dd/mm/yyyy

Chàng trai người Mông Bắc Yên làm kinh tế giỏi

Dám nghĩ, dám làm, chàng trai 9X dân tộc Mông, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Clip: Chàng trai người Mông Bắc Yên làm kinh tế giỏi

Thay đổi suy nghĩ, phát triển mô hình chăn nuôi gia súc

Những ngày cuối tháng 3 năm 2023, chúng tôi có dịp trở lại xã Phiêng Ban của huyện vùng cao Bắc Yên (tỉnh Sơn La), đập vào mắt chúng tôi là nhiều ngôi nhà 2 tầng khang trang mọc lên xen kẽ cạnh những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông nơi đây. Hỏi ra mới biết, đây là những ngôi nhà mới của những người nông dân làm kinh tế giỏi xây dựng nên. Trong những nông dân làm kinh tế giỏi đó, có thể kể đến anh Mùa A Say, sinh năm 1991, ở bản Pu Nhi, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.

Chàng trai người Mông Bắc Yên làm kinh tế giỏi - Ảnh 1.

Hiện nay, đàn lợn của anh Say có khoảng gần 30 con. (Ảnh: Tuệ Linh)

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, học hết lớp 9, anh Say đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình làm nương, làm rẫy. Nhận thấy, nếu chỉ trông chờ làm việc làm nương, làm ruộng thì cuộc sống gia đình anh không thể nào khấm khá lên được, được mùa thì đủ ăn, năm mất mùa thì thiếu đói, vì vậy, sau khi được tham gia lớp tập huấn khuyến nông bản và nắm được kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc như bò, lợn…, năm 2015, anh Say quyết định chuyển sang chăn nuôi lợn và bò.

Từ số vốn của gia đình và vay mượn bạn bè, anh đã mua 3 con lợn nái sinh sản và 3 cặp con bò mẹ con; đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển kinh tế. Song với đó, để có nguồn thức ăn ổn định cho bò, anh Say trồng 7.000 cỏ voi. Nguồn phân lợn và bò được anh dùng để bón cho cỏ voi giúp tiết kiệm tối đa chi phí phải mua phân bón. Đối với lợn, anh Say cho đàn lợn ăn bỗng rượu trộn với bột ngô, cám gạo, nên chúng lớn nhanh, khỏe mạnh.

Chàng trai người Mông Bắc Yên làm kinh tế giỏi - Ảnh 3.

Anh Say cho đàn lợn ăn bỗng rượu trộn với bột ngô, cám gạo, nên chúng lớn nhanh, khỏe mạnh. (Ảnh: Tuệ Linh)

Sau một thời gian chăm sóc, 3 con lợn nái của anh đã đẻ được lứa con đầu tiên với hơn 20 con lợn con, đàn bò cũng phát triển khỏe mạnh. Chưa kịp vui mừng thì sau đó, năm 2016, 3 con lợn nái của anh đã bị chết do dịch bệnh, chỉ còn đàn lợn con.

Khó khăn là vậy, không nản chí, anh đã học hỏi kỹ thuật phòng bệnh cho đàn gia súc của mình ở nhiều nơi và trên các phương tiện thông tin, nhờ vậy, đàn lợn và bò của anh sinh trưởng và phát triển tốt. Năm đó, từ việc bán lợn và bò, gia đình anh thu về hơn 60 triệu đồng.

9X dân tộc Mông Bắc Yên thu trên 200 triệu đồng/năm nhờ mô hình kinh tế tổng hợp

Anh Say cho biết: Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ mô hình chăn nuôi gia súc, năm 2017, tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng nguồn vốn Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Bắc Yên để mở rộng chăn nuôi. Kết hợp với số vốn tự có, tôi mua thêm 2 con ngựa sinh sản, 1 con ngựa con và cải tạo lại chuồng trại. Mặt khác, nhận thấy nhu cầu xay xát gạo của người dân xã Phiêng Ban nên tôi đầu tư thêm máy xay xát để phục vụ bà con.

"Từ vài con gia súc ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã có gần 40 con lợn, ngựa, bò; cùng với dịch vụ xay xát lúa gạo cho thu nhập 6 triệu/tháng, tổng nguồn thu mỗi năm của gia đình đạt trên 200 triệu đồng"- anh Say nói.

Chàng trai người Mông Bắc Yên làm kinh tế giỏi - Ảnh 2.

Ngôi nhà khang trang của gia đình anh Say được xây dựng năm 2022. (Ảnh: Phạm Hoài)

Nhờ làm ăn có hiệu quả, năm 2019, anh Say đã trả nợ hết số vốn vay Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Bắc Yên, đến năm 2022, anh đã xây dựng được một ngôi nhà 2 tầng khang trang cho vợ con sinh sống.

Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của chàng trai 9X dân tộc Mông Mùa A Say đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt; là động lực để thế hệ trẻ đồng bào dân Mông nơi đây không ngừng nỗ lực, phấn đấu xây dựng một cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu, cần được khuyến khích nhân rộng trên địa bàn.


Phạm Hoài - Tuệ Linh