Cây quế mang lại ấm no cho nông dân vùng cao Bắc Hà
Những ngày này, có dịp trở lại xã vùng cao Cốc Lầu, chúng tôi thực sự ấn tượng trước đổi thay của vùng quê này. Dọc tuyến đường đến các thôn Hà Tiên, Bản Giàng, Làng Chảng... là những nương đồi, rừng quế xanh bạt ngàn.
Những bản làng trù phú với những ngôi nhà mới xây, những biệt thự vườn khang trang, đẹp như tranh vẽ... Thành quả ấy đến từ cây quế, loại cây trồng mũi nhọn của địa phương giúp đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Bản Giàng là một trong những thôn mới trồng quế của xã Cốc Lầu, với diện tích 130 ha quế, trong đó, trồng mới 7 ha năm 2024. Thôn có 70 hộ, hơn 300 khẩu với có 4 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh cùng sinh sống.
Ông Quan A Chuyển, Trưởng thôn Bản Giàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà tự hào cho biết: Thời gian qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư, nhất là hỗ trợ giống quế, lúa lai, phân bón đã giúp cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên.
Hiện trong thôn chủ yếu trồng cây quế hữu cơ là chủ lực giảm nghèo, với diện tích hàng trăm ha đã và đang cho thu hoạch đem lại nguồn thu lớn cho người dân. Nhờ cây quế, trong 2 năm 2022 và 2023, thôn có 8 hộ thoát nghèo.
Thời gian tới, theo chủ trương của xã Cốc Lầu, thôn Bản Giàng tiếp tục tuyên truyền vận động người dân trồng quế hữ cơ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây quế, tạo động lực giảm nghèo bền vững.
Cũng như các hộ trồng quế khác trong xã Cốc Lầu và khu hạ huyện Bắc Hà, gia đình ông Đỗ Văn Sáng, 63 tuổi, thôn Hà Tiên bắt đầu thu hoạch quế. Nhà ông Sáng hiện có trên 1 vạn cây quế tương đương hơn 1 ha cây quế từ 5-10 tuổi.
Vụ này nhà ông Sáng bắt đầu thu hoạch cây to, bóc vỏ làm quế ống sáo, ống điếu bán có giá trị cao hơn. Theo ông Sáng quế trúng giá cao, giai đoạn 2019 đến hết 2022 sau đó giảm xuống khi qua thời điểm dịch Covid- 19.
Còn từ năm 2023 đến nay, giá quế khá ổn định, vỏ quế tươi từ 20- 23 nghìn đồng/kg, vỏ quế khô từ 45- 47 ngàn đồng/kg, với mức giá này thì khá cao so với các loại cây trồng khác nên yên tâm đầu tư phát triển cây quế.
Còn gia đình chị Phàn Thị Mai, thôn Khe Thượng - Làng Mới, xã Cốc Lầu trồng hơn 5.000 gốc cây quế từ 1- 15 năm tuổi. Hiện gia đình chị tranh thủ tỉa cành lá, quế bán có thêm nguồn thu trang trải đời sống và mua sắm nông cụ, vật tư nông nghiệp cho sản xuất.
Chị Phàn Thị Mai, thôn Khe Thượng - Làng Mới, xã Cốc Lầu bảo: Giá vỏ quế tươi khô vẫn cao và ổn định so với năm 2023, song giá cành lá quế xuống thấp ở mức 1.400 đồng - 1.500 đồng/kg, giảm 200- 500 đồng/kg so với năm 2023.
Dẫu vậy vẫn bán cành lá tỉa vì đây là tình trạng chung, mà dân đi phát cỏ quế để quế phát triển tốt cũng nên tận thu cành lá phát tỉa để có thêm tiền mua phân giống lúa, ngô và mua mắm muối, thực phẩm. Người dân chúng tôi trồng quế vẫn chấp nhận được mức giá này, bởi trồng quế thu được nhiều sản phẩm, giá trị kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác và mong giá quế ổn định như vậy.
Bước vào vụ quế thứ 2 trong năm hay người dân quen gọi là vụ 4, diễn ra trong tháng 6-7 dương lịch, tư thương trong tỉnh, nhất là huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, quanh khu chợ Nậm Lúc đã tiến hành đến khắp các thôn, bản của các xã khu hạ huyện, trong đó có xã Cốc Lầu để thu gom, mua các sản phẩm quế cho người dân.
Cây quế giúp duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới
Anh Phàn Văn Yên, ở thôn nậm Kha 2, xã Nậm Lúc có nhà và đại lý thu mua nông lâm sản quy mô lớn ở đầu xã, giáp khu vực cầu mới qua sông chảy ngã 3 của xã Cốc Lầu, Nậm Lúc và Bản Cái đã có thâm niên hơn 15 năm chuyên thu mua quế khu vực xã Nậm Lúc - Cốc Lầu.
Anh Phàn Văn Yên cho hay: Nhà tôi có khu vực tập kết, xưởng quy mô lớn, lại ở khu vực ngã 3 trung tâm của vùng quế khá tiện lợi cho việc thu mua quế của các hộ dân trong xã Nậm Lúc, Cốc Lầu và Bản Cái. Nói chung đợt dịch Covid- 19 giá quế tăng cao, song từ năm 2023 đến nay giá quế ổn định và đây là mức giá chấp nhận được bởi vì vẫn cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác và người dân vẫn tin tưởng vào cây quế.
Đại lý của gia đình tôi đã đi thu gom, mua quế vụ thứ 3 rồi, vụ đầu tiên trong năm 2024 từ cuối tháng 3. Giá lá quế thì giảm so với năm trước vì nhu cầu nấu tinh dầu quế của một số hộ giảm, song giá vỏ quế tươi, vỏ quế khô cao, ổn định. Vỏ quế tươi giá dao động từ 20 - 23 nghìn đồng/kg, quế khô từ 45- 48 nghìn đồng/kg.
Giá cao, người dân vẫn bóc, bán đều và vẫn có nguồn thu lớn, vùng này dân hầu như nhà nào cũng có nhà xây và đang tiếp tục xây biệt thự vườn nhiều. Nói chung chỉ có trồng quế mới giàu, có nhà lầu, xe hơi.
Ông Lý Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cho biết: Với hiệu quả lớn từ cây quế, xã Cốc Lầu đã và đang xác định cây quế là cây mũi nhọn giảm nghèo bền vững, động lực chính duy trì xã nông thôn mới.
Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng tiêu thí thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo nên Cốc Lầu đã tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng quế một cách cụ thể, không phát triển ồ ạt mà chậm chắc, tập trung phát triển cây quế hữu cơ gắn với giao đất giao rừng cho nhân dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng.
Đến nay, xã Cốc Lầu có 1.600 ha quế, trong đó, có 36 ha được hỗ trợ chăm sóc theo hướng hữu cơ. Năm 2023, cây quế đã mang lại nguồn thu khoảng 12 tỷ đồng, cải thiện, nâng cao đời sống bà con nông dân.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận thu được từ cây quế toàn xã đạt trên 3 tỷ đồng. Qua đánh giá của xã tình hình thu hoạch, giá cả, thị trường khá ổn định so với năm 2023. Đồng thời, xã cũng đã trồng mới 23 ha quế, nâng tổng diện tích toàn xã lên 1.623 ha quế.
Cây quế trên đồng đất vùng cao Cốc Lầu đã và đang góp phần giúp đời sống của đồng bào Mông, Dao, Tày … từng bước cải thiện, nâng cao, có điều kiện đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới.
Nhất là nâng cao việc thực hiện các tiêu chí khó về thu nhập, hộ nghèo... giúp xã Cốc Lầu duy trì, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới và hướng tới xã nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao ở vùng cao Bắc Hà trong những năm tiếp theo.