Xuất khẩu thủy sản tăng chậm lại trong tháng 6, nguy cơ suy giảm nửa cuối năm do áp lực thuế quan từ Mỹ

Lê Hằng (Vasep)

02/07/2025 10:43 GMT +7

Sau khi tăng mạnh trên 20% trong tháng 5, XK thủy sản trong tháng 6 vẫn cao hơn cùng kỳ nhưng mức tăng khiêm tốn chỉ còn 4%, đạt 876 triệu USD. Nguyên nhân là sự sụt giảm XK sang thị trường Mỹ, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 891 triệu USD, vẫn tăng 16% nhờ đợt “tăng tốc” giao hàng trước mốc 9/7 – thời điểm Hoa Kỳ áp dụng thuế đối ứng mới. Tuy nhiên, từ tháng 6, nhiều doanh nghiệp đã chủ động dừng xuất khẩu sang Mỹ để tránh rủi ro bị đánh thuế cao.

Ở chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong tháng 6, tăng từ 15% đến gần 28%. Trong khi đó, xuất khẩu sang EU chững lại, giảm nhẹ 1%, trong khi khu vực Trung Đông giảm mạnh 16% do ảnh hưởng của chiến sự. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Israel – thị trường tiêu thụ lớn cá ngừ hộp – giảm hơn 50%.

Về mặt hàng, cá ngừ là nhóm sụt giảm mạnh nhất trong tháng 6, giảm hơn 31% so với cùng kỳ, chủ yếu do ảnh hưởng thuế quan từ Hoa Kỳ – thị trường chiếm tỷ trọng lớn. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu cá ngừ giảm gần 2%. Trong khi đó, tôm và cá tra tăng trưởng chậm lại, do cũng bị ảnh hưởng từ chính sách thuế của Mỹ. Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu tôm đạt 2,07 tỷ USD (tăng 26%), cá tra đạt 1 tỷ USD (tăng 10%).

Tuy nhiên, triển vọng nửa cuối năm 2025 đối với hai ngành hàng chủ lực này phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Đặc biệt, tôm có nguy cơ đối mặt với “thuế chồng thuế” gồm thuế đối ứng, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Ngành cá tra có phần lạc quan hơn khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả cuối cùng kỳ rà soát POR20, với 7 doanh nghiệp Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0%. Nếu mức thuế đối ứng sắp tới được kiểm soát tốt, đây có thể là cơ hội để cá tra Việt Nam bứt phá.

Kịch bản dự báo nửa cuối năm:

Trong kịch bản xấu nhất, cạnh tranh từ các quốc gia có thuế thấp hơn như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia sẽ trở nên gay gắt hơn. Cơ hội sẽ dịch chuyển sang các thị trường trung lập như Nhật Bản, EU và ASEAN, nhưng khả năng bù đắp là có hạn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng toàn cầu chưa phục hồi mạnh.

Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt... không chịu thuế VAT từ 1/7

Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt... không chịu thuế VAT từ 1/7

Chính phủ ban hành Nghị định số 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT), trong đó hướng dẫn cụ thể về các đối tượng không chịu thuế VAT, có hiệu lực từ 1/7.

Giảm nghèo ở Quảng Nam: Khi “cần câu” trao đúng người đã kích thích tinh thần vươn lên của người dân

Giảm nghèo ở Quảng Nam: Khi “cần câu” trao đúng người đã kích thích tinh thần vươn lên của người dân

Những năm qua, từ việc trao "cần câu" sinh kế đến đúng đối tượng thụ hưởng đã giúp huyện miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (nay sắp xếp thành các xã Hiệp Đức, Việt An, Phước Trà, TP.Đà Nẵng) ghi dấu ấn trong công cuộc giảm nghèo.