Giảm nghèo ở Quảng Nam: Khi “cần câu” trao đúng người đã kích thích tinh thần vươn lên của người dân

Trần Hậu - Đoàn Hồng

02/07/2025 08:51 GMT +7

Những năm qua, từ việc trao "cần câu" sinh kế đến đúng đối tượng thụ hưởng đã giúp huyện miền núi Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam (nay sắp xếp thành các xã Hiệp Đức, Việt An, Phước Trà, TP.Đà Nẵng) ghi dấu ấn trong công cuộc giảm nghèo.

Xác định giảm nghèo bền vững là một nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2021-2024, huyện Hiệp Đức (tỉnh Quảng Nam cũ, nay sắp xếp thành các xã Hiệp Đức, Việt An, Phước Trà, TP.Đà Nẵng) phấn đấu giảm 559 hộ nghèo, giảm 3,75% so với đầu kỳ. Phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 5% theo Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Hình thức hỗ trợ giảm nghèo phong phú

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hiệp Đức (cũ) cho biết: “Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước. Trong giai đoạn 2021-2025, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt, chủ động, có trọng tâm trọng điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự đoàn kết, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đã thu được những kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,83% (đầu năm 2021), xuống còn 5,08% (cuối năm 2024). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,88% so với đầu kỳ.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp (bên trái) – Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hiệp Đức (cũ) trao đổi với PV. Dân Việt. Ảnh:

Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đóng góp tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo, đời sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đặc biệt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên”.

Tổng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2024 trên địa bàn huyện Hiệp Đức là 15.613 triệu đồng, đã giải ngân đạt tỷ lệ 90,7%. Từ nguồn vốn này, địa phương đã triển khai 4 dự án với 8 tiểu dự án thành phần gồm: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.

Nhờ những cách làm hay, sáng tạo trong công cuộc giảm nghèo của địa phương đã giúp cho đời sống người dân Hiệp Đức khá giả hẳn lên. Ảnh: T.H.

Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2021-2024 huyện đã thực hiện 11 dự án liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn các xã, thị trấn (nuôi bò nái sinh sản, heo sinh sản, gà mía lai) với 115 hộ (40 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo, 21 hộ mới thoát nghèo, 25 người khuyết tật, 3 hộ dân tộc thiểu số) với tổng kinh phí 4.593 triệu đồng.

Các dự án bước đầu đã tạo ra sản phẩm liên kết như bê con, heo con... giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, người khuyết tật tham gia phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết nhằm tạo ra giá thành sản phẩm ổn định, nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong chăn nuôi, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm thiểu mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp Đức còn thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội như: hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh nghèo theo quy định; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 24.312 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ sống vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.018 nhà cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ khó khăn; giải quyết 17.065 hồ sơ đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng, hộ gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng và chi trả mai táng phí; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 77,42%; số lao động có việc làm tăng 0,5%....

Anh Nguyễn Đức Thanh (xã Phước Trà, TP.Đà Nẵng) là người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong làm kinh tế giỏi khiến ai cũng ngưỡng mộ. Ảnh: T.H.

Đặc biệt, địa phương triển khai cho 4.613 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm. Từ đó đã làm thay đổi tư duy nhận thức làm kinh tế của nhân dân, nhiều hộ vay vốn đã vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu và trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi.

Ông Nghiệp nhận định, nhìn chung công tác triển khai và tổ chức thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Hiệp Đức đem hiệu quả tích cực, người dân được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, trực tiếp tham gia vào các hoạt động sản xuất, tạo việc làm và vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Cần câu” trao đúng đối tượng thụ hưởng

Tiêu biểu trong số hàng nghìn hộ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chính sách giảm nghèo phải kể đến anh Nguyễn Đức Thanh ở xã Phước Trà.

Hiện anh Thanh giữ vai trò làm Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp đan chổi đót. Ảnh: T.H.

Đến thăm gia đình anh Thanh, được anh cho biết: Là người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong, sinh ra trong một gia đình còn nhiều khó khăn, nghèo đói bủa vây. Năm 2015, địa phương có cơ chế chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, anh Thanh đã nắm bắt cơ hội để phát triển kinh tế. Anh mạnh dạn vay vốn để mua những mảnh vườn keo non, rồi khai hoang thêm đất để trồng keo nguyên liệu, nuôi bò, nuôi thêm heo đen bản địa.

Nhờ sự cần cù và siêng năng, lại chủ động tìm tòi, học hỏi kiến thức mới, áp dụng kỹ thuật sản xuất hiện đại, các mô hình kinh tế của gia đình anh dần phát triển ổn định. Cũng từ đó, gia đình anh khấm khá hơn, thoát khỏi hộ nghèo và anh có mức thu nhập hàng năm trên 100 triệu đồng.

Ngoài làm kinh tế giỏi, anh Thanh còn giữ vai trò làm chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp đan chổi đót với hơn 20 thành viên tham gia.

Theo anh Thanh, tuy chi hội mới hoạt động, nhưng anh đã vận động các thành viên trong mô hình tham gia làm ra hơn 100 chiếc chổi đót mỗi ngày. Chổi làm ra được các thương lái thu mua với giá dao động từ 30.000-35.000 đồng/chiếc.

Hoạt động từ Chi hội đan chổi đót giúp tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động trên địa bàn xã, người dân có nguồn thu nhập khá để cải thiện đời sống.

Đến cuối năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Hiệp Đức (cũ) còn 5,08%. Ảnh: T.H.

Từ sự năng nổ, nhiệt tình của một người đảng viên trong các hoạt động xã hội, anh Thanh được bà con nhân dân tín nhiệm, bầu làm Chi hội trưởng Chi Hội Nông dân, rồi tiếp tục được bầu làm Trưởng thôn Trà Hân.

Dù ở cương vị nào, anh cũng đều cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Đặc biệt, với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, anh Thanh luôn quan tâm, động viên và tạo điều kiện để họ đầu tư phát triển sản xuất. Anh sẵn lòng chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm hay trong trồng trọt, chăn nuôi, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng.

Buổi bàn giao bò nái sinh sản tại thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H.

Được biết, tại Hiệp Đức có hàng nghìn hộ gia đình như anh Thanh được nhận sự hỗ trợ của Nhà nước, khi được trao “cần câu” đã tiếp thêm động lực để họ phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập.

“Thời gian tới, Hiệp Đức đặt mục tiêu tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tự lực vươn lên phát triển kinh tế, có việc làm, tăng thu nhập, thụ hưởng các chính sách, tạo công bằng xã hội; không để tái nghèo, tái cận nghèo. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng dân cư trên địa bàn huyện. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3,5% vào năm 2030 theo chuẩn nghèo đa chiều....”, ông Nguyễn Tấn Nghiệp nói.

Hợp tác xã nông nghiệp mở hướng sinh kế giảm nghèo cho nông dân ở Quảng Bình

Hợp tác xã nông nghiệp mở hướng sinh kế giảm nghèo cho nông dân ở Quảng Bình

Trong hành trình phát triển nông nghiệp bền vững và giảm nghèo tại Quảng Bình, các hợp tác xã nông nghiệp đã chứng minh vai trò quan trọng, không chỉ trong việc nâng cao thu nhập cho người dân mà còn trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế địa phương vững mạnh.

Bắc Kạn: Huyện Na Rì đào tạo nghề trồng rau cho phụ nữ, đây là một cách giảm nghèo khác

Bắc Kạn: Huyện Na Rì đào tạo nghề trồng rau cho phụ nữ, đây là một cách giảm nghèo khác

Tại huyện miền núi Na Rì (tỉnh Bắc Kạn), Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Na Rì phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề trồng rau quả ngắn hạn cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Đây là một trong những hoạt động cụ thể của Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2025.

Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng CSXH T.Ư, nhiệm kỳ 2025–2030: Khẳng định vai trò 'trụ cột' giảm nghèo, đề ra mục tiêu cho giai đoạn mới

Đại hội đại biểu Đảng bộ Ngân hàng CSXH T.Ư, nhiệm kỳ 2025–2030: Khẳng định vai trò "trụ cột" giảm nghèo, đề ra mục tiêu cho giai đoạn mới

Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, sáng 16/6, Đảng bộ Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương (Ngân hàng CSXH TW) trọng thể tổ chức khai mạc phiên chính thức Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2025 - 2030, với sự tham dự của 150 đại biểu đại diện cho trí tuệ, sự thống nhất ý chí và sức mạnh đoàn kết của 605 đảng viên.

Lào Cai: Hiệu quả giảm nghèo đa chiều từ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Lào Cai: Hiệu quả giảm nghèo đa chiều từ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Thời gian qua, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần thay đổi diện mạo sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững.

Hiệu quả giảm nghèo từ mô hình cấp bò giống ở xã Quang Trung (Bắc Giang): Hy vọng sinh sôi từ chuồng nhỏ

Hiệu quả giảm nghèo từ mô hình cấp bò giống ở xã Quang Trung (Bắc Giang): Hy vọng sinh sôi từ chuồng nhỏ

Chương trình tặng bò cái sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo tại xã Quang Trung (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Không chỉ mang lại sinh kế ổn định ban đầu cho người dân, mô hình còn tạo ra sự gắn kết cộng đồng và niềm tin vào tương lai thoát nghèo bền vững.