Clip: Yên Châu tận dụng tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế
Đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế
Yên Châu là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, nằm trên trục Quốc lộ 6, cách Hà nội 240 km theo hướng Tây Bắc, cách thành phố Sơn La 64 km về phía Đông, là khu vực đệm giữa 2 cao nguyên Nà Sản và cao nguyên Mộc Châu; Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 85 nghìn ha, với 15 xã, thị trấn, 169 bản, tiểu khu, với dân số 84.118 người. Trong đó có 5 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, gồm dân tộc Thái, Kinh, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn huyện.
Huyện Yên Châu có trên 56km đường biên giới tiếp giáp với huyện Xiềng Khọ và huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, với 28 cột mốc giới. Với quyết tâm phát huy lợi thế, tiềm năng, huyện đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển văn hóa, xã hội, du lịch tạo chuyển biến, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống nhân dân.
Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết: Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Châu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; phát triển huyện Yên Châu theo hướng bền vững.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện, với tinh thần khẩn trương đưa nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện vào cuộc sống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Yên Châu đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, đề án và các Chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Yên Châu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo từng năm. Qua gần 3 năm triển khai thực hiện các giải pháp cụ thể với quyết tâm cao cùng với những bước đi vững chắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và xây dựng đảng đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trên lĩnh vực kinh tế, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, phát triển trồng cây ăn quả, cây công nghiệp trên đất dốc, kết hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ. Đặc biệt là việc chuyển đổi diện tích trồng cây hàng năm trên nương sang trồng cây ăn quả được đẩy mạnh.
Nhờ đó đến nay trên địa bàn huyện Yên Châu đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 11.554 ha cây ăn quả, với một số cây ăn quả chủ yếu: Xoài 3.283 ha, nhãn 2.828 ha, mận hậu 3.532 ha, chuối 803 ha, chanh leo 80 ha, cây ăn quả khác 1.028 ha; sản lượng quả mỗi năm trên 93.000 tấn, nhiều sản phẩm quả đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Trung quốc, Úc, Mỹ… và bán rộng rãi trên thị trường trong nước.
Đến nay toàn huyện đã có 816,9 ha diện tích cây trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gồm: 803,6 ha cây ăn quả; 13,3 ha rau; quản lý 36 mã số vùng trồng cho 670,7 ha diện tích cây ăn quả các loại. Bên cạnh đó, huyện đang tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền vận động nhân dân phát triển trồng mới thêm một số loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như Lê, Chanh leo, dâu tây, na sầu riêng.... Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt 58 triệu đồng.
Đến thăm mô hình trồng na sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn, bản Phương Quỳnh, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu (Sơn La) bắt đầu chuyển đổi từ năm 2022. Ông Sơn chia sẻ: Trước đây diện tích đất 8000m2 này của gia đình ông trồng toàn bộ na dai. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa cao và đầu ra chưa được ổn định. Qua tìm hiểu, thăm quan ở một số nơi, gia đình đã quyết định cắt ghép cải tạo toàn bộ diện tích na dai của gia đình bằng giống na sầu riêng. Vừa làm vừa đúc rút và học hỏi kinh nghiệm, sau hơn một năm cải tạo vụ na sầu riêng đầu tiên đã cho thu hoạch vơi hiệu quả kinh tế khá tốt.
"Qua thăm quan một số mô hình trồng na sầu riêng, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư mắt ghép và ghép chuyển đổi từ tháng 2/2022. Đến nay đã cho thu hoạch, gia đình cảm nhận cây na sầu này rất là phù hợp với thổ nhưỡng ở địa phương. Về chăm sóc thì na sầu này cũng giống như na dai, tuy nhiên na sầu này thì yêu cầu phân bón loại cao cấp hơn, để cho hiệu quả, chất lượng tốt hơn. Dự kiến mảnh đất này của tôi khoảng 8000m thôi nhưng dự kiến thu về khoảng 400 triệu", ông Sơn nói.
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghệ cao
Cùng với đó huyện Yên Châu phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và đạt được những kết quả quan trọng. Huyện đã tăng cường việc quảng bá, xây dựng thương hiệu, ký kết hợp đồng tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản, tuyên truyền cho các HTX, hộ sản xuất đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đầu tư vào chế biến sau thu hoạch nhằm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng vững chắc thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
Sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện nhà đã từng bước khẳng định những chủ trương, quyết sách, khâu đột phá của Đảng bộ huyện Yên Châu đã đề ra qua các kỳ đại hội là đúng đắn và phù hợp. Góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện từng bước phát triển vững chắc. Tính đến hết năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước địa phương của huyện ước đạt 901 tỷ 764 triệu đồng và bằng 130,12% so với Nghị quyết HĐND huyện. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 63 tỷ 712 triệu đồng.
Với mong muốn xây dựng Trà hoa đu đủ làm sản phẩm OCOP và được thị trường biết đến rộng rãi hơn nữa, đầu năm 2022, HTX Tuổi trẻ 26/3, (tiểu khu 4, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã đăng ký với UBND huyện Yên Châu hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các quy trình và được các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát, đánh giá tiềm năng, nguồn gốc sản phẩm chế biến hoa đu đủ; phối hợp hướng dẫn quy trình sản xuất; hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX Tuổi trẻ 26/3 chia sẻ: Cây đu đủ được trồng tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện, nhưng rải rác trong vườn, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và thường sử dụng hoa đu đủ tươi, phơi hoa khô, sao khô pha nước uống, hoặc dùng làm món ăn. Qua nghiên cứu về những tác dụng của hoa đu đủ trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Sản phẩm hoa đu đủ của HTX Tuổi trẻ 26/3 được sản xuất theo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Yên Châu, trong thời gian tới, Đảng bộ huyện Yên Châu tiếp tục mong muốn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng các sở, ban ngành để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung thực hiện các đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên; chăm lo phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; phòng, chống tham nhũng và lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội; chung sức, chung lòng xây dựng Đảng bộ huyện ngày càng trong sạch, vững mạnh, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.