Thứ Sáu, ngày 10/01/2025 11:23 PM (GMT+7)
Xuất khẩu gạo lần đầu tiên vượt 5 tỷ USD, năm 2024 có thể đạt kỷ lục 9 triệu tấn
2024-12-08 21:34:00
11 tháng, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt gần 8,5 triệu tấn, các chuyên gia cho rằng năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam có thể đạt kỷ lục với 9 triệu tấn. Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo Việt Nam tin tưởng xuất khẩu gạo sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo tháng 11 ước đạt 700.000 tấn với 444,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 11 tháng đạt gần 8,5 triệu tấn với 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là sản lượng và giá trị lúa gạo xuất khẩu lần đầu tiên ngành nông nghiệp có được.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 46,1%. Indonesia và Malaysia là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,5% và 8,2%.
Trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,2 lần; thị trường có giá trị xuất khẩu giảm mạnh nhất là Trung Quốc với mức giảm 71,3%. Như vậy, sau khi đạt kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay tiếp tục tăng mạnh và đã vượt mốc 5 tỷ USD, đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo Việt Nam vượt mốc 5 tỷ USD trong một năm.
Xuất khẩu gạo Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD, chủ yếu nhờ giá xuất khẩu tăng cao. Tính chung trong 3 quý đầu năm, giá gạo xuất khẩu bình quân 626 USD/tấn, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng với mức tăng 74 USD/tấn.
Đến nay, diện tích lúa cả nước đã thu hoạch đạt 6.853.800 ha, bằng 100,1% so với cùng kỳ. Sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, năm 2024, sản xuất lúa cả nước sẽ đạt trên 43 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu đa dạng cho thị trường trong nước về làm giống, chế biến, dữ trữ và an ninh lương thực thế giới.
Với những tiền đề trên cùng với cơ hội trong xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, Việt Nam có thể xuất khẩu được 9 triệu tấn gạo năm 2024. Đây là kết quả của một quá trình dài ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương bền bỉ thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, tiến tới giảm phát thải bằng Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai mạnh mẽ ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cho đến thời điểm này, 95% giống lúa của Việt Nam là các giống lúa chất lượng cao, 89% sản lượng gạo là gạo chất lượng cao. Nếu Việt Nam thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, chắc chắn giá trị của ngành hàng lúa gạo còn tăng cao hơn nữa.
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần này tăng ở một vài loại. Giá lúa neo ở mức cao đang là động lực tốt để nông dân xuống sớm vụ Đông Xuân 2024-2025 cũng như để né hạn mặn.
Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 8.600 – 8.800 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 9.000 – 9.100 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg và OM 18 (tươi) cũng từ 9.000 – 9.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 16.000 - 17.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…
Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 10.200 - 10.300 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 bình ổn 12.300 - 12.400 đồng/kg.
Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.800 - 9.400 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm ở mức 9.000 - 9.100 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.900 - 6.050 đồng/kg.
Nhiều dự báo quốc tế cũng như phân tích của các chuyên gia kinh tế, khả năng, xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ không còn thuận lợi như năm nay. Bởi nguồn cung xuất khẩu gạo toàn cầu sẽ tăng mạnh, vượt mức 56.300.000 tấn do nhiều quốc gia đang nổ lực mở rộng sản xuất, tự chủ nguồn cung lương thực; đồng thời nước xuất khẩu gạo lớn Ấn Độ mở cửa cung hàng trở lại. Dù vậy, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn tin tưởng xuất khẩu gạo sẽ còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 517 USD/tấn, giảm so với mức 520 USD/tấn vào tuần trước.
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ giảm trong tuần qua do đồng rupee thấp kỷ lục. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá từ 444 - 450 USD/tấn trong tuần này, so với mức từ 445 - 453 USD/tấn của tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 450 - 458 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan vẫn ở mức 510 USD/tấn như tuần trước, dự báo giá có thể giảm do hoạt động xuất khẩu của Ấn Độ tăng.
- Tham khảo thêm