dd/mm/yyyy

Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê kiếm Tết

Mỗi vụ cà phê, bà con ở những huyện Đông Nam Gia Lai và tỉnh lân cận lại vượt núi đi hái cà phê thuê. Họ sống tạm bợ trong căn nhà rẫy, bữa ăn đạm bạc để dành dụm tiền khi cái Tết đang cận kề.

Các huyện Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Păh (Gia Lai) bước vào vụ thu hái cà phê từ giữa tháng 11 hàng năm. Đây cũng là lúc các nhà vườn "khát" nhân công.

Nhiều năm trở lại đây, nhà vườn ở Gia Lai chủ động liên hệ nguồn lao động nhàn rỗi ở những huyện phía Đông Nam của tỉnh và các tỉnh lân cận như Phú Yên, Quảng Ngãi.

Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê kiếm Tết - Ảnh 1.

Vào tháng 11 hàng năm, dòng người từ các huyện, tỉnh lân cận lại ngược núi đi thu hái cà phê (Ảnh Phạm Hoàng).

Người hái cà phê từ các nơi đến Gia Lai mưu sinh thường đi theo nhóm 7-10 người, thường là hàng xóm, họ hàng của nhau, mang theo cả tư trang, từ quần áo, chăn mền, chén bát... và dựng chòi rẫy, sinh sống ngay tại nhà vườn được thuê.

Vụ cà phê năm nay, anh Lê Văn Long (thị xã Ayun Pa, Gia Lai) đã rủ 5 người khác là họ hàng, hàng xóm đến huyện Ia Grai thu hái cà phê. Nhà vườn đã bố trí cho 6 người ở cùng một căn chòi rẫy rộng 40m2. Tiền công được trả theo năng suất, với mức 100.000 đồng/tạ.

Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê kiếm Tết - Ảnh 2.

Tiền công được trả theo năng suất, với mức 100.000 đồng/tạ (Ảnh: Phạm Hoàng).

Sáng tinh mơ, trong căn chòi rẫy, phụ nữ đã lục đục nấu cơm, đàn ông chuẩn bị bạt để thu hái cà phê. 5h30 sáng, một ngày làm việc đã bắt đầu.

Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê kiếm Tết - Ảnh 3.

Anh Long đã rủ 5 người là hàng xóm, họ hàng đến huyện Ia Grai để thu hái cà phê (Ảnh: Phạm Hoàng).

Anh Long cho biết, tiền công tính theo năng suất thu hái nên cả nhóm cũng tranh thủ đi làm thật sớm và nghỉ trễ. Trung bình, mỗi người đi hái cà phê cũng thu về được khoảng 500.000 đồng/người/ngày.

Năm nay, tiền công tăng vài chục nghìn đồng mỗi tạ cà phê thu hái được nhưng chi phí xăng xe, ăn uống cũng "đội" giá.

"Những ngày đầu mới thu hái, bàn tay bỏng, rát vì tuốt cà phê. Đôi vai bầm tím vì vác cà phê. Dần dần, tay cũng chai rồi, không thấy đau nữa. Để tiết kiệm, chúng tôi chia nhau ngủ trong căn chòi rẫy. Mùa này, gió mạnh nên ai cũng mang thêm áo ấm để ngủ. Cuộc sống thiếu thốn nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên ai cũng nỗ lực, chịu khó làm ăn", anh Long tâm sự.

Gửi con gái 2 tuổi cho bà ngoại chăm sóc, anh Ksor Sai (25 tuổi, ở thị xã Ayun Pa) cùng vợ là chị Nay Hieng đến huyện Ia Grai để thu hái cà phê.

Chị Nay Hieng bộc bạch: "Bà con ở các huyện đồng bằng mùa này đã xong vụ lúa nên nhàn rỗi, rủ nhau đi hái cà phê. Mỗi vụ cà phê kéo dài 30-35 ngày, hai vợ chồng gom góp được khoảng 25-28 triệu đồng. Vợ chồng thắt chặt chi tiêu để dành dụm tiền lo cho gia đình và cái Tết đang cận kề".

Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê kiếm Tết - Ảnh 4.

Mỗi mùa cà phê, anh Sai và chị Hieng cũng gom góp được khoảng 25 triệu (Ảnh: Phạm Hoàng).

Ở quê nhà, hai vợ chồng chị Hieng đang có 2 sào lúa và một ít rẫy mì. Vì đất đai cằn cỗi nên cuộc sống khó khăn. Mọi hy vọng để có cái Tết đủ đầy đều mong chờ vào khoản tiền công thu hái cà phê này.

Cả họ, cả làng ăn núi ngủ rẫy một tháng, hái cà phê kiếm Tết - Ảnh 5.

Bữa cơm trưa tạm của những người thu hái cà phê (Ảnh: Phạm Hoàng).

Khi mặt trời đứng bóng, nhóm người của anh Long, chị Hieng dừng tay, nghỉ ăn trưa. Dưới mái chòi tạm bợ, nhóm người mở nồi cơm nấu từ sáng, đã nguội ngắt, ăn cùng vài con cá khô cho qua bữa. Bữa ăn dẫu đạm bạc nhưng vẫn ấm áp, tiếng nói cười rôm rả sau một buổi sáng lao động vất vả.


Phạm Hoàng