dd/mm/yyyy

Cây Gai xanh - tiềm năng mới tại huyện vùng cao Sơn La

Trong những năm qua, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Phù Yên (Sơn La) đã tập trung phát triển cây gai xanh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Clip: Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng tại huyện vùng cao Sơn La

Chúng tôi đến xã vùng cao Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) vào dịp cây gai xanh đang cho thu hoạch. Có thể nhận thấy sự đổi thay của mảnh đất và con người nơi đây. Nếu trước đây, diện tích đất đồi bị người dân bỏ hoang hóa nhiều năm, hoặc trồng cây hoa màu kém hiệu quả, thì nay đã phủ một màu xanh mướt của cây gai xanh.

Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng tại huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 1.

Cây gai xanh phát triển trên đất Phù Yên (Sơn La) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Vinh.

Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng

Bà Phạm Thị Lan Phương, Giám đốc HTX sản xuất - Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) cho biết: Sau khi tìm hiểu về đặc tính cũng như tiềm năng của cây gia xanh, được đi tham quan học hỏi mô hình cây gai xanh và nhà máy sản xuất của Tập đoàn An Phước ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), chúng tôi nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu của mảnh đất vùng cao này phù hợp để trồng cây gai xanh. Năm 2021, HTX đã đầu tư cho người dân trồng thử nghiệm 10ha cây gai xanh giống API, qua trồng thử nghiệm cho thấy, cây gai xanh rất phù hợp với đất đai, khí hậu nơi đây. Trong 2 năm, HTX đã trồng được 40ha tại xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La) và đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều người dân sinh sống trên địa bàn với mức lương 180.000-200.000 đồng/ngày công. Có những thời điểm cao điểm, HTX có trên 100 lao động, có gia đình 3-4 người cùng đi làm nên thu nhập rất cao.

Bà Thào Thị Lầu, bản Suối Chèo, xã Suối Bau (Phù Yên, Sơn La), chồng bà mất sớm, để lại cho bà 5 đứa con còn nhỏ dại, cuộc sống trông chờ chủ yếu vào trồng ngô, lúa nương nên vô cùng khó khăn, đói ăn, thiếu mặc là nỗi ám ảnh thường xuyên của cả gia đình. Năm 2021, HTX sản xuất – Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) đầu tư trồng cây gai xanh trên bản, bà đã tham gia làm cho HTX từ những ngày đầu tiên. Chăm chỉ, chịu khó nên thu nhập của bà từ 5-6 triệu đồng/tháng. Có những thời điểm điểm, gia đình bà Lầu có 4-5 người làm cho HTX nên thu nhập cả tháng trên 30 triệu đồng, cuộc sống của gia đình bà nay đã không còn phải lo cái ăn cái mặc.

"Từ khi có HTX trồng cây gai xanh ở đây, gia đình tôi có công việc làm, vui và có tiền, cuộc sống không còn khó khăn như trước", bà Lầu phấn khởi nói.

Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây gai xanh, ngoài xã Suối Bau, HTX sản xuất – Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) còn mở rộng diện tích cây gai xanh tại các xã: Sập Xa, Đá Đỏ, Mường Thải, Mường Cơi, Kim Bon, Huy Bắc, Huy Tân, Huy Thượng và Gia Phù với 150 ha. Đến nay, HTX đã thu hoạch được 4 lứa với trên 12 tấn vỏ gai xanh khô.

Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng tại huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 2.

HTX sản xuất – Thương mại và dịch vụ Tây Bắc Phù Yên (Sơn La) đầu tư trồng cây gai xanh tại Phù Yên (Sơn La) với quy mô diện tích 150 ha. Ảnh: Nguyễn Vinh.

Là một trong những đơn vị đầu tư trồng cây gai xanh trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La) và là đầu mối thu mua sản phẩm cho nông dân, Hợp tác xã BTH xã Mường Do đã đồng hành với nông dân xã Mường Do, Mường Bang trong suốt quá trình triển khai, thực hiện.

Ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc Hợp tác xã BTH xã Mường Do (Phù Yên, Sơn La) cho biết: Gai xanh là loại cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Đối với cây trồng mới thường cho thu hoạch sau 4 tháng, các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 40-50 ngày. Trung bình, 1ha cây gai xanh cho thu từ 800 - 1.000kg vỏ khô, cho giá trị 70 - 80 triệu/ha/năm; mỗi năm có thể thu hoạch từ 4 - 5 lần, thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với một số cây trồng khác. Cây gai xanh là cây đa tác dụng, vỏ được dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá được dùng để làm bánh gai, làm thức ăn cho gia súc gia cầm, thuỷ cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Lõi cây gai thì có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Như vậy, tất cả các bộ phận của cây gai xanh đều có ích, mang lại lợi nhuận cho người trồng. Cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng từ 8 - 10 năm. Hiện nay, Hợp tác xã BTH Mường Do đã trồng được khoảng 50ha và liên kết các hộ dân trên địa bàn huyện trồng được khoảng 150ha tại các xã: Mường Do, Huy Tân, Huy Thượng, Mường Bang, Mường Thải...

Gia đình anh Đinh Công Lý, ở bản Suối Han, xã Mường Do (Phù Yên, Sơn La) là một trong những hộ tái định cư thủy điện hòa bình. Trước đây trên những triền đất dốc của gia đình anh chủ yếu trồng ngô, mang lại hiệu quả kinh tế thấp. Nhận thấy mô hình phát triển cây gai xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình anh Lý đã chuyển toàn bộ diện tích đất nương để trồng cây gai xanh. Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm, cây gai xanh đang sinh trưởng và phát triển tốt và đã cho thu hoạch.

"Khi tái định cư đến đây đi theo sự di chuyển của nhà nước, bước đầu gia đình tôi trồng ngô nhưng không hiệu quả. Bây giờ nhờ Hợp tác xã BTH xã Mường Do chuyển đổi trồng cây gai xanh, tôi nhận thấy cây gai xanh sẽ là cây tiềm năng sẽ giúp kinh tế gia đình tôi phát triển đi lên", anh Lý nói.

Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng tại huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Công Bảo - Giám đốc HTX Nông nghiệp BTH (Mường Do, Phù Yên, Sơn La) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây gai xanh với hộ liên kết sản xuất. Ảnh: Nguyễn Vinh

Ông Lường Văn Vương, Chủ tịch UBND xã Mường Do (Phù Yên, Sơn La) cho biết: "Theo đánh giá của chúng tôi và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn, cây gai xanh trên xã Mường Do có khả năng phát triển tốt, có thể thay thế cây trồng kém hiệu quả. Hiện nay, chúng tôi đang dự kiến mở rộng diện tích đến các bản vùng sâu vùng xa để người dân có thu nhập ổn định.

Với quy mô đạt 1.000ha, cây gai xanh là cây xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La)

Cũng theo bà Bạc Thị Cầm Xiêng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phù Yên (Sơn La): Từ năm 2018, huyện Phù Yên đã liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu An Phước (Hà Nội) trồng khảo nghiệm với diện tích 30ha. Qua khảo nghiệm thấy rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Trong đó, những diện tích trồng đầu tiên đã cho thu hoạch 3-4 lượt, năng suất trung bình đạt 300-400 kg vỏ cây khô/ha/vụ, thu nhập đạt khoảng 14 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so trồng các loại cây lương thực ngắn ngày khoảng 25-30%. Ngoài ra, cây còn có tác dụng cải tạo đất, tăng độ phì cho đất bạc màu do trồng các loại cây lương thực ngắn ngày trong thời gian dài.

Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng tại huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 4.

Giống cây gai xanh (AP1) được lựa chọn cẩn thận trước khi trồng. Ảnh: Nguyễn Vinh

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, bà Đinh Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết: Sau khi thử nghiệm thành công cây gai xanh trên địa bàn, năm 2019, huyện Phù Yên (Sơn La) đã lồng ghép các nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn xây dựng nông thôn mới để thực hiện chuỗi liên kết vùng nguyên liệu cây gai xanh. Hiện tại, toàn huyện đã trồng được 257 ha cây gai xanh giống API, tập trung ở các xã: Sập Xa, Đá Đỏ, Mường Thải, Mường Cơi, Mường Do, Mường Bang, Kim Bon, Huy Bắc, Huy Tân, Huy Thượng và Gia Phù. Qua đánh giá của Tập đoàn An Phước, tỷ lệ sợi cây gai xanh ở Phù Yên đạt rất cao. Đặc biệt phù hợp với điều kiện, kỹ thuật canh tác của bà con, nhất là bà con vùng cao.

Cũng theo bà Hà, huyện Phù Yên (Sơn La) đang định hướng chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn; trong đó, huyện triển khai mở rộng diện tích cây gai xanh ra một số xã khác để tạo vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, dự kiến đến năm 2025 quy mô đạt 1.000ha cây gai xanh. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng quy mô dự án tại những khu vực phù hợp, phối hợp với tập đoàn đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ dự án, đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.

Gai xanh, cây trồng mới tiềm năng tại huyện vùng cao Sơn La - Ảnh 5.

Quy mô đạt 1.000ha, cây gai xanh là cây xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Phù Yên (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Vinh.

Đồng hành hỗ trợ nông dân huyện Phù Yên (Sơn La) áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác để cây gai xanh AP1 sinh trưởng, phát triển cho năng suất tốt, Tập đoàn An Phước cam kết thu mua sản phẩm theo cơ chế thị trường đảm bảo các bên cùng có lợi, góp phần phát triển sản xuất cây gai xanh theo hướng bền vững, hiệu quả; cam kết phối hợp tốt giữa chính quyền, doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân để duy trì và phát triển mối quan hệ liên kết chặt chẽ, lâu dài.

Với tiềm năng và hiệu quả bước đầu, cây gai xanh đã và đang tạo thêm cơ hội để đa dạng giống cây trồng trên địa bàn các xã trong huyện Phù Yên (Sơn La), nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Nguyễn Vinh - Văn Ngọc