dd/mm/yyyy

Xuất khẩu tôm sang EU kỳ vọng tăng trưởng nhờ hiệp định EVFTA

Sau khi giảm liên tục từ tháng 3-6/2020, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam sang EU tháng 7 đã tăng nhẹ và sang tháng 8 tăng ở mức hai con số. Hiệp định EVFTA có hiệu lực mang đến hy vọng cho XK tôm sang thị trường này.

EU là thị trường lớn thứ 4 (sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc), chiếm 13,3% tổng giá trị của XK tôm Việt Nam. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK một số mặt hàng tôm Việt Nam sang EU từ mức 12%, 12,5% hay 20% xuống mức 0%; sau 5-7 năm, một số mặt hàng tôm khác có thuế suất 18% hay 20% sẽ về 0%.

Sau khi giảm liên tục từ tháng 3-6 năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 7 đạt 54,2 triệu USD (tăng 2% so với tháng 7/2019), nửa đầu tháng 8 đạt 29,4 triệu USD (tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019) và cả tháng 8 dự kiến tăng khoảng 20% so với cùng kỳ 2019.

Xuất khẩu tôm sang EU kỳ vọng tăng trưởng nhờ hiệp định EVFTA - Ảnh 1.

Chế biến tôm tại một doanh nghiệp ở ĐBSCL. Ảnh: TL

Tại thị trường EU, các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của tôm Việt Nam như Thái Lan không được hưởng ưu đãi nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ chịu thuế 4,2%; Indonesia chịu thuế 4,2% và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.

XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng mặc dù tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch COVID-19. Nhu cầu tôm tại lĩnh vực dịch vụ nhà hàng giảm nhưng nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà, tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền...

Theo tìm hiểu của PV, do ảnh hưởng trở lại của dịch COVID-19, giá tôm thương phẩm tại ĐBSCL tháng 8 giảm nhẹ so với tháng trước. Cụ thể như tại Bạc Liêu, tôm sú loại 20 con/kg còn 190.000 đồng(đ)/kg (giảm 20.000đ), cỡ 30 con/kg còn 160.000đ/kg (giảm 20.000đ), cỡ 40 con/kg giá 130.000đ/kg (giảm 10.000đ).

Tôm thẻ chân trắng cỡ 60 con/kg có giá 93.000đ/kg (giảm 7.000đ), cỡ 70 con/kg giá 87.000 đ/kg (giảm 3.000đ), cỡ 100 con/kg giá 78.000 đ/kg (giảm 7.000đ). Dự báo tình hình nuôi tôm từ nay đến cuối năm còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng về thời tiết, khí hậu, khả năng xâm nhập mặn tại ĐBSCL.

Theo VASEP, những năm gần đây, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến sản phẩm bền vững, khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng này càng rõ nét. Hiện nay hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu chứng nhận ASC nhưng hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam mới đạt khoảng 6% tổng diện tích nuôi.

Nguyên nhân do đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được. Để đón đầu được cái ưu đãi từ EVFTA, nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này.


Cảnh Kỳ