dd/mm/yyyy

A Cao - người vác đá ngược núi

Mấy chục năm qua, ông Tráng A Cao, Bí thư chi bộ bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (Vân Hồ, Sơn La) là ngọn cờ đầu về xóa bỏ cây thuốc phiện, chuyển đổi cây trồng...

Hành trình trăn trở của Tráng A Cao

Cách đây hơn chục năm, tôi đã có dịp gặp ông Tráng A Cao. Khi đó A Cao là Trưởng bản Hua Tạt, xã Vân Hồ. Khi đó bản Hua Tạt của A Cao còn nghèo lắm. Mấy chục nóc nhà thiếu ăn thường xuyên. Riêng ông trưởng bản lại xây được nhà, tậu được cả xe tải. Có được cơ ngơi đó là cả một hành trình dài cố gắng của A Cao. Ông Cao hiện giờ còn là Giám đốc HTX nông nghiệp A Cao, với 20 thành viên. HTX luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng tại địa phương. 

A Cao cái tên vốn quá quen thuộc với bà con người Mông ở cao nguyên Mộc Châu. Nhà ông ở mặt đường 6. Quanh nhà được bao phủ bởi vườn cây ăn quả. Năm nay ông Cao đã sắp bước sang tuổi 50, nhưng nom A Cao còn khỏe và vững chãi như cây lim, cấy nghiến ở trên rừng. Giọng nói sang sảng như chuông đồng buổi sớm. Vừa gặp vị khách lạ mà A Cao tay bắt mặt mừng: "Nhà báo lên nói hộ tiếng lòng của dân Mông là quý hóa lắm". Tính A Cao dễ gần và sởi lởi. Có chuyện gì ở bản, những gì còn tồn tại của bản là ông nói tuồn tuột. Cái tính của người vùng cao là vậy, không giấu diếm. Chẳng thế mà suốt những năm qua, ông Cao luôn là ngọn cờ đầu trong việc phát triển kinh tế tại địa phương. Những câu chuyện về ông trong suốt mấy chục năm qua là minh chứng rõ nhất về con người vùng cao dám nghĩ, dám làm. 

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 1.

Vườn cam sai trĩu quả của gia đình ông Tráng A Cao.

A Cao từng nghe lời cán bộ khuyến nông đã mạnh dạn chuyển toàn bộ mấy ha nương lúa của gia đình sang trồng ngô lai. Cách đây hơn chục năm, ngô luôn được giá và được mùa. Không chỉ trồng ngô, A Cao còn mạnh dạn làm xưởng sấy ngô. Ngày ngày ông đi khắp nơi để thu mua ngô cho bà con. Nhờ có cái lò sấy này của ông mà nhiều bà con người Mông nơi đây không bị ép giá khi thu hoạch. Cũng từ cái xưởng sấy ngô này mà A Cao đã dần thay đổi tư duy về cách làm ăn kinh tế nơi miền sơn cước.

Khi cây ngô đã dần mất vị thế, giá ngô bán không đủ bù tiền công cho bà con. A Cao quyết định chuyển sang trồng rau cải, su su, đậu đỗ… Đất cao nguyên trồng cây gì cũng tốt, cũng sai quả, nhưng cái khó là đầu ra cho sản phẩm. Nhà A Cao có những lúc chất đầy su su và đậu đỗ. Giá bán vài chục cân su su không đổi được bát phở. Người dân nơi đây cũng ngao ngán, bao công của đổ ra mà thứ thu lại là đống sản phẩm nông sản rẻ như bèo.

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 2.

Ông Tráng A Cao (người bên trái) là người dám nghĩ, dám làm và làm cho kì được. Suốt mấy chục năm qua, ông Cao luôn là ngọn cở đầu trong việc phát triển kinh tế ở bản Hua Tạt.

Nghĩ công mình bị đổ xuống sông, xuống biển, A Cao đã gặp gỡ cán bộ Hội Nông dân học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn mua cả đàn lợn rừng về nuôi. Thức ăn của chúng là những phụ phẩm nông nghiệp. Không ngờ cách làm này của A Cao lại mang lại hiệu quả. Đàn lợn lớn nhanh, nông sản dư thừa được chuyển hóa thành thịt lợn. Giá 1kg lợn rừng A Cao bán được 250.000 đồng tương đương với 2 tạ su su. Có những năm A Cao xuất chuồng cả vài chục con lợn rừng. "Cứ mỗi lần thay đổi cách làm kinh tế là mình nghiệm ra nhiều thứ. Tiềm năng đất đai ở Vân Hồ còn nhiều. Tôi nghĩ, mình cứ kiên trì là sẽ nhận được phần thưởng xứng đáng", ông Cao cho biết.

Tráng A Cao quyết tâm đánh thức tiềm năng của đất

Đàn lợn rừng trở thành cái máy in tiền để cho A Cao ấp ủ những dự định lớn. Mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng chanh leo không ngừng gia tăng. Ông Cao cũng đã mạnh dạn liên kết với đối tác chuyên thu mua chanh leo ở Mộc Châu để trồng chanh leo. Có bao nhiêu vốn liếng ông đổ dồn cả vào trồng 5ha chanh leo.

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 3.

Khi nhà nước vận động bà con người Mông ở Vân Hồ xóa bỏ cây thuốc phiện. Gia đình ông Tráng A Cao là hộ đầu tiên hưởng ứng. Suốt những năm qua, ông Cao đã nỗ lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện ông Cao đã trồng được trên 2000 cây quýt đường, mỗi năm cho thu cả trăm triệu đồng.

Cứ mỗi lần đưa cây trồng mới vào đất Hua Tạt là một lần A Cao phải chống lại những lời chỉ chích không đáng có của nhiều người dân bảo thủ nơi đây. Họ cho rằng, A Cao đang làm những việc chẳng khác gì vác đá ngược núi. A Cao không coi đó là trở ngại bởi ông biết cái tư tưởng bảo thủ đã bao năm ăn vào não của nhiều người dân nơi đây là không dám thay đổi và vứt bỏ những thứ không còn phù hợp. A Cao vẫn ngày ngày đổ cột bê tông, dựng giàn cho cây chanh leo.

Những cố gắng nỗ lực của A Cao rồi cũng được đền đáp. Sau gần 1 năm trồng, cây chanh leo đã cho thu hoạch. Mỗi ha chanh cho thu cả trăm triệu đồng. Vui hơn cả là nhà có bao nhiêu chanh leo phía đối tác đều mua hết. Giá mỗi kg chanh leo trung bình được 26.000đ. "Cái giá này là mức mang lại lợi nhuận cao cho người trồng chanh. Tôi tin mình đã lựa chọn đúng", A Cao chia sẻ.

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 4.

Trên một thửa đất, A Cao đã tận dụng tối đa các loại cây trồng.

Cây chanh leo hợp đất và thổ nhưỡng ở Vân Hồ. Mỗi ha, nếu chăm sóc đúng quy trình có thể cho thu 30 -50 tấn chanh. Trừ chi phí, người trồng vẫn lãi đôi trăm triệu đồng là bình thường. Hơn nữa cây chanh leo trồng 1 lần mà cho thu tới 3 năm, người trồng không mất công đầu tư nhiều. Cách làm của A Cao đã mang lại hiệu quả, người dân sống ở bản Hua Tạt cũng đã nhìn nhận ra cách làm của A Cao là đúng, chứ không phải mang của đổ lên núi như mọi người tưởng.

So với cây mận, cây đào, cây chanh leo ăn đứt về hiệu quả kinh tế, ông Cao bảo vậy. Chanh leo trồng trong 6 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch. 1ha có thể thu được 30-50 tấn quả, với giá bán trung bình trên 26.000đ/1kg. Cái hay của cây chanh leo là nó không chín rộ đồng loạt và thời gian thu kéo dài, nên sản lượng không bị dồn ứ.

Sau nhiều năm vật lộn với cây, với đất, năm nay ông Cao gặt hái trái ngọt. Phủ xanh hết đất của nhà bằng cây cam, cây bưởi, cây quýt đường, ông còn thuê 2ha đất ở xã Tân Xuân để trồng quýt ngọt. Cây quýt đã cho thu hoạch được 3 năm. "Quýt ngọt phát triển tốt. Chất lượng ăn rất ngon, vỏ mỏng, mọng nước và ngọt lừ. Cây quýt đang hứa hẹn mang lại mùa bội thu", anh Cao hồ hởi chia sẻ.

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 5.

Bà con người Mông ở Hua Tạt đã biết sản xuất hàng hóa.

Năm nay, A Cao còn mạnh dạn trồng cà chua. Cây cà chua trái vụ vốn là cây khó tính, nhiều sâu bệnh. Vốn hay lam hay làm, A Cao trồng cây gì cũng chăm sóc tốt tươi.Vườn cà chua sai trĩu quả đã vào vụ thu hoạch. Giá bán 15.000đ/1kg, cao gấp 4 lần so với cà chua chính vụ. Năm nay dự thu được gần 20 tấn, gia đình lại có thêm khoản thu nhập kha khá.

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 6.

Hành trính xóa bỏ cây thuốc phiện ở Vân Hồ gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau 30 năm trôi qua, bà con người Mông ở bản Hua Tạt đã dần ổn định cuộc sống.

Đầu năm 2018, ông Cao mạnh dạn thành lập HTX nông nghiệp Tráng A Cao. HTX có 24 thành viên với hơn 30ha chanh leo. Theo ông Cao, việc thành lập HTX sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho bà con người Mông nơi đây. Nơi này có pháp nhân để liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Hơn nữa, khi mọi người cùng liên kết làm ăn, hiệu quả mang lại sẽ cao hơn. "Lập HTX, bản thân tôi và tập thể cũng có thêm những điều kiện thuận lợi để giúp đỡ được nhiều hội viên, nông dân xóa nghèo, làm giàu cũng như tham gia xây dựng tổ chức Hội Nông dân ngày thêm vững mạnh", ông Cao bảo vậy.

Kinh tế đẩy lùi tệ nạn 

A Cao sinh ra và lớn lên tại đất Vân Hồ. Tổ tiên của người Mông nơi đây di dân từ Mù Cang Chải sang. Bao năm sống du canh, du cư, họ mới định cư ổn định ở đất này được khoảng 40 năm. Khi cái đói, cái nghèo còn bao phủ nơi này, bà còn chìm đắm trong những mùa hoa anh túc. Cây thuốc phiện thành cây trồng chủ lực. Bố của ông là cụ Tráng A Páo khi đó cũng nghiện thuốc phiện. Bà con trong bản chẳng ai để ý tới nương, tới rẫy. "Trai ngươi Mông tầm tuổi tôi khi đó, ai mà không nghiện thuốc phiện là rất hiếm. Khi nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện cả vùng Mông trở lên ngột ngạt. Họ quen lấy nhựa thuốc phiện đi bán, đổi lương thực, nay lại phải chuyển đổi cây trồng khác. Bà con phản ứng dữ lắm", A Cao nhớ lại. 

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 7.

A Cao người hoạt động không biết mệt mỏi. Ông luôn chịu thương, chịu khó. Ông không ngừng tìm tòi đưa các loại cây trồng phụ hợp với thổ dưỡng địa phương vào trồng.

Khó khăn là vậy, gia đình ông A Cao đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Nhà nước. Ông phá bỏ nương thuốc phiện, chuyển sang trồng mận, trồng đào. Những năm đầu chuyển đổi, gia đình cũng rơi vào cảnh cùng cực. Cái ăn, cái mặc thiếu thốn trăm bề. Mùa nối mùa trôi qua, cuộc sống của gia đình ông cũng dần ổn định. Từ hộ thiếu đói, gia đình ông đã có đủ ăn. Là người nhanh nhậy và có quyết tâm làm giàu, A Cao không cho cái đầu ngừng nghĩ. Ông đã mạnh dạn trồng nhiều loại cây trồng khác nhau trên nương thuốc phiện khi xưa.

A Cao - người vác đá ngược núi  - Ảnh 8.

Sau những nỗ lực không biết mệt mỏi, những cố gắng của ông Cao đã được ngặt hái được quả ngọt. Dự kiến, vụ quýt đường năm nay, ông Cao thu được 30 tấn, thu được trên 600 triệu đồng.

 Từ cây mận, cây đào, rồi cây chanh leo và giờ cây quýt đường và cây hồng giòn trở thành cây chủ lực. "20 năm qua, tôi cũng nhiều lần thất bại khi trồng lại chặt đi nhiều loại cây. Giờ đây, tôi đã lựa chọn ra được 2 cây trồng chủ lực là cây hồng giòn Mộc Châu và cây quýt đường. Loại này bán được giá cao lại không có đủ hàng để bán. Nó sẽ trở thành cây làm giàu cho bà con ở Hua Tạt", ông A Cao cho biết.

Nhiều hộ dân trong HTX cũng làm theo ông Cao. Hua Tạt đã trở thành điểm trồng cây ăn quả của huyện Vân Hồ. Cái đói, cái nghèo bị đẩy lùi, sự lạc hậu cũng theo đó mà biến mất. Bản Hua Tạt giờ còn mở cửa đón khách du lịch. Sau mỗi năm, đời sống của bà con cũng theo đó mà thay đổi theo hướng tốt lên. Không ai còn nghĩ đến việc tái trồng cây thuốc phiện nữa. 


Xuân Tuấn