dd/mm/yyyy

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Nông dân phải sống được bằng nghề đã đào tạo

Phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh yêu cầu phải đổi mới công tác đào tạo nghề: Nghề đào tạo phải thiết thực. Một khi đào tạo xong, người nông dân phải sống được bằng nghề...

Công tác đào tạo nghề chưa tương xứng với số tiền bỏ ra

Đặt câu hỏi tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh với nông dân năm 2023, đại diện Hội Nông dân huyện Phù Yên nêu: Công tác đào tạo nghề cho nông dân đã được tỉnh quan tâm, tuy nhiên, một số nội dung trong chương trình đào tạo nghề chưa sát với thực tiễn (như khởi nghiệp…); số người được đào tạo nghề có việc làm tại chỗ còn rất ít. Vậy tỉnh có chủ trương hay giải pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này?

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Nông dân phải sống được bằng nghề được đào tạo  - Ảnh 1.

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh thừa nhận rằng công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa hiệu quả. Ảnh: Phạm Hoài.

Trước khi làm rõ thêm câu hỏi này, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh đã yêu cầu đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời câu hỏi trên. 

Đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Thời gian qua, công tác đào tạo nghề đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Vì vậy, công tác đào tạo nghề đã đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như đại diện Hội Nông dân huyện Phù Yên đã nêu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh cải tiến phương pháp giảng dạy, tăng cường thực hành và áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình đào tạo như sau:

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Nông dân phải sống được bằng nghề được đào tạo  - Ảnh 2.

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La trả lời câu hỏi liên quan đến công tác đào tạo nghề trên địa bàn. Ảnh: Ảnh: Phạm Hoài.

Thứ nhất, hợp tác với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn toàn tỉnh để thực hiện xây dựng các chương trình đào tạo, cũng như tham gia vào quá trình đào tạo giảng dạy về thực hành các kỹ năng cần thiết cho người lao động khi hoàn thành chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ hai, chuyển đổi hình thức đào tạo cũng như là nội dung chương trình đào tạo theo định hướng chú trọng về thực hành, diễn tập kỹ năng là chính. Hiện nay, các chương trình đào tạo đang tập trung vào kỹ năng thực hành với trên 80%; còn lại 20% là lý thuyết. 

Thứ ba, triển khai đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề phù hợp với điều kiện tự nhiên cũng như tập quán của vùng đồng bào dân tộc thiểu số với các hình thức đào tạo: Cao Đẳng, trung cấp, sơ cấp. Tăng cường công tác huy động cũng như thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất cũng như tham gia và các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gắn với việc giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. 

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Nông dân phải sống được bằng nghề được đào tạo  - Ảnh 3.

Đại diện Hội Nông dân huyện Phù Yên đặt câu hỏi với Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La về một số nội dung trong chương trình đào tạo nghề chưa sát với thực tiễn trên địa bàn. Ảnh: Phạm Hoài.

Tập trung nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn để đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy đối với các cơ sở nghề nghiệp để đáp ứng được yêu cầu của người học nghề cũng như là nhu cầu của thị trường lao động. 

Thứ tư, tiếp tục tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm cung ứng lao động cho các doanh nghiệp ngay sau khi học viên hoàn thành chương trình đào tạo. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các trường, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, Ban Quản lý khu công nghiệp để kết nối với các doanh nghiệp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung ứng lao động cho doanh nghiệp tại khu công nghiệp. 

Chỉ đạo tổ chức rà soát nhu cầu học nghề, nhu cầu của người lao động, người sử dụng lao động để xây dựng kế hoạch tuyển sinh đào tạo đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai hoạt động cho vay từ nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm nhằm tạo điều kiện cho người lao động sau khi học nghề có nguồn vốn để tự tổ chức việc làm và tạo thu nhập.

Nông dân phải sống được bằng nghề được đào tạo

Trả lời để làm rõ thêm công tác đào tạo nghề, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Hoàng Quốc Khánh thẳng thắn thừa nhận rằng: Từ trước đến giờ, công tác đào nghề trên địa bàn hiệu quả chưa cao; có lúc vẫn hiệu quả nhưng nói chung chưa tương xứng với số tiền đã bỏ ra. 

Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; UBND các huyện, thành phố phải hết sức lưu ý công tác đào tạo nghề. 

"Nếu chúng ta thật sự chú trọng thì công tác đào tạo nghề sẽ rất tốt và rất hiệu quả. Nhưng nếu không chú trọng thì cuối cùng học nghề xong chẳng làm được cái gì cả. Tôi đề nghị từ hôm nay trở đi phải đổi mới công tác đào tạo nghề. Nghề đào tạo phải thiết thực. Một khi đào tạo xong, người nông dân phải sống được bằng nghề đấy...", ông Khánh nhấn mạnh.

Chủ tịch Hoàng Quốc Khánh cũng đề nghị cán bộ các cấp Hội Nông dân trong tỉnh khi đi cơ sở phải quan tâm và hỏi xem tỷ lệ người nông dân sống được bằng nghề được đào tạo là bao nhiêu? Học viên được học những cái gì trong quá trình đào tạo nghề. 

Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh để làm tốt công tác đào tạo nghề. Đây là mẫu chốt cho chuyển đổi ngành nghề và làm giàu cho người nông dân sau khi được đào tạo nghề.



Phạm Ngọc Anh