Clip: Từ công tác dân tộc, chính sách dân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Chiềng La
Triển khai các chính sách dân tộc
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, với chủ đề "Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững". Đại hội, có 246 đại biểu đến từ 12 huyện, thành phố. Tại Đại hội các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp các ý kiến tiếp tục làm rõ thêm những thành tựu đạt được trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh những năm qua; phản ánh kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; chia sẻ những cách làm hay, mô hình hiệu quả và nhiệm vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong thời gian tới
Bà Quàng Thị Phượng, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn la gửi đến Đại hội tham luận về thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2019 – 2025. Theo Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La: Xã Chiềng La là xã vừa được UBND tỉnh Sơn La công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới tại Quyết định 2870/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh, xã có diện tích tự nhiên là 2.768 ha; toàn xã có 6 bản với dân số là 3.357 người, gồm có 04 dân tộc cùng chung sống, trong đó: Dân tộc Thái chiếm 92%, dân tộc La Ha chiếm 6%, dân tộc Khơ Mú chiếm 3%, dân tộc Kinh chiếm 1%;
Trong giai đoạn 2019-2023, cấp uỷ, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn xã. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong xã tích cực học tập, tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ được mở rộng, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sản xuất kinh doanh giỏi... Các dân tộc có mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, hỗ trợ nhau tạo thành nền văn hóa phong phú đa dạng bền vững trong cộng đồng các dân tộc, đã tạo sức mạnh tổng hợp trong khối đại đoàn kết các dân tộc góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Sản xuất nông, lâm nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Duy trì các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư gắn với chuyển giao kỹ thuật. Triển khai các mô hình, chương trình dự án theo kế hoạch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với mở rộng và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ; phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông, thủy sản an toàn.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã được quan tâm, đầu tư, đến nay 100% các tuyến đường liên bản, liên xã đã được cứng hóa, thuận tiện cho Nhân dân sản xuất, kinh doanh; 100% các bản có nhà văn hoá xây dựng kiên cố, khang trang; các trường học được xây dựng đảm bảo theo tiêu chí đạt trường chuẩn quốc gia; 100% các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Công tác giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền ưu tiên tăng cường nguồn lực, huy động được sự đóng góp của các cộng đồng dân cư và toàn xã hội. Các chính sách hỗ trợ đối với người nghèo được triển khai đồng bộ, kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, từ đó đã khuyến khích các hộ dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Tính đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 8,4% giảm 16,2% so với năm 2021. Tổng thu nhập bình quân năm 2024 là 42,07 triệu đồng/người/năm.
Thực hiện tốt chế độ chính sách đối với người có công và các chính sách đảm bảo an sinh xã hội. Công tác bảo trợ xã hội được quan tâm triển khai thực hiện, huy động được trách nhiệm của cộng đồng dân cư; chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kịp thời trợ cấp khó khăn thường xuyên, đột xuất cho người yếu thế; cá nhân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các bản và Nhân dân trên địa bàn xã tham gia xây dựng nông thôn mới, đến tháng 12 năm 2023, xã Chiềng La đã được UBND tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới.
Đời sống đồng bào các dân tộc Chiềng La ngày càng nâng cao
Bên cạnh đó, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, xã đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn cụ thể: Hỗ trợ duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với kinh phí là 316,5 triệu đồng; hỗ trợ Mô hình bê cái giống và hỗ trợ làm chuồng trại, cải tạo ao nuôi thuỷ sản cho 38 hộ, trị giá hơn 369 triệu đồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp phát triển sản xuất cho 18 hộ với số tiền hơn 156 triệu đồng; xóa nhà tạm nhà dột nát cho 27 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền là 780 triệu.
Với sự hỗ trợ trên đã góp phần giúp các hộ đồng bào các dân tộc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ về khoa học - kỹ thuật vào thâm canh, tăng vụ, tăng năng xuất, sản lượng các loại cây trồng vật nuôi phục vụ nhu cầu tại chỗ và tăng khối lượng, chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường. Đến nay, các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Chiềng La, để tiếp tục làm tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn tới, xã Chiềng La triển khai các số nhiệm vụ, giải pháp như: Kiên trì thực hiện các quan điểm, đường lối của Đại hội Đảng toàn quốc X, XI, XII, XIII; Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc.
Duy trì và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo sản phẩm đặc biệt, giá trị cao. Chú trọng phát triển liên vùng, nhất là phát triển du lịch sinh thái, gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Ưu tiên nguồn lực nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa theo hướng kiên cố hóa.
Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Giữ vững và phát huy thành quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non, cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; hỗ trợ kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên vùng địa bàn đặc biệt khó khăn.
Nâng cao tỷ lệ khám, chữa bệnh và chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở tuyến cơ sở. Đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, thực hiện tốt hơn nữa chính sách bảo hiểm y tế. Triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tiêm chủng mở rộng, dinh dưỡng và an toàn thực phẩm. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế, có cơ chế đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu là người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Tập trung cao độ thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.