Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La là đơn vị đầu ngành của tỉnh được giao nhiệm vụ khám, điều trị, chỉ đạo tuyến và phòng chống các bệnh về mắt cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Việc cải tiến thủ tục hành chính, quy trình đón tiếp, khám và điều trị cho bệnh nhân được bệnh viện quan tâm triển khai nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người bệnh trong quá trình đến khám, điều trị tại viện. Trong đó, ưu tiên quan tâm các đối tượng chính sách, người có công, người già, tàn tật, trẻ em.
Trao đổi với PV, ông Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La cho biết: Bệnh viện chúng tôi có 5 khoa và 2 phòng, gồm: Khoa Ngoại tổng hợp, khoa Điều trị tổng hợp, khoa Khám bệnh - Cận lâm sàng, khoa Khúc xạ, khoa Dược - Trang thiết bị - Vật tư y tế và phòng Tổ chức - Hành chính - Tài vụ, phòng Kế hoạch tổng hợp - Điều dưỡng. Bệnh viện được bố trí tại khối nhà Y tế dự phòng, sử dụng từ năm 2000, gồm ba đơn vị sử dụng chung là Trung tâm Giám định Y khoa, Bệnh viện Mắt và khoa Xét nghiệm của CDC.
Chúng tôi được sử dụng toàn bộ tầng 3 cùng 23 phòng tầng 2 và 9 phòng tầng 1 với tổng diện tích là 958,36m2. Tuy cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng để bảo đảm công tác điều trị và khám chữa bệnh, chúng tôi đã tăng cường áp dụng chuyên môn kỹ thuật mới vào công tác chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc an toàn hợp lý, cung cấp thuốc cho bệnh viện đúng quy định.
Qua 5 năm hoạt động, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại bệnh viện tăng lên đáng kể. Số lượt khám bệnh, số ca phẫu thuật, thủ thuật, xét nghiệm... đều tăng. Chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị được tăng cường, uy tín bệnh viện được tạo dựng và nâng lên rõ rệt. Năm 2020, bệnh viện triển khai thực hiện dịch vụ kỹ thuật mới: Chụp đáy mắt không huỳnh quang, kỹ thuật này giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt cho bệnh nhân.
Đến với Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, được chứng kiến sự tận tâm chăm sóc bệnh nhân của cán bộ y tế nơi đây khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng. Hình ảnh những "chiến sĩ áo trắng" ân cần chăm lo sức khỏe cho người bệnh. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân có tình trạng sức khoẻ phức tạp về mắt được cứu chữa thành công, đã củng cố thêm niềm tin của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đối với bệnh viện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Chiến, bản Củ 4 (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) kể: "Lúc ở nhà tôi thấy mắt phải bị mờ, nhìn không thấy rõ đồ vật gì cả. Sau đó, tôi được gia đình đưa xuống Bệnh viện Mắt khám và các bác sỹ chẩn đoán bị đục thuỷ tinh thể, phải mổ mắt luôn. Khi nhắc đến mổ mắt tôi rất sợ nhưng được các bác sỹ ở đây tư vấn nhiệt tình nên tôi tự tin hơn.
Nhờ máy móc hiện đại nên khi mổ mắt xong, tôi không thấy bị đau nhức gì cả. Những ngày nằm điều trị tại bệnh viện, tôi được sự chăm sóc tận tình của cán bộ y tế, bác sĩ nơi đây. Đến nay mắt của tôi đã nhìn thấy rõ hẳn so với những ngày đầu mới nhập viện".
Theo ông Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La, năm 2020, bệnh viện đã mua sắm bổ sung một số trang thiết bị y tế, phương tiện làm việc cho viên chức, đồ dùng phục vụ sinh hoạt cho người bệnh. Đặc biệt, từ nguồn viện trợ kinh phí của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, bệnh viện đã mua được các thiết bị y tế hiện đại, gồm: 1 máy Phaco, 1 máy sinh hiển vi khám mắt, 1 máy laser... đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
Ước tính toàn tỉnh hiện còn trên 10.580 người mù do đục thể thủy tinh cần được phẫu thuật, với tỷ lệ phát sinh mới là 0,1% thì hàng năm số người mắc mới là trên 1.000 người. Bên cạnh đó, cả tỉnh hiện tại có hàng nghìn bệnh nhân có biểu hiện bệnh võng mạc tiểu đường cần phải theo dõi và can thiệp điều trị lâu dài. Khoảng 30.000 - 40.000 học sinh phổ thông mắc tật khúc xạ cần được khám xác định và chỉnh kính để đeo. Một số bệnh khác cũng có số lượng mắc khá cao như: Mộng thịt, trẻ em bị lác đe dọa đến chức năng thị giác, đó là chưa kể các bệnh viêm kết mạc, giác mạc, bệnh mạch máu đáy mắt, bệnh màng bồ đào, chấn thương mắt...
"Các bệnh nhân nặng, bệnh nhân phẫu thuật, bệnh nhân chuyển tuyến đều được hội chẩn theo đúng quy định; các quy trình tiếp đón, khám bệnh từng bước được cải tiến và nâng cao. Chúng tôi luôn thực hiện tốt các chế độ, chính sách trong khám chữa bệnh cho nhân dân theo đúng quy định. Triển khai các dịch vụ về khám chữa bệnh có chất lượng cao, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến mới vào chẩn đoán và điều trị có hiệu quả cho người bệnh.
Không có trường hợp bệnh nhân phàn nàn về các loại giá dịch vụ khám chữa bệnh thu không đúng tại đơn vị, chúng tôi luôn thực hiện niêm yết công khai giá dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được biết ở các vị trí dễ thấy, dễ nhìn'', ông Vũ Tiến Quyền, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La cho biết thêm.
Để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và tạo niềm tin với bệnh nhân, Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La luôn tuân thủ nghiêm túc quy trình chăm sóc người bệnh. Đội ngũ y bác sỹ bệnh viện luôn theo dõi sát tình trạng sức khỏe của người bệnh, kịp thời xử trí khi có diễn biến bất thường. Cùng với đó bệnh viện còn đẩy mạnh triển khai cải tiến thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh viện lắp đặt thêm ghế, quạt gió về mùa hè, nước uống để phục vụ bệnh nhân khi ngồi chờ đến lượt khám bệnh. Bố trí bác sỹ có kinh nghiệm chuyên môn ở các khoa lâm sàng đến khám bệnh tại các phòng khám theo từng chuyên khoa. Bảo đảm người bệnh được khám toàn diện, phân loại, cấp cứu kịp thời các trường hợp bệnh nặng. Phân công điều dưỡng viên túc trực, hướng dẫn cho bệnh nhân khi đến khám và người nhà đến thăm hoặc chăm sóc bệnh nhân.
Là 1 trong những bệnh nhân đang điều trị tại Bênh viện Mắt tỉnh Sơn La, bà Lò Thị Sơn, bản Mường Chiên 2 (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Trong thời gian đến khám và điều trị tại bệnh viện, tôi thấy đội ngũ y bác sỹ ở đây rất niềm nở và nhiệt tình. Các bác sỹ thăm khám rất ân cần, sau khi phẫu thuật tại viện, mắt của tôi đã nhìn thấy rõ hơn, sức khoẻ đã tốt lên hẳn.
Với phương châm hết lòng vì người bệnh, coi trọng chuyên môn, Bệnh viện Mắt tỉnh Sơn La thực sự là địa chỉ tin cậy, là nơi gửi gắm niềm tin, đưa ánh sáng đến với người bệnh. Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và tạo sự hài lòng của bệnh nhân với bệnh viện, kịp thời đáp ứng được khả năng chữa trị tại chỗ, nhanh, hiệu quả và giảm tải cho tuyến trên.