dd/mm/yyyy

Nhiều kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"

Nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La có những tâm sự, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản.

Clip: Nhiều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản"

Tạo ra sản phẩm nông sản tốt nhất để thuận tiện việc tiêu thụ

Tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản", do Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) cho biết, dâu tây là 1 trong những giống cây mới được đưa về trồng tại huyện Mai Sơn từ những năm 2015 – 2016. Những năm mới trồng diện tích còn ít, tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn diện trồng dâu tây ngày càng tăng, dự kiến đến năm 2023 - 2024 diện tích tự phát tăng từ 326ha lên khoảng 900ha so với vụ mùa năm 2022 - 2023.

Nhiều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) phát biểu tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản". Ảnh: PV Tây Bắc

"Với sự gia tăng diện tích ồ ạt không kiểm soát như vậy sẽ là mối đe dọa đến các HTX sản xuất tiên phong như chúng tôi. Về chất lượng đầu ra không đảm bảo sẽ làm giảm uy tín, ảnh hưởng đến thương hiệu, làm mất niềm tin với người tiêu dùng cho quả dâu tây Sơn La trên thị trường cả nước", ông Nam nói.

Từ thực tế đó, ông Nam cho biết, HTX sẽ tích cực quy hoạch vùng trồng; xây dựng thương hiệu; kiểm soát chất lượng đầu ra sản phẩm; xây dựng kho bảo quản thể tích lớn để lưu trữ,...

Nhiều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" - Ảnh 3.

HTX dâu tây Xuân Quế, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) sản xuất dâu tây theo hướng an toàn nhằm thuận tiện cho việc tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: PV Tây Bắc

Còn đối với bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cho biết, HTX Bình Thuận được thành lập từ năm 2013 đến nay đã có 25 thành viên và khoảng 35 lao động thời vụ. HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là bao tiêu chè búp tươi cho bà con và sản xuất chế biến chè khô. Năm 2018 HTX đã được UBND huyện Thuận Châu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu".

Để giữ và phát triển thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu; năm 2023 tiếp tục được Ủy ban nhân dân huyện Thuận Châu gia hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể "Chè Phổng Lái - Thuận Châu". Năm 2021, 2022 sản phẩm đều đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia; năm 2023 đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Tuy nhiên, theo bà Bình, HTX Bình Thuận vẫn gặp không ít khó khăn do trình độ quản lý điều hành của hội đồng quản lý chưa qua đào tạo nên còn nhiều khó khăn trong quản lý và điều hành hoạt động. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và quy mô của HTX còn nhỏ; liên doanh, liên kết xúc tiến thương mại với các đối tác còn nhiều khó khăn. Tuy cây chè đã quen thuộc với vùng đất Thuận Châu nhưng vấn đề về công tác chăm sóc cây chè một số bà con vẫn phun thuốc bảo vệ thực vật chưa đủ thời gian cách ly nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Nhiều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản". Ảnh: PV Tây Bắc

Từ thực tế đó, bà Bình kiến nghị, trong thời gian tới các cấp các ngành quan tâm, chỉ đạo sát sao việc thu mua chè búp tươi để tránh tình trạng tranh mua tranh bán làm giảm chất lượng sản phẩm chè, ảnh hưởng uy tín thương hiệu chè Phổng Lái Thuận Châu. Các cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên thanh kiểm tra cơ sở kinh doanh, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, thuốc trừ cỏ kinh doanh, cung ứng các loại không có tên trong danh mục Bộ NNPTNT ban hành.

Để chất lượng sản phẩm chè đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu việc ứng dụng mạnh hơn khoa học, công nghệ vào sản xuất, bảo quản và chế biến; gắn với hoàn thiện mối quan hệ phân phối lợi ích để phát triển sản xuất, chế biến chè  việc ứng dụng công nghệ cao để có vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chuỗi giá trị và phát triển bền vững thì các cấp các ngành cùng với các doanh nghiệp, các HTX quyết tâm thực hiện để có được vùng nguyên liệu theo hướng công nghệ cao.

Nhiều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" - Ảnh 5.

HTX Bình Thuận, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đẩy mạnh liên kết sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều nông dân. Ảnh: PV Tây Bắc

Sơn La đưa ra giải pháp tiêu thụ nông sản

Tỉnh Sơn La hiện đang hỗ trợ duy trì, phát triển hơn 254 chuỗi tiêu thụ nông sản an toàn. Trong đó, có 33 chuỗi rau an toàn, diện tích 269 ha, sản lượng 11.211 tấn/năm; 161 chuỗi quả an toàn; 3 chuỗi cà phê, diện tích 2.060 ha, sản lượng 2.632 tấn/năm; 9 chuỗi chè, diện tích 527 ha, sản lượng 7.515 tấn/năm; 19 chuỗi thủy sản nuôi, khoảng gần 2.900 lồng bè trên lòng hồ thủy điện Sơn La, sản lượng ước đạt 1.543 tấn/năm… Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La Nguyễn Huy Anh, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã chỉ đạo hội nông dân các huyện, thành phố rà soát, thống kê diện tích cây trồng đã cho thu hoạch và dự kiến sản lượng. 

Nhiều kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong tiêu thụ nông sản tại Gala "Nông dân Sơn La với tiêu thụ nông sản" - Ảnh 6.

Những năm trở lại đây Sơn La đã đưa ra nhiều giải pháp giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: PV Tây Bắc

Thông tin đến các hội viên, hợp tác xã chủ động phân loại nông sản theo các nhóm chất lượng; báo giá sớm để gửi cho các đối tác, khách hàng. Ngoài ra, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động liên hệ, kết nối thị trường truyền thống tại các thành phố lớn trên cả nước cùng một số tỉnh phía Nam triển khai hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội liên kết với Hội Nông dân các tỉnh hỗ trợ Sơn La mở các gian hàng trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đã được công nhận VietGAP, sản phẩm an toàn, có mã số vùng trồng.

Đồng thời, kết nối cho các hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản; liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa hơn 155 nghìn tấn nông sản, hoa quả các loại xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó, góp phần giúp hội viên nông dân, hợp tác xã ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, có thu nhập ổn định.

Văn Ngọc