dd/mm/yyyy

Chàng thanh niên bỏ nghề công nhân về quê hương khởi nghiệp

Ở các huyện vùng cao của tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả do thanh niên làm chủ, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Chàng thanh niên bỏ nghề công nhân trở về quê hương khởi nghiệp  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng của gia đình anh Cầm Văn Nga ở bản Tường Han, xã Mường Do, huyện Phù Yên. Ảnh: Lan Anh.

Anh Cầm Văn Nga ở bản Tường Han, xã Mường Do, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La là một trong những tấm gương điển hình khởi nghiệp thành công từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Bươn chải 10 năm làm công nhân ở tỉnh Bình Dương

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, ngay từ khi còn bé, anh Cầm Văn Nga đã được chứng kiến cuộc sống khó khăn vất vả của gia đình cũng như bà con trong bản. Mặc dù khát khao vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng cho gia đình nhưng khó khăn lớn nhất đối với anh Nga khi đang ở tuổi 20 là thiếu vốn để đầu tư mô hình chăn nuôi.

Để có số tiền tích lũy cho bản thân, anh Cầm Văn Nga đã rời quê hương bươn chải 10 năm làm công nhân ở tỉnh Bình Dương. Khi có số vốn kha khá, năm 2019, anh Cầm Văn Nga quyết tâm trở về quê hương mạnh dạn bỏ 600 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại và mua 15 con bò cái sinh sản và 1 con bò đực về nuôi.

Chàng thanh niên bỏ nghề công nhân trở về quê hương khởi nghiệp  - Ảnh 2.

Anh Nga chuẩn bị nguồn thức ăn cho đàn bò của gia đình. Ảnh: Lan Anh.

Xác định nguồn thức ăn xanh chủ động cho đàn bò có vai trò quan trọng, anh Cầm Văn Nga đã chuyển đổi 1 ha diện tích đất trước đây trồng cây ngô, cây sắn kém hiệu quả sang trồng cỏ voi. Trong quá trình nuôi bò, anh cũng chủ động tham gia học tập kiến thức chăn nuôi trên mạng internet, trên tivi, sách, báo và tham quan các mô hình nuôi bò trong huyện, xã để có thêm kinh nghiệm.

Sau hơn 3 năm phát triển mô hình đến nay, anh Nga đang duy trì 23 con bò; năm vừa qua, anh Nga đã xuất bán được 19 con bò giống, với giá bán bình quân 14 triệu đồng/con, gia đình anh thu về gần 270 triệu đồng.

Anh Cầm Văn Nga chia sẻ: Trong chăn nuôi, có 2 yếu tố người chăn nuôi cần phải đặc biệt chú trọng, thứ nhất là chế độ dinh dưỡng, thứ 2 là công tác vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đủ ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè, tiêm phòng vaccine đúng định kỳ. Về chế độ dinh dưỡng, tôi luôn cân đối lượng thức ăn tinh và thức ăn thô xanh, giúp bò lớn nhanh, sinh sản tốt, nâng cao sức đề kháng.

Theo anh Nga, gia đình chọn hướng nuôi nhốt chuồng, vì hiệu quả nuôi nhốt chuồng cao hơn so với thả rông, vì ít rủi ro hơn, dễ kiểm soát được dịch bệnh. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục nhân rộng thêm đàn bò sinh sản.

Mô hình đang được người dân học tập và làm theo

Chàng thanh niên bỏ nghề công nhân trở về quê hương khởi nghiệp  - Ảnh 3.

Để có nguồn thức ăn cho đàn bò, anh Nga chuyển đổi đất nương kém hiệu quả sang trồng thêm cỏ voi VA06. Ảnh: PV.

Không chỉ cần cù, chịu khó học hỏi và mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Cầm Văn Nga còn là một thanh niên gương mẫu, nhiệt tình, luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ cho người dân có nhu cầu chăn nuôi tại địa phương.

Nhờ học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ anh Cầm Văn Nga, anh Đinh Văn Niệm ở bản Tường Han, xã Mường Do cũng đã đầu tư hơn 200 triệu đồng làm chuồng trại và nuôi 5 con trâu, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Anh Đinh Văn Niệm bảo: Tôi thấy mô hình nuôi bò của anh Nga đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên tôi cũng về vay ít tiền để nuôi trâu. Hiện đàn trâu đang phát triển ổn định, không bị dịch bệnh, không chết rét trong đợt rét vừa qua.

Chàng thanh niên bỏ nghề công nhân trở về quê hương khởi nghiệp  - Ảnh 4.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới ở xã Mường Do, huyện Phù Yên. Ảnh: Mùa Xuân.

Đánh giá về mô hình nuôi bò sinh sản của anh Cầm Văn Nga, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do, cho biết: Những năm gần đây, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa. Đây cũng là một trong những chủ trương được xã Mường Do triển khai để giúp người dân có thu nhập ổn định. Mô hình nuôi bò sinh sản của gia đình anh Cầm Văn Nga đang mang lại tín hiệu tích cực được bà con học tập và làm theo. 


Mùa Xuân