Tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến, đưa ra các giải pháp về xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất và tiêu thụ nông sản, vai trò và hiệu quả kết nối tiêu thụ nông sản cũng như định hướng thị trường, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý với nông sản Sơn La.
Clip: Nhiều ý kiến đống góp tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"
Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" với mục tiêu giúp các hội viên, nông dân, hợp tác xã , doanh nghiệp có thêm giải pháp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu. Ảnh: PV Tây Bắc
Chia sẻ tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", bà Hà Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh Sơn La cho biết: Bưu điện tỉnh Sơn La cam kết phối hợp cùng Hội nông dân triển khai các hoạt động kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, quảng bá sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản địa phương đến với khách hàng, góp phần phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ảnh: PV Tây Bắc
Chia sẻ tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", về phát triển cây sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La, ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Thành Long mong muốn các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng tiếp tục đồng hành, tạo những cơ chế thuận lợi nhất để cây Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, thật sự là một trong những mũi nhọn nông sản hàng hóa; tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: PV Tây Bắc
Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, dâu tây là 1 trong những giống cây mới được đưa về trồng tại huyện Mai Sơn từ những năm 2015 – 2016. Những năm mới trồng diện tích còn ít, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn diện trồng dâu tây ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2023 - 2024 diện tích tự phát tăng từ 326ha lên khoảng 900ha so với vụ mùa năm 2022 - 2023. HTX sẽ tích cực quy hoạch vùng trồng; xây dựng thương hiệu; kiểm soát chất lượng đầu ra sản phẩm; xây dựng kho bảo quản thể tích lớn để lưu trữ,... Ảnh: PV Tây Bắc
Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc HTX Xuân Tiến, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, HTX được thành lập từ năm 2017, đến nay HTX có 27 thành viên, với tổng diện tích đất nông nghiệp 40ha trồng xoài, chuối. Ông Xuân kiến nghị UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội Nông dân tỉnh cùng các sở ban ngành của tỉnh, huyện cần quan tâm hơn nữa đến ngành sản xuất nông nghiệp, tập trung rà soát lại và cảnh báo cho người dẫn biết sớm về nhu cầu thị trường, giá cả để người dân biết tránh việc phát triển ồ ạt, khó kiểm soát tạo ra hiện tượng cung quá cầu. Ảnh: PV Tây Bắc
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, HTX Bình Thuận được thành lập từ năm 2013 đến nay đã có 25 thành viên. Để chất lượng sản phẩm chè đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu việc ứng dụng mạnh hơn khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến; gắn với hoàn thiện mối quan hệ phân phối lợi ích để phát triển sản xuất, chế biến chè việc ứng dụng công nghệ cao để có vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững thì các cấp các ngành cùng với các doanh nghiệp, các HTX quyết tâm thực hiện để có được vùng nguyên liệu theo hướng công nghệ cao. Ảnh: PV Tây Bắc
Hiện tỉnh Sơn La có hơn 84.000ha cây ăn quả các loại, gần 5.700ha chè, hơn 19.000ha cà-phê... Năm 2023, sản lượng nông sản các loại trên địa bàn tỉnh Sơn La ước đạt 2,5 triệu tấn. Thời gian qua, để bảo đảm việc tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân duy trì, chăm sóc tốt các diện tích vùng nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nông sản. Ảnh: PV Tây Bắc
PV Tây Bắc