Công tác dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng
Tham dự Đại hội, về phía đại biểu Trung ương có ông Hầu A Lềnh – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc; bà Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội.
Về phía đại biểu tỉnh Lào Cai có các ông: Đặng Xuân Phong – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai; Vũ Xuân Cường – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai; Trịnh Xuân Trường – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai; Hoàng Giang – Phó Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh Lào Cai qua các thời kỳ; lãnh đạo Ủy Ban Dân tộc, Mẹ Việt Nam anh Hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, cùng đại biểu tỉnh Hà Nội, Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang và 250 Đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 53 vạn đồng bào các dân tộc thiểu số đã về dự Đại hội.
Phát biểu khai mạc Đại hội, bà Giàng Thị Dung – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai thông tin, Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lần thứ 4 là sự kiện có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, một biểu tượng sinh động nhất về sự đoàn kết dân tộc, như cây một cội, như con một nhà. Đại hội không chỉ là ngày hội của đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là đợt sinh hoạt chính trị, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp.
Theo bà Dung, trong 5 năm vừa qua, công tác dân tộc, việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lào Cai được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực, trọng tâm là phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào. Tập trung xây dựng hệ thống giao thông kết nối thuận lợi, phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nhất là giáo dục dân tộc, giáo dục vùng cao qua việc phát huy hiệu quả hoạt động của các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường học có học sinh bán trú, tập trung xây dựng cơ sở vật chất trường lớp học, đầu tư trang thiết bị dạy học, tăng cường thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh.
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới, nơi hội tụ của 13 dân tộc với 25 nhóm ngành dân tộc gồm nhiều thành dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 66,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó dân tộc Mông chiếm 26%; dân tộc Tày chiếm 15%; dân tộc Dao 14%; dân tộc Giáy 4,3%; dân tộc Nùng 4,3%; còn lại là các dân tộc khác như: Hà Nhì, Phù Lá, Sán Chay, Bố Y, La Chí…
Sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu tỉnh Lào Cai lần thứ III – năm 2019, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được xây dựng, nâng cấp đồng bộ. Diện mạo nông thôn thay đổi với 63/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% UBND xã có đường ô tô đến trụ sở; 98% số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm; đã phủ sóng di động đến 100% trung tâm các xã và trên 98% thôn, bản; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; 97% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Công tác giảm nghèo chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo, nhất là hộ nghèo người dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 5%/năm. Từ đầu nhiệm kỳ đã hỗ trợ xây mới, cải tạo gần 5.800 nhà tạm, nhà dột nát và mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TU ngày 03/7/2024 để quyết tâm xóa hơn 7.000 nhà còn lại không đủ điều kiện ở. Trong đó chủ yếu là nhà ở của các hộ dân tộc thiểu số trước Đại hội Đảng các cấp trong năm 2025.
Công tác giáo dục dân tộc được đặc biệt chú trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo thường xuyên được đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú phát triển mạnh và ngày càng trở thành trụ cột của giáo dục vùng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 9 trường phổ thông dân tộc nội trú, 134 trường phổ thông dân tộc bán trú; 131 trường phổ thông có học sinh bán trú; trên 50% số trường nội trú, bán trú đạt chuẩn quốc gia.
Các cơ sở dạy nghề được mở rộng quy mô, đa dạng loại hình đào tạo, từng bước chú trọng đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số; cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc được quan tâm; hệ thống y tế được củng cố, cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư; đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Chính sách khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo được thực hiện nghiêm túc.
Việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, phong tục truyền thống tốt đẹp của đồng bào được coi trọng. Nhiều lễ hội truyền thống đã được phục dựng; gìn giữ được nhiều mô hình làng, bản văn hóa truyền thống để gắn với phát triển du lịch. Thông qua công tác tuyên truyền vận động, nhận thức và hành động trong các tầng lớp nhân dân vùng đồng bào dân tộc chuyển biến rõ nét. Nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, trong lễ hội cũng như sinh hoạt dần thay đổi phù hợp với điều kiện hiện nay. Nhận thức về giới và bình đẳng giới ngày càng được nâng lên, phụ nữ dân tộc ngày càng tham gia nhiều vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội tại địa phương.
Công tác đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở vùng đồng bào DTTS thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 100% thôn bản, tổ dân phố đều có tổ chức Đảng; gần 90% có Chi ủy. Việc phát huy vai trò của gần 1.100 người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào một số nội dung làm rõ hơn và khẳng định những thành tựu, kết quả công tác dân tộc trong 5 năm thực hiện quyết tâm thư vừa qua; kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS về thực hiện các chính sách dân tộc, về cải tạo phong tục tập quán lạc hậu; Giữ gìn và bảo tồn bản sắc các dân tộc; cách làm hay trong phát triển kinh tế hộ; việc tham gia giữ gìn đường biên mốc giới, đảm bảo an ninh nông thôn; giảm nghèo bền vững.
Phát huy tinh thần đoàn kết góp phần xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp
Ghi nhận và chúc mừng những kết quả đã đạt được của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai trong thời gian qua, đặc biệt biểu dương nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai, ông Hầu A Lềnh - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc yêu cầu tỉnh Lào Cai đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác dân tộc cho giai đoạn 2024-2029.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai quyết tâm phấn đấu đạt được những thành tựu cao hơn, to lớn hơn; đồng thời, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận và đánh giá sâu sắc hơn những khó khăn, thách thức và tiềm năng, lợi thế của địa phương, mạnh dạn đổi mới sáng tạo, xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho giai đoạn 2024-2029, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của tỉnh đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 -2030 để tập trung triển khai thực hiện.
Ông Lềnh tin tưởng rằng tỉnh Lào Cai với nhiều tiềm năng, lợi thế được thiên nhiên ban tặng, có cửa khẩu Quốc tế giao thương, người dân cần cù, thông minh, chịu thương, chịu khó, sẽ có những bước phát triển đột phá, 25 dân tộc anh em tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, thách thức xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai giàu về kinh tế, đậm đà bản sắc dân tộc, vững về quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng bộ tỉnh cũng như mục tiêu trong quyết tâm thư mà Đại hội đề ra.
Phát biểu tại Đại hội, ông Đặng Xuân Phong - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã biểu dương sự quyết tâm, kiên trì, nỗ lực của các cấp uỷ, chính quyền; sự cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ làm công tác dân tộc; sự đóng góp đặc biệt quan trọng của toàn thể đồng bào các dân tộc thiểu số đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai trong suốt thời gian qua. Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác dân tộc của tỉnh thời gian qua.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục triển khai tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, tiếp tục quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo nghề, công tác cán bộ dân tộc thiểu số...
Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trong thời gian tới gắn với yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Kiên trì thực hiện đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận để đồng bào các dân tộc thiểu số tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; tập trung tháo gỡ vướng mắc để thực hiện hoàn thành 03 chương trình mục tiêu Quốc gia và các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có liên quan đến công tác dân tộc.
Các ngành, các địa phương tập trung rà soát, nắm bắt, sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng của Nhân dân; cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang tập trung tăng cường xây dựng, củng cố cơ sở chính trị khu vực biên giới vững mạnh; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số hợp lý cả về cơ cấu và số lượng tạo nền tảng để xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số chất lượng, vững mạnh, toàn diện; không ngừng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến gắn với việc quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách nhằm phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người uy tín.
Bí thư Phong cũng đề nghị đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát huy tinh thần đoàn kết, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, tự tin tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thách thức, ra sức thi đua lao động, sản xuất để nâng cao mọi mặt đời sống vật chất - tinh thần; góp phần xây dựng quê hương Lào Cai ngày càng giàu đẹp.
Nhân dịp này, Ủy ban Dân tộc đã tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 5 cá nhân, Chủ tịch UBND tỉnh Chủ tịch tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 32 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước.
Ngay sau Đại hội các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và đồng bào các dân tộc trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực, tự cường; tăng cường đoàn kết, quyết tâm thi đua học tập, công tác, lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc Đại hội đã đề ra.