Clip: Đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao
Đời sống của đồng bào các dân tộc ngày càng nâng cao
Theo báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, giai đoạn 2019-2024, tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào các dân tộc phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo và chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực lao động, học tập, sản xuất phát triển kinh tế.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác. Các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được quan tâm thực hiện.
Nhiều hoạt động chăm lo vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng đặc biệt khó khăn.
Tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2019-2024 ước thực hiện là 4,56%; dự kiến năm 2024, GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 56,84 triệu đồng/người/năm (tăng 16,24 triệu đồng/người/năm so với năm 2019). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, duy trì và giảm dần tỷ trọng các ngành kinh tế khác.
Hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Công tác bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được phát huy. Chất lượng giáo dục từng bước nâng lên, quy mô trường, lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng mở rộng.
Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều chuyển biến; 100% người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số sống ở vùng khó khăn, người dân sống ở vùng đặc biệt khó khăn được cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế. Tình hình an ninh, trật tự xã hội vùng dân tộc thiểu số cơ bản ổn định; các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đại diện cho các dân tộc huyện Phù Yên tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024, chị Bàn Thị Huệ, dân tộc Dao Tiền cho biết: Đồng bào dân tộc Dao có khoảng 22.500 người, chiếm 1,69% dân số tỉnh Sơn La, sinh sống chủ yếu ở các huyện Phù Yên, Mộc Châu, Yên Châu, Bắc Yên. Đồng bào Dao không có văn tự riêng, sử dụng chữ Hán đã được Dao hoá gọi là chữ Nàm Dao; ngôn ngữ thuộc nhóm Mông - Dao. Người Dao ở Sơn La có 3 ngành: Dao Tiền, Dao Đỏ và Dao Quần Chẹt.
Đồng bào Dao sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nương và ruộng nước. Dân tộc Dao có nền văn hoá và lịch sử lâu đời, đời sống văn hóa dân gian rất phong phú, đặc biệt là y phục dân tộc cổ truyền. Trang phục của người Dao mang đậm bản sắc và phân biệt rõ nét giữa các ngành Dao. Những năm qua, nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước đời sống, vất chất, tỉnh thần của đồng bào dân tộc Dao ngày càng được nâng cao.
"Tôi là dân tộc Dao ở Phù Yên, đại diện cho bà con dân tộc Dao của huyện Phù Yên. Đến dự Đại hội, tôi mong muốn sau Đại hội, được Đảng, Nhà nước và Chính phủ có chính sách quan tâm đến đồng bào các dân tộc nói chung và dân tộc Dao nói riêng, có những chính sách tốt nhất để bà con để cải thiện đời sống.
Còn đối với cộng đồng người Khơ Mú ở Sơn La có khoảng 16.500 người, chiếm 1,23% dân số tỉnh Sơn La, cư trú chủ yếu ở các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã. Người Khơ Mú có trang phục giống người Thái, chỉ khác cách trang trí những hàng tiền bạc và vỏ ốc ở phía thân áo của phụ nữ.
Đời sống, sản xuất của người Khơ Mú chủ yếu làm nương, với cây trồng chính là lúa, ngô, khoai, sắn; chăn nuôi gia súc, gia cầm. Ngoài ra còn phát triển nghề đan lát; chế tác các loại nhạc cụ: đàn tre, trống, nhị, chiêng, đàn… Những năm qua, đồng bào dân tộc Khơ Mú đã đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học vào canh tác nông nghiệp, phát triển kinh tế, nhờ vay đời sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú trên địa bàn tỉnh Sơn La ngày càng được nâng cao.
Vinh dự được tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024 chị Mòng Thị Mai, dân tộc Khơ Mú, Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng En, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phấn khởi nói. Hôm nay tôi rất vinh dự và tự hào được đi dự Đại hội đại biểu các dân tộc tỉnh Sơn La. Đại diện cho bà con các dân tộc Khơ Mú, rất mong Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ để con em được học hành, hỗ trợ phát triển kinh tế, tham gia đóng góp dựng xây đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Triển khai có hiệu quả chính sách dân tộc
Không chỉ đồng bào dân tộc Khơ Mú, dân tộc Dao tất cả 12 dân tộc anh trên địa bàn tỉnh Sơn La đời sống ngày càng được nâng cao. Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào các DTTS còn thể hiện ở việc thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm, đầy đủ, kịp thời chế độ chính sách; chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều chuyển biến, tỷ lệ tham gia BHYT đạt 96,1%; số bác sĩ/10.000 dân đạt 8,85 bác sĩ.
Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 99%; giai đoạn 2019-2023, tạo việc làm cho hơn 116.820 lao động là người DTTS, chiếm 86%; hỗ trợ xóa 8.657 nhà tạm cho đồng bào DTTS, tổng kinh phí 404 tỷ đồng; có 10/12 huyện, thành phố hoàn thành việc xóa nhà tạm.
Tổng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La khoảng 69.021 tỷ đồng. Trong đó, huy động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trên 3.906 tỷ đồng; vốn tín dụng trên 34.044 tỷ đồng; các nguồn vốn ngân sách Nhà nước lồng ghép từ chương trình, dự án khác 22.000 tỷ đồng. Nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần quan trọng để tỉnh Sơn La thực hiện Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.