dd/mm/yyyy

Chuyện giã từ cây thuốc phiện trên đỉnh Pha Đin

người Mông ở xã Tỏa Tình (Tuần Giáo, Điện Biên) đã có nhiều mô hình và cách làm hay nhằm thay thế cây thuốc phiện để xoá nghèo, làm giàu chính đáng...

Về vùng đất mạnh dạn giã từ cây thuốc phiện

Pha Đin địa danh mỗi khi nhắc đến ai cũng có chung sự hoài niệm về con đèo hung vĩ, nhưng cũng không ít gian nguy và từng là nỗi kinh hoàng của tệ nạn trồng cây thuốc phiện và sử dụng, buốn bán, vận chuyển chất ma tuý. Pha Đin gắn bó với bà con người Mông như một chứng tích lịch sử. Người Mông định cư ở đất này nhiều đời và đã từng đấu tranh mạnh mẽ để sinh tồn trên đỉnh đèo lộng gió. Pha Đin theo tiếng người dân tộc Thái nghĩa là đất trời. Cách đây mấy thập niên, cây hoa anh túc đã từng phủ kín đèo Pha Đin. Những mùa hoa đẹp và quyến rũ đó cũng đã lôi kéo nhiều chàng trai Mông vào con đường nghiện hút. Biết bao câu chuyện buồn về vùng đất này đã trôi qua. Mỗi khi nhắc lại những mùa hoa đẹp đó, bà con người Mông vẫn còn tê da đầu. Chuyện của quá khứ đau thương đã dần trôi qua, người Mông vẫn vươn lên mạnh mẽ để xây dựng quê hương.

Cũng vào cữ này của mươi năm về trước, gió đông se lạnh, bầu trời trên đỉnh đèo Pha Đin như xanh và trong hơn, chúng tôi gặp 1 người phụ nữ dân tộc Mông tên là Vàng Thị Dùa ở bản Lồng, xã Tỏa Tình bán táo mèo bên đường. Người phụ nữ Mông lam lũ, nhưng luôn tươi cười mời khách mua táo và dưa mèo. Chị nói tiếng phổ thông rất thành thạo. Ngay cả việc tính tiền, trọng lượng các mặt hàng, chị giải quyết cũng rất nhanh. Đây là một sự lạ ở bản Mông khi đó, bởi lẽ phụ nữ người Mông ở Tỏa Tình ở độ tuổi chị Dùa ít đi học và nhiều người còn không nói được tiếng phổ thông. Vậy mà chị Dùa còn dám vượt cả chục km đường rừng, mang hàng nông sản đi bán.

Đổi thay trên đỉnh Pha Đin - Ảnh 1.

Bà con người Mông ở xã Tỏa Tình mang đặc sản địa phương ra bán tại đỉnh đèo Pha Đin.

Bẵng đi cả chục năm, tôi có dịp trở lại đèo Pha Đin, chị Dùa đã đã trở thành triệu phú của bản Mông. Đến thăm nhà chị mới cảm nhận hết được sự đổi thay trong nếp nghĩ và cách làm của người phụ nữ Mông vô cùng tiến bộ này. Trước thời gian đi bán hàng ở đỉnh đèo, chị Dùa còn chưa biết viết, biết đọc. Chị là người hay lam, hay làm, thóc trong nhà luôn đầy bồ. Dưa mèo lăn đầy nương. Đám mận sau vườn luôn sai trĩu quả. Nhìn nông sản mình làm ra để hỏng mà nhà lại không ăn hết, chị tiếc đứt ruột. Thế rồi, chị bàn với chồng là dạy chị nói tiếng phổ thông và viết chữ. Sự kiên trì của chị Dùa đã viết lên kì tích. Chỉ sau vài tháng, chị đã có thể giao tiếp bằng tiếng phổ thông và biết cộng trừ từng con số.

Đổi thay trên đỉnh Pha Đin - Ảnh 2.

Phụ nữ người Mông ở Tỏa Tình đã biết quảng bá, nâng tầm nông sản của địa phương.

Tự tin với khả năng của mình, chị Dùa đã mạnh dạn gùi nông sản đi bán.Và đó là câu chuyện đã làm thay đổi số phận của người phụ nữ Mông này. Nông sản tiêu thụ được, chị đầu tư nuôi thêm lợn, trồng thêm cây táo mèo, cây mận và cả vườn sa nhân rộng mấy ha. "Do nhà quá nghèo, đất đai sản xuất thì rộng, tôi nhìn thấy đất bỏ hoang là tôi tiếc. Tôi chỉ nghĩ, mình cứ làm ra sản phẩm tốt, rồi khắc sẽ bán được", chị Dùa nhớ lại. Và hành trình đó của chị kéo dài suốt 2 thập niên qua. Giờ cây ăn quả trong khu vườn rộng của chị đã phủ xanh bởi cây ăn quả và cây sa nhân. Từ hộ nghèo trong bản, giờ mỗi năm chị thu được cả trăm triệu đồng.

Câu chuyện làm ăn kinh tế của chị Dùa như thổi luồng gió mới vào bản Mông. Bởi lẽ, sau bao năm bản chìm trong làn khói u mê của thuốc phiện đã đẩy nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Sống trong những ngày gian nan đó, phụ nữ người Mông gặp nhiều khó khăn và rào cản của hủ tục. Việc chị Dùa chủ động phát triển kinh tế của gia đình là động lực để nhiều phụ người Mông khác noi theo. Mỗi một hộ gia đình thoát nghèo là phụ nữ, trẻ em nơi đây có điều kiện được đi học đến nơi đến chốn.

Đổi thay trên đỉnh Pha Đin - Ảnh 3.

Hành trình xóa bỏ cây thuốc phiện của bà con người Mông ở Tỏa Tình gặp nhiều khó khăn. Trải qua mấy chục năm nỗ lực, 7 bản Mông của xã đã sạch bóng hoa anh túc.

Ở trên đỉnh đèo Pha Đin cũng có một người đàn ông Mông tên là Mùa Dũng Dua được coi là tỷ phú của bản. Bởi lẽ suốt mấy chục năm qua, ông Dua kiên trì tìm ra nhiều cách làm sáng tạo để phát triển kinh tế. Ông nuôi trâu, nuôi bò, nuôi gà bản địa và trồng rừng. Một việc mà người Mông khi  đó cho là "chở củi về rừng". Ông Dua sinh ra trong một gia đình đông anh em. Năm nay ông đã ngoài năm mươi tuổi, nhưng nom ông còn khỏe lắm. Ngày ngày ông đi khắp trang trại để kiểm tra và xử lý công việc. Ông Dua từng có mấy chục con trâu, bò và cả nghìn con gà bản địa. "Mỗi năm mình làm thêm một ít. Nó cũng giống như cái bồ thóc, mình chịu khó làm thì nó đầy lên thôi", ông Dua chia sẻ.

Đến giờ, ông Dua đã gây dựng được cơ nghiệp vững chãi. Khu trang trại của ông "sờ" chỗ nào cũng ra tiền. Điều khiến ông thành công nhất là ông đã không mắc nghiện thuốc phiện mà còn vận động nhiều người khác trong bản từ bỏ thuốc phiện và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giờ đây diện tích rừng 20ha của ông, cây cối đã khép tán. Rất nhiều người đã trả nhiều tỷ đồng để sở hữu khu rừng tươi tốt đó, nhưng ông không bán. Ông Dua tâm niệm, người Mông đã dũng cảm đoạn tuyệt với những mùa hoa anh túc, giờ việc xóa đói, giảm nghèo sẽ sớm muộn thực hiện được.

Bản Mông giã từ cây thuốc phiện, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Tỏa Tình có 7 bản, đa phần là người dân tộc Mông. Ngày trước, mỗi khi có việc đến bản là phải đi bộ theo các lối mòn. Nhưng nay, đường bê tông đã nối liền tất cả các bản. Bà con đi lại thuận tiện, con gà, cân thóc, củ khoai nhờ đó cũng bán được giá hơn. Trên những nếp nhà của bà con đã dần có sự đổi "màu", từ việc lợp rơm, lợp rạ, bà con đã mua được tôn, gói để lợp nhà.

Đổi thay trên đỉnh Pha Đin - Ảnh 4.

HTX Nông sản sạch Tây Bắc được thành lập ở xã Tỏa Tình. Cùng với một số nông sản khác, thì dưa mèo là sản phẩm chủ lực được HTX lựa chọn. Năm 2021, dưa mèo của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Theo chị Hạng Thị Manh, Phó Giám đốc HTX thì hiện đơn vị này đang sở hữu vùng trồng dưa mèo rộng hơn 6ha và 3ha liên kết với người dân. Gia đình ông Vàng Chứ Dơ là một trong những thành viên của HTX. Ông Dơ không chỉ được hỗ trợ về đầu ra, mà còn được tiếp cận phương pháp trồng, chăm sóc hữu cơ để tạo ra sản phẩm có chất lượng hơn.

Vui hơn cả là đời sống kinh tế được nâng lên, bà con người Mông cũng quan tâm đến sự học hành của con cái. Mỗi khi đến ngày mùa, thay vì bàn việc thu mua cây thuốc phiện ra sao, các gia đình người Mông nói chuyện trồng cây mận hậu, cây lê, cây cà phê và tổ chức chăn nuôi. Nói như ông Dua: "Hủ tục đã tồn tại nhiều năm sẽ tự mất đi, khi bà con cùng đồng lòng xóa bỏ nó. Cây thuốc phiện cũng vậy, nó không còn đất sống ở nơi này. Bản Mông đang đổi mới từ nếp nghĩ tới cách làm".

Đi qua các bản Mông như bản Lồng, Hua Sa A, Hua Sa B… đâu đâu cũng có bóng cây ăn quả. Đặc biệt là cây sơn tra (táo mèo) và cây sa nhân là một trong số cây trồng chủ lực giúp người dân Tỏa Tình xóa đói, giảm nghèo. Không dừng lại ở đó, người Mông Tỏa Tình còn tự ươm trồng và sử dụng giống cà phê chè Catimor. Chẳng phụ công người chăm bón, cây cà phê phát triển xanh tốt, quả sai trĩu cành dù chủ yếu trồng theo kinh nghiệm, không tạo bậc thang, không trồng theo đường đồng mức.

Đổi thay trên đỉnh Pha Đin - Ảnh 5.

Chị Mùa Thị Hoa, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản sạch Tây Bắc cho biết: Năm vừa rồi vì COVID nên hầu như bà con không tiêu thụ được. Với mong muốn làm thế nào để giúp dân tiêu thụ được sản phẩm Sơn Tra, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã. Về kế hoạch phát triển, chúng tôi mong muốn đưa những sản phẩm đến với người tiêu dùng một cách an toàn và hiệu quả nhất.

Năm 2021, phụ nữ ở xã Tỏa Tình đã mạnh dạn liên kết cùng nhau thành lập HTX Nông sản sạch Tây Bắc. HTX sẽ chế biến các sản phẩm từ Sơn Tra đã mở ra hướng mới giúp bà con có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững hơn. Đặc biệt, khi ứng dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến thì các sản phẩm từ quả Sơn Tra đều có giá trị cao hơn, nhất là hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến bền vững. 

 Từ vài ba héc ta ban đầu, bà con đã nhân rộng diện tích 370,6ha tập trung ở 4 bản: Chế Á, Hua Xa A, Hua Xa B và Háng Tàu. Nhờ đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã cũng giảm đáng kể. 

Xuân Tuấn