Thứ Năm, ngày 16/01/2025 11:37 AM (GMT+7)
Xây dựng sản phẩm OCOP, giải pháp nâng tầm giá trị cho nông sản Lai Châu
2025-01-10 16:20:35
Có sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền, nhiều chủ thể có sản phẩm tiềm năng ở huyện Tân Uyên (Lai Châu) đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP; đây là một trong nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị cho nông sản của huyện Tân Uyên.
Đến nay huyện Tân Uyên, Lai Châu đã có 25 sản phẩm OCOP được chứng nhận, trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm đa dạng thể hiện thế mạnh, đặc trưng của địa phương.
Nâng cao giá trị nông sản
Huyện Tân Uyên là địa phương có tổng đàn gia súc tăng trưởng nhanh, mạnh so với các địa phương khác trong tỉnh Lai Châu, đặc biệt là đàn đại gia súc với tốc độ tăng trưởng hàng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng đàn gia súc của huyện đạt 7,24%/5,68% (vượt 1,38% so với kế hoạch), riêng đàn trâu có tới 19.179 con. Đây là nguồn đáp ứng một phần sức kéo, đồng thời là nguồn thực phẩm dồi dào, đảm bảo chất lượng để các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP từ thịt trâu các loại: thịt sấy, thịt gác bếp, thịt tươi làm nguyên liệu cung cấp cho các chủ thể OCOP khác trong toàn tỉnh.
Chủ thể Hà Phớ (bản Tạng Đán, xã Thân Thuộc) là một ví dụ điển hình. Kinh doanh các sản phẩm thịt trâu và nhiều sản phẩm từ rừng đã nhiều năm nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, được sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền và các cơ quan chuyên môn huyện, gia đình chị Hà Thị Phớ mới có động lực để xây dựng sản phẩm OCOP. Bởi chất lượng sản phẩm là một chuyện, nhưng quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được công nhận là cả vấn đề. Tuy nhiên, được sự đồng hành tích cực của xã, huyện, năm 2024, sản phẩm thịt trâu gác bếp, thịt ba chỉ lợn đen gác bếp Hà Phớ được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Hiện nay, ngoài duy trì chế biến sản phẩm OCOP, gia đình chị Hà Thị Phớ còn có các sản phẩm khác như: thịt lợn sấy, thịt trâu sấy, lạp xườn, ba chỉ hun khói, vai sấy… cung ứng ra thị trường. Nguồn nguyên liệu được gia đình chị Phớ đến tận các bản xa để chọn mua đảm bảo theo đúng yêu cầu chất lượng mới đưa về chế biến. Bởi vậy, ngoài phục vụ chế biến tại cơ sở, chị còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều cơ sở OCOP khác ở các huyện và thành phố Lai Châu. Trung bình 1 tuần cơ sở của chị sản xuất 3 mẻ thịt sấy (tương đương 3 tạ thịt trâu, lợn tươi). Những sản phẩm do gia đình kinh doanh được chủ thể quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh quá trình tiêu thụ.
Ngoài chủ thể Hà Phớ chuyên các sản phẩm thịt, còn có chủ thể khác như: Xúc xích, thịt trâu sấy, thịt lợn sấy, gà ủ thảo mộc, lạp xườn đều mang nhãn hiệu chủ thể Nhiễu Kiên (thị trấn Tân Uyên). Các nông sản: gạo nếp Khẩu Hốc, nếp tan Co Giàng, gạo Khẩu Ký; măng tây, cà chua, nhân hạt mắc ca với quy trình sản xuất công phu, chất lượng cũng đã trở thành những sản phẩm OCOP mang đặc trưng Tân Uyên. Tân Uyên còn là vùng đất của chè, quế, do đó không thể vắng bóng những sản phẩm này, trong đó sản phẩm trà Shan Tuyết Than Uyên của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Còn có một sản phẩm đặc sản nữa: Địa lan kiếm trần mộng trên đỉnh Hô Tra của xã Mường Khoa cũng vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao mang đặc trưng của vùng đất lạnh trên núi với độ cao 1.600m so với mực nước biển.
Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử
Đến nay toàn huyện đã có 25 sản phẩm được công nhận OCCP. Các sản phẩm tiếp tục được duy trì và nâng cấp, đảm bảo an toàn theo quy định hiện hành. Việc đưa các nông sản lên sàn thương mại điện tử luôn được lãnh đạo UBND huyện Than Uyên quan tâm chỉ đạo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Tân Uyên, tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nói chung và đoàn viên thanh niên nói riêng. Tăng cường đẩy mạnh việc tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, đến nay huyện đã duy trì 5 sản phẩm OCOP (gồm: gạo Khẩu Ký, gạo Sén Cù, nếp tan Co Giàng, chè Shan Tuyết, chè Kim Tuyên) tham gia 2 sàn thương mại điện tử PostMart.vn và VoSo.vn để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của huyện Tân Uyên. Huyện cũng đăng ký cho các chủ thể tham gia tập huấn giới thiệu cổng thông tin thương mại điện tử http://ketnoiocop.vn;...
Huyện cũng giao cơ quan chuyên môn hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu các sản phẩm OCOP và tham gia các hội chợ, sự kiện trong và ngoài tỉnh.
Thông qua hoạt động của các sự kiện đã giới thiệu, quảng bá, kết nối giữa các sản phẩm nông sản, OCOP của huyện đến người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tìm kiếm đối tác hợp tác liên doanh liên kết phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ với phóng viên, ông Chu Văn Thanh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên (Lai Châu) cho hay: Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận tiếp tục duy trì đạt sản lượng, mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãnmác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Việc tiêu thụ cũng tốt hơn, doanh thu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân sản xuất kinh doanh tăng 5% - 10% so với trước khi được chứng nhận OCOP. Một số sản phẩm bảo quản được thì mùa nào cũng có, những sản phẩm phụ thuộc mùa vụ hoặc bảo quản đông lạnh thì không thể duy trì quanh năm.
Doanh số tăng đã làm gia tăng giá trị, sản lượng sản phẩm và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác được những giá trị tiềm năng, lợi thế của các địa phương tạo ra nhiều sản phẩm đảm bảo về chất lượng, tăng thu nhập cho người lao động và phát triển vùng nguyên liệu, hình thành cácvùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Nhìn lại những sản phẩm OCOP của huyện Tân Uyên có thể thấy các chủ thể đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh vùng nguyên liệu, từ đó cho thấy lợi thế, cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên. Góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Người đưa thương hiệu Trà và Cao Cà gai leo thành sản phẩm OCOP đầu tiên của Nậm Nhùn
Anh Nguyễn Cao Trường sau những chuyến "công du" nhiều địa phương tìm hiểu về cây Cà gai leo; trở về huyện Nậm Nhùn, Lai Châu anh tận dụng đất để trống gieo trồng, với sự giúp đỡ của chính quyền huyện anh thành lập hợp tác xã, vận động người dân tham gia, từ đó anh thành công đưa Cà gai leo thành sản phẩm OCOP