dd/mm/yyyy

Ấn tượng 53 năm Ngày truyền thống, 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Ngày 25/3, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (25/4/2013-25/4/2023) và 53 năm Ngày truyền thống (25/4/1970-25/4/2023).

53 năm ngày truyền thống

Chiều ngày 25/3, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (25/4/2013-25/4/2023) và 53 năm Ngày truyền thống (25/4/1970-25/4/2023).

Tới dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí.

Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội Nguyễn Huy Tiến.

Nguyên lãnh đạo VKSND tối cao; Kiểm sát viên VKSND tối cao; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao, VKS quân sự Trung ương, VKSND cấp cao tại Hà Nội; nguyên lãnh đạo Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội qua các thời kỳ; VKSND một số địa phương; lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn TP. Hà Nội và các tổ chức quốc tế hợp tác với Nhà trường…

Phía Nhà trường dự trực tiếp và trực tuyến có TS Nguyễn Văn Khoát - Hiệu trưởng; các Phó Hiệu trưởng PGS.TS Mai Đắc Biên; PGS.TS Vũ Thị Hồng Vân...

Ấn tượng 53 năm Ngày truyền thống, 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - Ảnh 1.

Một góc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

Phát biểu chào mừng, lãnh đạo Nhà trường đã điểm lại những bước phát triển của Đại học Kiểm sát Hà Nội: Cụ thể, vào năm 1970, trước những chuyển biến mạnh mẽ của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, ngày 21/4/1970, Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt ký Quyết định số 62/QĐ-TC về tổ chức bộ máy của VKSND tối cao, trong đó có Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát. Quyết định này được ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn tại Nghị quyết số 900/NQ- UBTVQH ngày 25/4/1970. Từ đây, ngày 25/4 hàng năm được coi là Ngày truyền thống của Trường.

Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập trong bối cảnh nước ta chưa có một cơ sở đào tạo trình độ cử nhân luật. Sau khi Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ kiểm sát được thành lập, ngày 4/10/1970, Viện trưởng VKSND tối cao Hoàng Quốc Việt đã ký Quyết định số 116/QĐ-V9 giao cho Trường nhiệm vụ "mở các khóa bổ túc cho cán bộ trong ngành và mở các khóa đào tạo mới để bổ sung cán bộ cho ngành". 

Ấn tượng 53 năm Ngày truyền thống, 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - Ảnh 2.

Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (25/4/2013-25/4/2023) và 53 năm Ngày truyền thống (25/4/1970-25/4/2023). Ngọc Thọ

Sau 10 năm đào tạo cán bộ có trình độ Trung cấp Kiểm sát (1970 - 1980) và sau 4 năm đào tạo hệ chuyên tu, tại chức Cao đẳng Kiểm sát (1977 - 1980); tháng 5/1981 khoá I đào tạo Cao đẳng Kiểm sát hệ chính quy đã được chiêu sinh và đào tạo trong phạm vi cả nước với thời gian đào tạo 4 năm. 

Sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức VKSND năm 1981, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 158/QĐ-V9 ngày 23/10/1981 về bộ máy làm việc của VKSND tối cao, trong đó có Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội và Trường Trung cấp Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Quyết định này đã được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn tại Nghị quyết số 138/NQ-HĐNN7 ngày 17/2/1982 và là cơ sở pháp lý rất quan trọng ghi nhận sự chuyển tiếp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của ngành Kiểm sát nhân dân từ hệ trung cấp Kiểm sát nâng lên hệ cao đẳng Kiểm sát, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hoá cán bộ theo quy định mới của Quy chế ngạch Kiểm sát viên năm 1982. 

Từ đó, Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội được chính thức đưa vào danh mục các trường đại học, cao đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân trong cả nước.

Ngày 25/11/2005, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 76/2005/QĐ-TCCB về việc chuyển Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội thành Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát để làm nhiệm vụ đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho cán bộ trong Ngành.

Tới ngày 27/12/2012, Bộ Chính trị đã có Thông báo kết luận số 116/TB-TW đồng ý chủ trương cho ngành Kiểm sát nhân dân được đào tạo tình độ đại học, sau đại học chuyên ngành và đào tạo Kiểm sát viên để chủ động tạo nguồn nhân lực cho ngành Kiểm sát.

Ngày 25/5/2013, VKSND tối cao tổ chức Lễ công bố Quyết định số 614/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. 

Như vậy, tới nay,quá trình xây dựng và phát triển của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có các giai đoạn: Trường Bổ túc và Đào tạo cán bộ Kiểm sát (1970-1981); Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội (1981-2005); Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát (2005-2013) và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội (2013 đến nay 2023  là vừa tròn 10 năm). 

Nhà trường đã đạt được những kết quả nổi bật với những dấu ấn quan trọng. Nhà trường đã mở ngành đào tạo ngành luật, tuyển sinh 10 khóa hệ đại học chính quy ngành Luật chuyên ngành Kiểm sát và 3 hệ đại học chính quy ngành Luật chuyên ngành Luật Thương mại; mở ngành đào tạo Thạc sĩ Luật hình sự và tố tụng hình sự; trình Bộ Giáo dục và Đào tạo hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ Luật Hình sự và tố tụng hình sự; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ kiểm sát đạt nhiều kết quả tích cực; thành lập Trung tâm Tin học.

Về đào tạo đại học, sau đại học, từ năm 2013 đến nay, Trường đã tuyển sinh 10 khóa hệ đại học với 2 chuyên ngành Kiểm sát và chuyên ngành Luật Thương mại, đào tạo cho Bộ Quốc phòng 52 sinh viên, có 6 khóa sinh viên đã tốt nghiệp, đã cung cấp cho ngành Kiểm sát và xã hội 1.918 Cử nhân luật, trong đó đã có gần 700 cử nhân luật đã làm trong ngành Kiểm sát. 

Thời gian tới, Nhà trường nghiên cứu mô hình đào tạo từ xa E-learning cho phù hợp với các đối tượng là người học đang đi làm có thể dễ dàng tham gia học tập.

10 năm và nhiều thành tựu

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã gửi gắm nhiều chia sẻ tới tập thể đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, học viên, sinh viên... của Trường.

Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ rằng, Viện trưởng rất ấn tượng với sự chuẩn bị công phu, chu đáo cho sự kiện này của Nhà trường.

"Từ những tiết mục tự biên và tự diễn nhưng thầy cô, sinh viên Nhà trường đã trình diễn rất tự tin, tâm huyết cho thấy sức trẻ, khát khao cống hiến trong giảng dạy, học tập. Tôi rất ấn tượng" - Viện trưởng Lê Minh Trí.

Ấn tượng 53 năm Ngày truyền thống, 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - Ảnh 3.

Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Ngọc Thọ

Viện trưởng Lê Minh Trí cũng gửi gắm tới thế hệ học viên, sinh viên Nhà trường rằng "Nghe xong phát biểu của một sinh viên khóa 10 của Trường. Viện trưởng thấy toát lên sự tự tin, lưu loát. Trường Đại học Kiểm sát là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng nhiều cán bộ trong đó không ít cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các bạn trẻ ngồi đây hôm nay hãy ước mơ và thực hiện ước mơ sớm qua việc học tập, nghiên cứu và ứng dụng khi ra công tác một cách nghiêm túc, thành công sẽ tới nhanh, bền vững". 

Theo đó, ngành Kiểm sát nhân dân là Ngành đặc thù, do đó Nhà trường cần xác định mục tiêu của công tác đào, bồi dưỡng đó là phải đào tạo được đội ngũ Kiểm sát viên chất lượng cho Ngành. Đội ngũ Kiểm sát viên phải là những người có kiến thức, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".

Bên cạnh đó, Nhà trường cần quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế Nhà trường. Bởi thực tế cho thấy, những em vào đứng vào hàng ngũ Đảng từ trong nhà trường khi ra công tác có phát triển tốt.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đề nghị nhà trường cần nghiên cứu, mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng, trong đó tăng cường hợp tác với các nước có nhiều nét tương đồng, có nền công tố, tư pháp mạnh như Liên bang Nga… 

Ấn tượng 53 năm Ngày truyền thống, 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - Ảnh 4.

Giấy khen cho các tập thể đạt thành tích tốt.

Gửi gắm những chia sẻ qua video được phát ngay tại Lễ kỷ niệm, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trần Quốc Vượng nói, ông có 5 năm gắn bó với trường và sự phát triển trong quá trình công tác sau này là nhờ những tri thức, công lao của thế hệ thầy cô của Nhà trường truyền thụ. Đó là tình cảm rất thiêng liêng mà cá nhân ông sẽ không quên.

Ấn tượng 53 năm Ngày truyền thống, 10 năm Ngày thành lập Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội - Ảnh 5.

Lễ kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập (25/4/2013-25/4/2023) và 53 năm Ngày truyền thống (25/4/1970-25/4/2023) của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội với kịch bản chuẩn bị tỉ mỉ, kỹ lưỡng. Ảnh: Ngọc Thọ

Nhà báo Ngọc Thọ - Đại diện lớp Cao học K4 Luật Hình sự và Tố tụng Hình sự theo định hướng ứng dụng (hướng ứng dụng vào công tác xây dựng, thực hiện pháp luật trong thực tế đời sống xã hội) gửi lời chúc mừng và tri ân sâu sắc tới Ban giám hiệu Nhà trường, lãnh đạo các đơn vị, phòng, khoa, trung tâm, thầy cô giáo đã tạo nên một môi trường học tập thực sự chuyên nghiệp, văn minh, kỷ luật, thân thiện... cho các học viên.

Từ năm 2019 đến nay, trường đã tuyển sinh đào tạo trình độ thạc sĩ Luật hình sự và tố tụng hình sự được 4 khóa, chuẩn bị tuyển sinh khóa 5, học viên thạc sĩ khóa 1, 2, 3 và 4 chủ yếu là cán bộ đang công tác tại các Viện kiểm sát, Tòa án, Công an các cấp, các văn phòng Luật sư…

PV