dd/mm/yyyy

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do

Với tuổi đời trên 60 năm, cao từ 2 m - 3m, thân trắng mốc, sần sùi, cây chè Shan tuyết ở xã Mường Do đang từng bước được các cấp, các ngành quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát triển nhằm hướng tới việc xây dựng thương hiệu. Đây là một trong 17 sản phẩm làm điểm Chương trình OCOP năm 2020 của tỉnh Sơn La.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vùng chè Shan tuyết ở xã Mường Do (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) được trồng từ những năm 58 của thế kỷ trước. Cây cao từ 2m, thân trắng mốc, sần sùi. Qua đôi bàn tay điêu luyện của người phụ nữ Mường, sản phẩm chè Mường Do sau khi được chế biến cho chất lượng mùi thơm rất đặc trưng. Nước trà sau khi pha có màu vàng sánh, vị chát đượm. Sau vị chát là vị ngọt hậu, khiến người thưởng thức khi uống xong chén đầu tiên lại muốn thưởng thức tiếp chén thứ 2.

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do - Ảnh 1.

Chè Shan tuyết Mường Do được người dân trồng và chăm sóc tự nhiên, không phân bón nên cho sản lượng khá thấp, nhưng ngược lại chất lượng trà rất sạch và thơm ngon.

Dẫn chúng tôi tham quan vùng chè, chị Hà Thị Nu, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) sản xuất chè sạch Mường Do, chia sẻ: "Hiện xã Mường Do có khoảng 11.000 cây chè Shan tuyết. Loài cây này có nguồn gốc từ trong rừng và được các cụ ông, cụ bà trồng từ những năm 1958 của thế kỷ trước. Đến nay, những cây chè này cũng được hơn 60 năm tuổi.

Cây chè Shan tuyết Mường Do từng có thời gian bị lãng quên. Vùng trồng chè bị người dân chặt phá làm nương rẫy và trở thành bãi chăn thả gia súc. Nhìn diện tích chè ngày một giảm, tôi thật sự tiếc cho công sức các cụ đã bỏ ra từ hàng chục năm trước. Năm 2004, tôi làm Chi Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ bản vận động hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, đoàn viên thanh niên tổ chức phát quang bụi rậm, bảo vệ diện tích chè còn lại".

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do - Ảnh 2.

Theo người dân trồng chè ở Mường Do, cây chè trồng ở vùng đất này dưới lá chè có phủ 1 lớp lông tơ mịn trắng như tuyết.

Chị Nu cho biết thêm: "Tháng 9 năm 2017, được sự định hướng của Trung tâm phát triển và Hội nhập (CDI), tôi cùng với các hộ dân có chè Shan tuyết trong xã đứng lên thành lập THT sản xuất chè sạch Mường Do. Mục tiêu hướng đến của chúng tôi là liên kết phát triển sản xuất để từng bước khôi phục, bảo tồn và phát triển vùng chè Shan tuyết quý giá các cụ đã để lại. Đích đến cuối cùng là tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân và giảm nghèo bền vững".

Theo đó, CDI hướng dẫn THT sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietFarm. Bộ tiêu chuẩn gồm 10 giá trị cốt lõi: Nâng cao năng lực tổ chức và sản xuất; thúc đẩy cơ hội kinh tế, tiếp cận thị trường; không sử dụng lao động trẻ em, lao động cưỡng bức và phân biệt đối xử trong sản xuất; gìn giữ và đảm bảo môi trường bền vững trong sản xuất; sản xuất sạch và an toàn trong lao động; sản xuất sản phẩm an toàn và tự nhiên; truy xuất nguồn gốc trong sản xuất và kinh doanh; kinh doanh có trách nhiệm; thực hành thương mại công bằng; minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do - Ảnh 3.

Nhờ được trồng cách đây hơn 60 năm nên cây chè Shan tuyết Mường Do đã tích tụ và chắt chiu được nguồn dinh dưỡng tinh túy nhất của đất trời. Do vậy, chất lượng trà được chế biến từ những búp chè Shan tuyết này luôn được khách hàng đánh giá cao.

"CDI hỗ trợ THT một số thiết bị sao và chế biến chè như lu quay, máy vò. Đồng thời, hỗ trợ bao bì đóng gói và quảng bá giới thiệu sản phẩm cho THT. Mặt khác, CDI còn tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách chế biến chè cho 15 thành viên trong THT. Nhờ đó, các thành viên trong THT và người dân Mường Do đã biết đến giá trị của chè nhiều hơn", chị Nu thông tin.

Dừng tay hái chè, chị Cầm Thị Miên – thành viên THT, chia sẻ: "Đây là cây chè Shan tuyết cổ thụ, cao từ 2m – 3m nên khi thu hái mỗi thành viên đều phải dùng thang để trèo len. Để đảm bảo cung cấp chất lượng sản phẩm tốt nhất cho khách hàng, chúng tôi thu hái chè từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Sau khi thu hoạch xong, tiến hành tỉa cành để chè Shan tuyết ra lộc non ở mùa vụ tiếp theo.

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do - Ảnh 4.

Chè Shan tuyết Mường Do cao từ 2m - 3m nên người dân phải bắc thang lên mới hái được.

Chị Đinh Thị Sinh – thành viên THT, bảo: "Thời điểm tốt nhất để hái chè là vào buổi sáng. Bởi đây là thời điểm cây chè Shan tuyết chắt chiu được nguồn dinh dưỡng tinh túy nhất của đất trời. Trung bình, một buổi hái được 10kg. Với giá trung bình 10.000 đồng/kg, mỗi ngày cũng có 100.000 đồng".

Tiết lộ quy trình sản xuất chè với chúng tôi, chị Nu, Tổ trưởng THT, cho hay: "Búp chè tươi sau khi thu hái về phải đưa vào chế biến ngay, không được để quá 10 tiếng trở lên. Chè được bà con chế biến theo phương pháp thủ công như làm héo chè, xào chè, vò, sao chè và đánh mốc để tạo màu và mùi thơm cho chè thành phẩm. Sau đó đem đóng gói và xuất ra thị trường".

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do - Ảnh 5.

Chè Shan tuyết Mường Do có thân trắng mốc, xù xì.

"Mỗi năm THT mới xuất bán ra thị trường khoảng 1,5 tấn chè khô. Với giá bán 180.000 đồng/kg chè khô, trung bình mỗi thành viên có thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này, nhiều hộ dân không còn mặn mà với cây chè. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm hiện nay gặp khá nhiều khó khăn. Trước đây, sản phẩm được CDI quảng bá, giới thiệu giúp nhưng chỉ với số lượng rất ít.

Ngoài ra, chúng tôi còn quảng bá sản phẩm thông qua các gian hàng trưng bày giới thiệu nông sản do huyện Phù Yên tổ chức. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đặt hàng sản phẩm chè đen và chè vàng nhưng hiện tại THT vẫn chưa sản xuất được 2 loại chè có giá trị này. Trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện quan tâm, hỗ trợ bao bì, tem, nhãn mác xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do. Có như vậy, bà con nơi đây mới thoát nghèo và làm giàu được từ loài cây đặc sản này", chị Nu mong muốn.

Cần xây dựng thương hiệu cho chè Shan tuyết Mường Do - Ảnh 6.

Chè được chế biến theo phương pháp truyền thống của bà con người Mường ở Mường Do nên trà rất tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do, cho biết: "Chè Shan tuyết Mường Do hiện là sản phẩm chè đắt và ngon nhất trên địa bàn huyện Phù Yên. Vì vậy, nếu được quan tâm đúng cách thì người dân Mường Do hoàn toàn có thể làm giàu được từ cây chè này. Chủ trương của cấp uỷ, chính quyền xã là nhân rộng diện tích vùng chè Shan tuyết.

Chè Shan tuyết Mường Do là cây có thế mạnh của xã nhưng hiện nay vẫn chưa được đánh thức. Năm nay, chè Shan tuyết Mường Do được chọn là 1 trong những sản phẩm làm điểm Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) của tỉnh Sơn La. Để sản phẩm được đánh giá và xếp hạng OCOP, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện sớm có kế hoạch đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trong khâu chăm sóc và thu hái. Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia liên kết trong khâu tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Qua đó, sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, tạo nền tảng vững chắc giúp xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới".

Tuệ Linh