Giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn của ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La
Việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn là xu hướng mới và tất yếu trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững. Nông nghiệp tuần hoàn nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực, bứt phá nổi bật; khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế hàng hóa cao. Tuy nhiên, việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đã đặt ra thách thức lớn cho ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La. Do vậy, việc phát triển nông nghiệp xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn là hướng đi để đưa ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Ngày 12/11, Trung tâm Khuyến nông Sơn La tổ chức Tọa đàm nông nghiệp: "Giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn năm 2024". Buổi tọa đàm là dịp để các chuyên gia và người trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá lại những kết quả đạt được cũng như đề xuất các giải pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia giới thiệu một số kết quả nghiên cứu trong chăn nuôi giúp giảm phát thải nhà kính; những mô hình chăn nuôi lợn, gà... an toàn sinh học, tuần hoàn, hữu cơ hiệu quả, mô hình ủ chua thức ăn dự trữ cho gia súc bằng phế phụ phẩm nông nghiệp, mô hình ủ phân vi sinh xử lý vỏ cà phê, mô hình kết hợp trồng lúa và nuôi cá; các biện pháp trồng cây trên đất dốc bền vững; việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi trâu, bò thịt theo hướng phát triển nông nghiệp tuần hoàn; thực trạng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Sơn La đã xây dựng 2.838 công trình biogas qua các chương trình "Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo" và "Chương trình khí sinh học", góp phần giảm ô nhiễm, tiết kiệm chi phí và mang lại môi trường sạch sẽ cho cộng đồng. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà thịt sinh học bằng đệm lót lên men, giúp giảm mùi hôi từ khu vực chăn nuôi, và sau đó, đệm lót được tái sử dụng làm phân bón cho cây trồng, cải tạo đất và bảo vệ môi trường.
Cũng tại buổi tọa đàm, một số mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình được báo cáo tham luận, các báo cáo đã nêu lên được thực trạng và giải pháp để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự có các câu hỏi, những thắc mắc tới tổ chuyên gia tập, trung trao đổi, thảo luận xoay các vấn đề như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ để giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp; công tác quản lý chất thải trong chăn nuôi; chuyển giao các mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả cho các trang trại, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù ngành nông nghiệp của tỉnh Sơn La đạt được những thành công bước đầu, nhưng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số nông dân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của mô hình, còn phụ thuộc vào kinh nghiệm và thói quen cũ, làm hạn chế khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Hơn nữa, việc tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp vẫn chưa hiệu quả, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Để ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La phát triển sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn, theo bà Ngần Thị Minh Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Sơn La, cho biết: "để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường khai thác nguồn lực và nguồn vốn, đẩy mạnh truyền thông và khuyến khích nông dân áp dụng mô hình hữu cơ. Mục tiêu là tạo động lực cho sản xuất, giúp người dân phát huy tối đa lợi thế của địa phương, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Sơn La".
Kết thúc buổi Tọa đàm, các đại biểu tham dự đã nắm bắt thêm được nhiều thông tin thiết thực, bổ ích về các biện pháp sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm giảm phát thải khí nhà kính, được giới thiệu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Có thể áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp của gia đình. Đồng thời, tổ chức sản xuất theo hướng chuỗi liên kết giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp và người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để tạo chuỗi tuần hoàn, khuyến khích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, hữu cơ, quản lý và tái tạo tài nguyên theo một chu trình khép kín, hạn chế tối đa lượng phế thải trong quá trình sản xuất nông nghiệp, để giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, sức khỏe của con người và môi trường.