dựng công trình Thủy điện Lai Châu, Sơn La. Huyện thực hiện 13 dự án đầu tư bố trí dân cư tập trung ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai. 

Trong đó, 9 dự án đầu tư bố trí dân cư vùng thiên tai (quy mô 414 hộ, vốn duyệt trên 75 tỷ đồng), 1 dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn (quy mô 175 hộ, vốn duyệt trên 24 tỷ đồng); 3 dự án bố trí dân cư vùng biên giới (quy mô 146 hộ, vốn duyệt trên 115 tỷ đồng) và 108 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở di chuyển đến nơi ở an toàn bằng hình thức xen ghép, tại chỗ.

Cuộc sống mới của đồng bào biên giới Lai Châu - Ảnh 4.

Bên cạnh mô hình phát triển trồng cây ăn quả, việc bà con xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu phát triển thêm nghề nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện cũng sẽ mở thêm một hướng nâng cao thu nhập cho đồng bào tái định cư nơi đây. Ảnh Tuấn Hùng

Đến nay, hầu hết các hộ dân được bố trí đến nơi ở mới có cuộc sống ổn định hơn nơi ở cũ, có đủ các điều kiện về sản xuất, chăn nuôi; nhà ở khang trang; hệ thống cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, nước hợp vệ sinh, thủy lợi, nhà văn hóa… được đầu tư xây dựng đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Các chính sách hỗ trợ sản xuất được quan tâm triển khai, đáp ứng nhu cầu của người dân. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân tại nơi ở mới, từng bước xóa đói, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chia sẻ thêm với chúng tôi ông Hà Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nậm Nhùn hồ hởi cho biết: "Cuộc sống của bà con sau tái định cư giờ đây đã ổn định, đủ đầy và ấm no hơn nhiều…".

Tuấn Hùng