Clip: Hội nghị triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm định chất lượng giáo dục.
Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục
Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã ban hành công văn hướng dẫn nhiệm vụ quản lý chất lượng. Trong đó, hướng dẫn chi tiết nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo từng năm học. Xác định điểm yếu, điểm mạnh, tự đánh giá mức độ đạt được của các tiêu chí, trên cơ sở đó đề ra kế hoạch cải tiến chất lượng, hoàn thiện các tiêu chí còn thiếu, yếu.
Tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 394/597 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia (không tính 12 trung tâm giáo dục thường xuyên), vượt 2,8% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng, chỉ tiêu của HĐND về phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về những khó khăn, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện công tác kiểm định và công nhận trường chuẩn quốc gia. Việc đầu tư nguồn kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ để xây dựng trường đạt chuẩn ở các huyện, thành phố.
Công tác tự đánh giá ở các cơ sở giáo dục, việc xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng sau kiểm định. Các giải pháp, kinh nghiệm nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm định giáo dục trong thời gian tới.
Triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm định chất lượng giáo dục
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đề nghị các phòng, ban chuyên môn của Sở, các huyện, thành phố tiếp tục xây dựng kế hoạch tập huấn, nâng cao năng lực của công chức, viên chức tham gia tự đánh giá và đánh giá ngoài của các nhà trường.
Hướng dẫn chi tiết quy trình kiểm định chất lượng giáo dục đảm bảo khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tổ chức kiểm tra, rà soát lại các trường đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2019-2024 theo tiêu chuẩn, quy định hiện hành.
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổng hợp, báo cáo và tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo về lộ trình thực hiện quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn. Ban hành quy định phòng học bộ môn cơ sở giáo dục phổ thông phù hợp với các trường học vùng miền núi. Quy định về kiểm định chất lượng đối với các trường có nhiều điểm lẻ, còn thiếu giáo viên theo định mức.