dd/mm/yyyy

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Sơn La có 610 trường mầm non, phổ thông, GDTX với 379.737 học sinh. Chất lượng giáo dục các cấp học có chuyển biến tích cực, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,84%, tăng so với 2023 là 0,12%.

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao

Sơn La từng bước nâng cao chất lượng giáo dục

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, năm học 2023 - 2024, tỉnh Sơn La có 610 trường mầm non, phổ thông, GDTX với 379.737 học sinh. Trong đó có: 230 trường mầm non, 98 trường tiểu học, 144 trường liên cấp TH-THCS, 81 trường THCS, 03 trường liên cấp THCS-THPT, 01 trường liên cấp TH-THCS-THPT 11 trường PTDTNT THCS&THPT, 30 trường THPT, 12 trung tâm Giáo dục thường xuyên (có 15 trường mầm non, 01 trường tiểu học, 01 trường TH-THCS-THPT ngoài công lập); 12.178 lớp học (Mầm non: 2903 lớp; Tiểu học: 5541 lớp; THCS: 2745 lớp; THPT: 841 lớp; GDTX: 148 lớp).

Tổng số học sinh trong toàn tỉnh có 379.737 học sinh, trong đó bậc mầm non có 87.335 học sinh, bậc tiểu học có 144.390 học sinh, bậc THCS có 106.073 học sinh, bậc THPT có 35.711 học sinh, khối GDTX có 6.228 học viên. Toàn ngành Giáo dục tỉnh Sơn La có 23.516 người, trong đó có 1.674 cán bộ quản lý, 19.846 giáo viên và 1.996 nhân viên (tính cả nhân viên hợp đồng thời vụ).

Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục (02 PGS, 03 Tiến sĩ, 430 Thạc sĩ, 16.920 Đại học, 4.046 Cao đẳng, 1.476 Trung cấp). Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý đạt chuẩn và trên chuẩn ở cấp mầm non đạt 94,83%, cấp tiểu học đạt 89,63%, cấp THCS đạt 89,16%, cấp THPT và giáo dục thường xuyên (GDTX) đạt 100%.

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao - Ảnh 1.

Năm học 2023 - 2024, tỉnh Sơn La có 610 trường mầm non, phổ thông, GDTX với 379.737 học sinh. Ảnh: Văn Ngọc

Cơ sở vật chất, thư viện, thí nghiệm, phòng học bộ môn, nhà làm việc, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ăn, nhà ở bán trú, công trình nhà vệ sinh, nước sạch, trang thiết bị dạy học.... của các cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; cơ bản đáp ứng đủ 1 phòng/lớp học, đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 72,9% phòng học bán kiên cố 24,7% (tăng 0,8% so với năm học trước đạt 72.1%); phòng học tạm 2,4%. Trong đó: Thiết bị tốt thiểu tính bình quân cấp học mầm non đạt 76,2% (tăng 1,2%); cấp tiểu học đạt 80,5% (tăng 2,8%); cấp THCS đạt 62.2% (tăng 5,5%); cấp học THPT - GDTX đạt 55,3% (tăng 2,9%). 

Đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo của tỉnh được quan tâm bổ sung và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và những năm tiếp theo. Công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai chương trình giáo dục mầm non sau sửa đổi; chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai đồng bộ, toàn diện về kế hoạch, công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra - đánh giá; tổ chức bồi dưỡng chu đáo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; đảm bảo về cơ sở vật chất, sách giáo khoa.

Công tác truyền thông, phổ biến về chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện có hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong ngành Giáo dục và xã hội. Chất lượng giáo dục các cấp học có chuyển biến tích cực, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 99,84%, tăng so với 2023 là 0,12% (2023: 99,72%); Điểm trung bình các môn thi đạt 6,40 điểm, tăng so với năm 2023 là 0,29 điểm (2023: 6,11 điểm); Số điểm 10 đạt 168 điểm, tăng so với năm 2023 là 6 điểm.

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao - Ảnh 3.

Hội thi Giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp tỉnh. Ảnh: Văn Ngọc

Tháng 02/2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận thành phố Sơn La là thành viên trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu (là đơn vị thứ 5 trong toàn quốc đạt được danh hiệu này). Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La có tên trên bản đồ giáo dục thế giới cùng với nền giáo dục của các nước phát triển, là niềm tự hào của tỉnh Sơn La nói chung và của ngành Giáo dục Sơn La nói riêng. Duy trì, củng cố nâng cao kết quả phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi (đạt 100%), phổ cập giáo giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học và xóa mù chữ đạt mức độ 2. Với các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai, đến hết năm học 2023 - 2024 (hết ngày 31/5/2024), toàn tỉnh có 399/597 (đạt 66,80%) cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia, chất lượng các trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng được nâng cao.

Các phong trào thi đua, các cuộc vận động thực hiện hiệu quả, kịp thời và được lan toả, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong toàn ngành Giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học và thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2023-2024. Công tác chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo được triển khai thực hiện có hiệu quả, kết quả như sử dụng các phần mềm trong quản lý, quản trị trường học, các phần mềm trong dạy và học. Đổi mới trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024, các trường có cấp THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức thi tuyển, đặc biệt có môn thi tiếng Anh bắt buộc từ năm học 2023-2024. Sở GD&ĐT phối hợp tốt, hiệu quả với các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh xây dựng tin bài, chuyên mục về tình hình giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cụ thể tại các kế hoạch phối hợp.

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao - Ảnh 4.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận thành phố Sơn La là thành viên trong mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu. Ảnh: Văn Ngọc

Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục năm học mới

Năm học 2024 - 2025 là năm học đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đồng thời, là năm học chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 và cũng là năm học đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao - Ảnh 5.

Từ các giải pháp đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học và thực hiện thắng lợi kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: Văn Ngọc

Để thực hiện Chương trình năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh trình Tỉnh ủy, HDND tỉnh về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là của người dân tộc thiểu số, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Sơn La: Chất lượng giáo dục và đào tạo ngày càng được nâng cao - Ảnh 6.

Thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Văn Ngọc

Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. 

Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh, phòng chống ma túy và giáo dục thể chất, y tế trường học. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành Tăng cường công tác truyền thông giáo dục. 

Văn Ngọc