dd/mm/yyyy

Tuyệt kỹ trồng na trái vụ, nông dân vùng này ở Lào Cai biến vườn na thành "máy in tiền"

Đã nhiều năm nay, cứ đến tháng 11 dương lịch, nông dân xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai lại tất bật hái na trái vụ, chốt đơn, đóng gói gửi cho khách. Nhờ tuyệt kỹ cho na đậu quả trái vụ, vụ thứ 2 trong năm, nông dân trồng na có của ăn của để.

Tuyệt kỹ trồng na trái vụ

Xã Phong Niên đang từng ngày "thay da đổi thịt". Những vườn ngô, vườn sắn, đồi bỏ hoang nối nhau dài tít tắp khi xưa, giờ được thay thế bằng những vườn na rộng mênh mông. Những người nông dân nơi đây đã tìm ra cách để na đậu quả trái vụ. Cách làm đó được nhân rộng và lan tỏa khiến xã Phong Niên hôm nay thành "thủ phủ" của na.

Chỉ còn gần 2 tháng nữa là nông dân xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch na trái vụ, mùa na thứ 2 trong cùng một năm. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây na sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, hứa hẹn một vụ na thắng lợi. Với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều nông dân ở Phong Niên đã tạo ra những sản phẩm trái vụ, góp phần giải quyết hiệu quả bài toán "được mùa, mất giá".

Tuyệt kỹ trồng na trái vụ, nông dân vùng này ở Lào Cai đã biến vườn na thành chiếc "máy in tiền"- Ảnh 1.

Thời điểm này, nông dân xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng đang tích cực theo dõi, chăm sóc, chuẩn bị tới vụ thu hoạch na vào tháng 11 dương lịch. Ảnh: Thanh Nga

Thời điểm này, cùng với các hộ trồng na khác trên địa bàn xã Phong Niên, gia đình anh Lý Văn Sơn, thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai đang tập trung chăm sóc cho đồi na trái vụ của gia đình. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăm sóc, vườn na của gia đình anh Lý Văn Sơn ra quả to đẹp, chuẩn bị cho thu hoạch na trái vụ trong năm.

Hôm chúng tôi tới thăm, anh Sơn cho biết, với sự phát triển như hiện nay, vườn na của gia đình anh sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 11 dương lịch. Trung bình mỗi năm, diện tích na trái vụ mang lại cho gia đình anh nguồn thu gần 200 triệu đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm xử lý na trái vụ, anh Sơn cho biết: Biện pháp để na ra trái vụ là cắt tỉa cành để cây được trẻ hóa, thường xuyên đâm chồi mới, ra hoa. Khi nụ hoa hé mở có màu trắng thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ, sau đó bọc túi nilon từng quả để tránh ruồi vàng, các loài côn trùng chích hút. Bởi vậy, na dai ở đây bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo được uy tín trên thị trường.

Tuyệt kỹ trồng na trái vụ, nông dân vùng này ở Lào Cai đã biến vườn na thành chiếc "máy in tiền"- Ảnh 2.

Nhờ được chăm sóc tốt nên vườn na của gia đình anh Sơn luôn cho sản lượng cao. Ảnh: Thanh Nga

Một số hộ trồng na trái vụ ở Phong Niên cho biết: So với các cây trồng truyền thống, cây na trái vụ đang có ưu điểm hơn hẳn, dễ chăm sóc, giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ và đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.

Vườn na trái vụ là "máy in tiền" của nông dân Phong Niên

Xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) hiện có gần 60ha na, trong đó có khoảng 10ha là na trái vụ. Bình quân 1kg na trái vụ có giá từ 50 đến 60 nghìn đồng, có thời điểm cao nhất lên tới 70 nghìn đồng/1 kg, cao hơn na chính vụ.

Để nâng cao năng suất, chất lượng cây na, nhất là na trái vụ, xã thường xuyên phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất theo hướng VietGAP, đảm bảo chất lượng cung ứng ra thị trường gắn với thực hiện tốt quy hoạch vùng trồng.

Tuyệt kỹ trồng na trái vụ, nông dân vùng này ở Lào Cai đã biến vườn na thành chiếc "máy in tiền"- Ảnh 3.

Gia đình anh Sơn là hộ tiêu biểu trồng na trái vụ, cho thu nhập cao. Ảnh: Thanh Nga

Ông Ngô Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Phong Niên cho biết: "Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa, Đảng ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo phát triển mạnh một số cây, đặc biệt là cây roi, cây na".

Cũng theo ông Phúc, cây na có sức sống mãnh liệt và phát triển rất tốt ở nơi này. Tuy nhiên trước đây, bà con sản xuất na theo cách truyền thống, có thói quen để cây cao, cành nhiều. Vì vậy mất một thời gian dài, việc vận động bà con đốn cành để thuận tiền cho việc thụ phấn, hái quả, bao quả và phòng trừ các loại sâu bệnh gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, phần lớn người trồng na đã thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Hiện, vườn na là chiếc "máy in tiền" của nông dân xã chúng tôi, nên mọi quy trình chăm sóc đều được bà con tuân thủ nghiêm ngặt và tỉ mỉ. Từ ngày biến cây na từ 1 vụ thành 2 vụ trên năm, đã mang lại cho vùng đất dẻo cao này sự ấm no và sung túc. Vui nhất là những ngày vào vụ thu hoạch, vùng này như có thêm sức sống mới, nhà nào nhà nấy tất bật hái na, chốt đơn, đóng gói. Cả xã cứ như có hội, na có bao nhiêu cũng bán hết, mùa nào cũng cháy hàng.

Tuyệt kỹ trồng na trái vụ, nông dân vùng này ở Lào Cai đã biến vườn na thành chiếc "máy in tiền"- Ảnh 4.

Đến mùa thu hoạch, nông dân ở xã Phong Niên lại tất bật hái na, chốt đơn và tính tiền. Ảnh: Thanh Nga

"Với những ưu điểm về năng suất, na trái vụ đang mở ra hướng đi mới, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích canh tác, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững ở địa phương', ông Phúc hồ hởi cho hay.


Tuấn Hùng, Thanh Nga