Nông dân xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) tập chung phát triển kinh tế.
Diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay
Những ngày này đến các bản, tiểu khu của xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) ta dễ dàng nhận thấy sự đổi thay từ việc xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang; khu trung tâm với nhiều hàng quán, các cơ sở kinh doanh sầm uất; nhiều hộ gia đình đã đẩy mạnh phát triển cây ăn quả phục vụ xuất khẩu, hình thành những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đêm nay, những khu dân cư kiểu mẫu đang dần được hình thành, tạo điểm nhấn cho diện mạo của xã Mường Bú.
Nhận thấy nơi mình sống có nhiều nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc, gia đình ông Lò Văn Toán, bản Mường Bú, xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La) đa đầu tư mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Ông Toán chia sẻ: Được các cấp của bản, của xã vận động tuyên truyền, năm 2015, với số vốn tích góp của gia đình và vay mượn thêm từ họ hàng, gia đình ông Toán đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua bò giống về nuôi. Sau hơn 8 tháng nuôi, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn bò của gia đình ông khỏe mạnh, lớn nhanh, thịt săn chắc, bán được giá cao.
Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình ông Toán đã chuyển đổi gần 1 ha đất ruộng sang trồng cỏ voi và cây chuối. Đây cũng là nguồn thức ăn chính cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đàn bò. Ngoài ra, để tăng cường lượng thức ăn cho đàn bò, ông đã đi thu mua ngọn mía, rơm của các hộ khác về ủ làm thức ăn dự trữ để bò ăn dần.
"Với kỹ thuật nuôi bò vỗ béo khoa học, đàn bò của gia đình ông tôi lớn nhanh, cho năng suất cao và bán được giá, có con bán với giá trên 20 triệu đồng. Một năm, gia đình tôi bán bò thành 2 đợt, mỗi đợt bán từ 6-7 con bò đã vỗ béo. Gia đình tôi thu lãi hơn 100 triệu đồng", ông Toán nói
Bản Văn Minh là bản vùng I thuộc xã Mường Bú (Mường La, Sơn La). Với diện tích tự nhiên trên 47ha, tổng số 131 hộ với 481 nhân khẩu, có các dân tộc cùng sinh sống gồm dân tộc Thái, Kinh, Mông... Nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, kinh doanh. Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, năm 2022, BCĐ xây dựng nông thôn mới xã đã thành lập tổ công tác kiểm tra, hướng dẫn Ban phát triển bản thực hiện tốt nhiệm vụ, tuyên truyền vận động bà con nhân dân hoàn thành 16 tiêu chí, 44 chỉ tiêu bản nông thôn mới và 05 tiêu chí bản Nông thôn mới kiểu mẫu thuộc Bộ tiêu chí Bản, Tiểu khu Nông thôn mới tỉnh Sơn La.
Ông Đăng Văn Lâm, Trưởng bản Văn Minh, xã Mường Bú (Mường La, Sơn La) cho biết: Kết quả xây dựng nông thôn mới đã huy động nguồn lực xây dựng với tổng kinh phí đã thực hiện: 1.750.330.000triệu đồng, trong đó. Ngân sách cấp trên hỗ trợ : 426.540.000 triệu đồng.Chiếm 24,36 %. HTX, Doanh nghiệp đóng góp: 116.220.000 triệu đồng. Chiếm 0,66%. Nhân dân đóng góp: 1.207.570.000 triệu đồng, chiếm 74,98 %.
Bên cạnh đó, Chi ủy, chi bộ bản đã tập trung lãnh đạo công tác tuyên truyền vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của bản. Năm 2022, nhân dân đã cải tạo được trên 20 ha các loại cây ăn quả. Xác định chăn nuôi là mục tiêu phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, các hộ gia đình đã đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc với tổng đàn bò trên 27 con, đàn lợn trên 170. Thu nhập bình quân đầu người tăng cao hơn đạt 62 triệu đồng/người/năm. Không có hộ nghèo trên địa bàn bản. Hiện nay bản không còn có nhà tạm, dột nát nhân dân tự chỉnh trang nhà cửa khang trang sạch đẹp, tỷ lệ hộ có nhà bền vững là 100%.
Đời sống người dân nông thôn ngày được nâng cao
Ông Cà Văn Dọn, Chủ tịch UBND xã Mường Bú, huyện Mường La (Sơn La), cho biết: Xã Mường Bú đang có 130km/149 km đường từ trung tâm xã, nội bản, liên bản và nội đồng đã được đổ bê tông; 3/3 trường học đạt chuẩn quốc gia; 26/26 bản, tiểu khu có nhà văn hóa; 100% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.
Thực hiện các tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, vận động nhân dân phát triển kinh tế từ phát huy lợi thế phát triển thương mại, dịch vụ; tỷ lệ thương mại, dịch vụ chiếm hơn 10% cơ cấu kinh tế; phát triển chăn nuôi làm hàng hóa, trồng cây ăn quả, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện, xã đang được triển khai dự án lát vỉa hè trung tâm xã Mường Bú với chiều dài 2 km với tổng mức đầu tư là 5,8 tỷ đồng, góp phần tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn đạt 1.600 ha, sản lượng đạt trên 11.500 tấn quả/năm. Có 8 HTX trồng cây ăn quả thực hiện bao tiêu sản phẩm nông sản cho nhân dân và từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trên địa bàn xã còn có 4 doanh nghiệp xây dựng, 77 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn và nhân dân các vùng lân cận, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, xã có gần 1.000 lao động đi làm ngoài tỉnh, mức thu nhập 6-10 triệu đồng/tháng. Đời sống người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập đạt bình quân 38 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,6%.
Bên cạnh đó, xã vận động xã hội hóa từ các cơ quan đơn vị trường học, doanh nghiệp hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, vận động tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm y tế, nâng tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hơn 90%. Tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, tăng tỷ trọng trồng trọt, gắn với xây dựng phát triển chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung; khuyến khích chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao tiêu chí thu nhập cho người dân.
Đến nay, xã Mường Bú đạt 8/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao (gồm 51/75 chỉ tiêu). Hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu đạt xã nông thôn mới nâng cao theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra, xã Mường Bú đang huy động nguồn lực để hoàn thiện 19 km đường giao thông còn lại, hiện xã đã được bố trí vốn triển khai 13 km đường lên 3 bản vùng cao Bó Cốc, Pá Tong và Pá Xúm; huy động nguồn lực để triển khai làm trụ sở công an xã, khu vui chơi cho trẻ em và sân vận động, khu thể thao đảm bảo hoàn thiện tiêu chí cơ sở hạ tầng.