dd/mm/yyyy

Sơn La: Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao thu nhập cho nông dân

Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, qua đó từng bước nâng cao thu nhập cho hội viên.

ClIP: Phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân

Nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Yên Châu là một huyện miền núi, biên giới của tỉnh Sơn La, đất sản xuất nông nghiệp: 35.164,82 ha, đất lâm nghiệp 44.105,17 ha. Toàn huyện có 10.721 hội viên nông dân sinh hoạt tại 169 chi hội thuộc 15 cơ sở hội, ngành nghề chủ yếu là sản xuất kinh doanh, nông, lâm nghiệp chiếm 88,8 %. Nhờ đặc điểm về thổ nhưỡng, khí hậu, những năm qua, huyện Yên Châu xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là trọng tâm nên đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tăng trưởng bền vững, đẩy mạnh phát triển hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, coi đây là một trong những khâu đột phá để nâng cao thu nhập bền vững cho người nông dân.

Đối với HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) được cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn Việt Gap, GlobalGAP từ năm 2017. Đến nay HTX đã có trên 80 ha cây xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Những năm qua, sản phẩm xoài của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường các nước Úc, New Zealand, Trung Quốc, Mỹ...

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, thông tin: HTX đang tiếp tục nhân rộng các mô hình để mở rộng diện tích được cấp mã vùng trồng. HTX đang liên kết, vận động các hộ dân tuân thủ trong các khâu chăm sóc, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc "4 đúng" cũng như của thị trường xuất khẩu và sử sử dụng các loại phân theo hướng hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng và bảo vệ môi trường.

Phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 2.

Diện tích cây ăn quả của HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, huyện Yên Châu (Sơn La) được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Văn Ngọc

Một trong những HTX đầu tiên được hỗ trợ thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng từ năm 2016, đến nay, HTX hoa quả Quyết Tâm, bản Hua Đán, xã Tú Nang có gần 200 ha xoài, nhãn được cấp mã số vùng trồng. HTX luôn tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất và được ghi lại đầy đủ, rõ ràng. Các thành viên HTX đã thay thế thuốc trừ sâu hóa học bằng các loại thuốc sinh học, sử dụng phân hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu các tác hại đến môi trường.

Từ khi được cấp mã số vùng trồng gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm xoài của HTX đã xuất khẩu thuận lợi sang nhiều thị trường các nước: Mỹ, Trung Quốc, Úc... Năm 2023, sản lượng nhãn, xoài để phục vụ xuất khẩu của HTX ước đạt khoảng 6.000 tấn quả.

Ông Dương Minh Hà, Giám đốc HTX hoa quả Quyết Tâm, cho biết: Từ khi được cấp mã vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chất lượng quả đẹp, giá trị được nâng cao gấp hơn 2 lần so với sản xuất truyền thống. Điển hình như, nhãn bán với giá từ 13-14 nghìn/kg, có thời điểm lên đến 26 nghìn/kg, giá trị tăng gấp 3 lần. HTX còn liên kết với 1.400 hộ trồng xoài, tiếp tục mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nga.

Phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 3.

Từ khi được cấp mã vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sản phẩm hoa quả của HTX hoa quả Quyết Tâm được thị trường đón nhận. Ảnh: Văn Ngọc

Phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao thu nhập cho hội viên

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Điên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Châu (Sơn La) cho biết:  Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy về chuyển đổi cây trồng hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng cây ăn quả trên đất dốc có giá trị kinh tế cao, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của huyện đạt trên 11.000 ha gồm các cây ăn quả chính như xoài, nhãn, chuối, mận hậu và một số cây ăn quả khác, phù hợp với danh mục phát triển cây ăn quả của tỉnh; sản lượng quả năm 2023 ước đạt 90.000 tấn, so với năm 2022 tăng khoảng 20.000 tấn.

Hội đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho hội viên, nông dân, HTX các văn bản pháp luật về công nghệ, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Năm 2022, huyện Yên Châu được Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La cấp quyền sử dụng nhãn hiệu gồm: Nhãn Sơn La, Bơ Sơn La, Xoài Sơn La cho 21 HTX trên địa bàn huyện. Đặc biệt, cuối năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xoài tròn Yên Châu, tỉnh Sơn La.

Phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 4.

Thời gian vừa qua, Hội Nông dân huyện Yên Châu triển khai nhiều mô hình, dự án hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện Yên Châu có trên 60 HTX, trong đó, 45 HTX trồng cây ăn quả, huyện xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ tiếp tục được phát triển trên diện rộng, ứng dụng rộng rãi cơ giới hóa trong sản xuất; phát triển các  chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VIETGAP); quản lý, bảo vệ, sử dụng có hiệu quả, mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu; có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Từ những lợi thế về sản xuất nông nghiệp của huyện, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền nông dân đầu tư thâm canh, áp dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị cây trồng. Tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng nhiều mô hình điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGap và liên kết sản xuất, với các giải pháp kỹ thuật của nông dân tự nghiên cứu được ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất và chăm sóc cây trồng hiệu quả

Ký kết nhận ủy thác với các ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp cho 3780 lượt hộ nông dân vay 253,121 tỷ đồng thông qua 123 tổ vay vốn, tổ tiết kiệm, đã tạo điều kiện cho nhiều hộ hội viên nông dân thoát nghèo. Đặc biệt, với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội đã đầu tư triển khai 18 dự án, 148 hộ vay, với số tiền 6.340 tỷ đồng, cho vay tại 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, chủ yếu cho vay các dự án trồng và chăm sóc cây ăn quả, chăn nuôi trâu bò sinh sản, hình thành các mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, phát huy được được hiệu quả nâng cao thu nhập cho nông dân. Do đó, đã nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác của nông dân huyện đạt 51 triệu đồng/ha năm 2022, tăng 5,5 triệu đồng so năm 2018.

Phát triển mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân - Ảnh 5.

Nhờ phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hội viên nông dân huyện Yên Châu ngày càng có thu nhập ổn định. Ảnh: Văn Ngọc

Hỗ trợ, hướng dẫn xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn đã nâng cao nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết giá trị bền vững. Phối hợp với các đơn vị tổ chức 513 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất cho nông dân cho 25.645 lượt hội viên nông dân.

"Từ huyện miền núi có diện tích đất nương đồi trồng ngô trên 70% diện tích đất trồng trọt, Yên Châu đã nhanh chóng trở thành một trong những vựa cây ăn quả  lớn của tỉnh Sơn La. Kết quả hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, giai đoạn 2018 - 2023 là 1.436 hộ (Trong đó: Cấp xã, thị trấn: 926 hộ, chiếm 68,09%; cấp huyện: 355 hộ, chiếm 23,33 %; cấp tỉnh: 133 hộ, chiếm 9,26 %; cấp Trung ương: 19 hộ, chiếm 1,32 %", ông Điện nói.

Với những việc làm cụ thể, Hội nông dân huyện Yên Châu đã góp phần vào phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc.

Văn Ngọc - Nguyễn Vinh