dd/mm/yyyy

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa

Bản Tả Kố Khừ nằm ở ngã ba biên giới thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) với 90% là dân tộc Hà Nhì. Tại đây, đồng bào dân tộc Hà Nhì vẫn lưu giữ được các nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, trong đó có ăn Tết mùa mưa (Dế Khù Chà – theo tiếng Hà Nhì).

Người Hà Nhì nơi biên viễn

Theo quan niệm của người Hà Nhì (Mường Nhé, Điện Biên), mùa mưa thường kéo dài từ 15 /5 – 15/7 âm lịch hàng năm. Thời điểm này các vị thần sông, nước hoành hành, sấm sét, xói mòn, lũ quét… làm cho hồn vía con người, vật nuôi và cây trồng hoảng loạn, sợ hãi, thất lạc… Do đó sẽ khiến con người dễ bị ốm đau, cây trồng, vật nuôi cũng khó sinh sôi phát triển.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 1.

Trong ngày tết mùa mưa, phụ nữ Hà Nhì thường là những người chuẩn bị các lễ vật để cúng. Ảnh: VD

Vì vậy, phải tổ chức nghỉ ngơi để ăn tết giữa mùa mưa vào một ngày cố định là 24/6 âm lịch hàng năm để làm nghi lễ gọi hồn vía cho con người, vật nuôi và cây trồng. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no…

Theo truyền thống từ xa xưa, cứ mỗi năm một lần, vào thời điểm nắng nóng nhất của mùa hè, mưa thường kéo dài, người Hà Nhì tiến hành làm tết mùa mưa để cầu xin các vị thần mưa, thần nước trả lại hồn vía đã bắt từ trước để con người khỏe mạnh hơn, vật nuôi, cây trồng có sức sống trở lại, phát triển tốt tươi, cho mùa màng bội thu.

Đồng bào thường lựa chọn ngày tổ chức trùng vào ngày Hợi hoặc ngày Thìn bởi họ quan niệm nếu trùng vào các ngày này thì năm đó mọi điều thuận lợi, may mắn sẽ đến nhiều hơn.

Để chuẩn bị cho tết mùa mưa, người Hà Nhì thường mổ lợn. Ngoài chức năng làm "lý" để mời ông bà, tổ tiên, thịt lợn còn tạo nguồn thực phẩm cho gia đình sử dụng và tiếp đón, đãi khách trong những ngày tết. Không chỉ vậy, vào ngày Tết, nếu như người Kinh có tục bói chân gà thì người Hà Nhì có tục bói gan lợn, mật lợn. Người Hà Nhì quan niệm, nếu gan lợn lành lặn, có màu sắc tươi thì đó là điều tốt đẹp và mật lợn căng đầy thì sang năm chăn nuôi phát triển, anh em con cháu vui thuận, đoàn kết.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 3.

Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị mâm cúng tổ tiên vào chiều 23/6 âm lịch...

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 4.

... và thực hiện nghi lễ “gọi hồn” trong tết mùa mưa. Ảnh: VD

Tết mùa mưa là dịp để nghỉ ngơi giữa mùa mưa sau quãng thời gian lao động vất vả, đồng thời để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên và các vị thần linh, gọi hồn vía các thành viên trong gia đình, vật nuôi và cây trồng để đồng bào có một mùa vụ may mắn.

Đây còn là dịp để mọi người về đoàn tụ, ôn lại và trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, cùng vui, cùng sum vầy bên mâm cỗ, nâng chén rượu mừng chúc nhau những điều tốt đẹp, con cháu có sức khỏe, cuộc sống bình yên với ước vọng vào mùa vụ sẽ gặt hái được nhiều thành quả, có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 5.

Trong 2 ngày tết, bà con trong bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) cùng quây quần bên mâm cơm xum họp gia đình, cùng ăn uống vui chơi quên đi những ngày lao động mệt nhọc. Ảnh: VD

Đặc biệt bữa liên hoan trong ngày Tết mùa mưa trong các bản làng vẫn giữ được không khí vui vẻ và ấm cúng. Tết mùa mưa còn là dịp sum họp của các gia đình và con cháu trong dòng họ. Suốt từ chiều đến tận đêm khuya, mọi người trong bản đến chơi nhà nhau. Nhà nào có khách cũng bày mâm rót rượu. Chén rượu trên tay chủ nhà và khách như những sợi dây vô hình thắt chặt thêm tình cảm láng giềng, cộng đồng làng bản thêm bền vững.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 6.

Trong mâm cơm xum họp không thể thiếu các món truyền thống, như: Thịt lợn, nước chấm của người Hà Nhì, dưa muối, cháo gạo nếp… Ảnh: VD

Đến mảnh đất ngã ba biên giới Sín Thầu trong ngày tết mùa mưa, những người khách phương xa sẽ bị đánh thức từ rất sớm bởi tiếng cười nói vang vọng cả núi rừng. Không những thế, đi đến nhà nào cũng sẽ được tiếp đón nồng hậu như những đứa con sau bao ngày đi xa trở về. Những cái bắt tay thân tình, những lời chúc sức khỏe, những chén rượu thơm nồng như tính cách của người Hà Nhì cởi mở, mến khách và rất trọng tình khiến cho ai cũng có thể dễ dàng hòa mình vào ngày tết.

Thêm vào đó là những món ăn đặc trưng ngày tết, như: Cháo gạo nếp, dưa chua, nước chấm từ vỏ cây me tròn… với những hương vị độc đáo sẽ là chất xúc tác để những bữa cơm thêm phần ấm cúng. Khi đã ngà ngà trong hơi men, lấp đầy bụng bằng những bát cháo gạo nếp thơm mùi thảo quả, những người khách phương xa lại đắm chìm trong màu sắc sặc sỡ của thổ cẩm và sự tinh tế, tài hoa trong cách phối màu, thêu thùa của người phụ nữ Hà Nhì trên trang phục của họ; đắm mình trong những câu hát dân ca, những điệu múa xòe, múa nón mô phỏng hoạt động lao động, sản xuất và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày; được tham gia những trò chơi dân gian truyền thống, độc đáo của người dân nơi đây…

Một số hình ảnh trong Tết mùa mưa của người Hà Nhì

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 7.

Buộc cây “Mồ Pý Chùy Xò” để chuẩn bị nghi lễ cúng trước thềm nhà.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 8.

Vào ngày tết mùa mưa, đồng bào Hà Nhì có tục xem gan lợn. nếu lá gan lành lặn, màu sắc tươi tốt, mật lợn phải căng đầy… thì năm đó chăn nuôi phát triển, nhà cửa êm ấm, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 9.

Phụ nữ Hà Nhì xúng xính quần áo đi chơi tết.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 10.

Thanh niên thì chơi những trò chơi dân gian.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 11.

Đàn ông lớn tuổi lại vui tết với những nhạc cụ truyền thống.

Về ngã ba biên giới Mường Nhé, xem người Hà Nhì ăn Tết mùa mưa - Ảnh 12.

Khi men rượu đã lâng lâng, bà con lại cùng nắm tay nhau quanh đống lửa, hòa mình vào điệu xòe đặc trưng của đồng bào Hà Nhì.

Vinh Duy