dd/mm/yyyy

Liều vay vốn nuôi hàng chục ngàn con cá dìa, lão nông Hoà Vang bắt lên hàng tấn, lãi 800 triệu đồng/năm

Suốt chặng đường 20 năm qua, người dân huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (Ngân hàng CSXH) có mặt tại các thôn/xóm để hỗ trợ, tiếp vốn cho người dân phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Vươn lên làm giàu nhờ vốn vay ưu đãi 

Ông Đoàn Ngọc Cẩm - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang cho biết: Qua 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Hòa Vang đã đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Tổng nguồn vốn đến 30/6/2022 là 712.791 triệu đồng, tăng 23,18 lần (682.041 triệu đồng) so với khi mới thành lập, dư nợ ủy thác qua các hội đoàn thể là 699.402 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 99,65% so với tổng dư nợ trên địa bàn huyện. Trong 20 năm qua nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã tạo điều kiện cho 76.251 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vay vốn.

Có vốn ưu đãi làm kinh tế, nông dân Hòa Vang thoát nghèo, làm giàu - Ảnh 1.

Ngoài làm kinh tế giỏi, mô hình nuôi cá dìa đặc sản của ông Hổ còn giải quyết cho 5 lao động thường xuyên tại địa phương. Ảnh: Trần Hậu

"Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục bám định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương để tiếp vốn cho người dân phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, góp phần tăng thu nhập, và trở thành "bệ phóng" cho người dân đổi đời…".

Ông Đoàn Ngọc Cẩm - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang

Trong đó có 17.346 lượt hộ nghèo, 4.734 lượt hộ cận nghèo, 1.873 lượt hộ mới thoát nghèo có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,04% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo đa chiều); thu hút tạo việc làm cho 31.141 lao động; 6.749 lượt học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập.

Xây dựng, sửa chữa 29.561 công trình nước sạch, 29.322 công trình vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia; xây dựng 261 ngôi nhà phòng, tránh bão, lụt cho hộ nghèo; 819 lượt hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại 3 xã vùng khó khăn; 138 hộ vay nhà ở xã hội, 552 lượt lao động được trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19…

Ông Cẩm cho biết thêm, thời gian qua, việc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi kịp thời đã giúp cho nông dân mạnh dạn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt. Nhờ đó, đã giúp cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện có cuộc sống ổn định, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Điển hình như hộ ông Hồ Văn Hổ, Võ Văn Thành ở xã Hòa Liên với mô hình nuôi cá nước ngọt; hộ anh Nguyễn Văn Nhi ở xã Hòa Nhơn với mô hình trồng nấm; hộ ông Phan Đủ với mô hình chăn nuôi gà ở xã Hòa Phong…

Có vốn ưu đãi làm kinh tế, nông dân Hòa Vang thoát nghèo, làm giàu - Ảnh 3.

Được vốn tín dụng chính sách tiếp sức, ông Phan Đủ đã xây dựng được trang trại chăn nuôi gà. Ảnh: T.H

Có vốn ưu đãi làm kinh tế, nông dân Hòa Vang thoát nghèo, làm giàu - Ảnh 4.

Đến thăm mô hình nuôi cá dìa đặc sản của hộ ông Hồ Văn Hổ (55 tuổi) ở thôn Trường Định, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) được ông cho biết, trước đây ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh, nhưng với tình yêu nông nghiệp nên năm 2010, ông đã quyết định dốc hết vốn liếng và vay thêm vốn Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang 100 triệu đồng để về vùng sông núi Trường Định đào ao nuôi tôm.

Thời gian đầu nuôi tôm, ông Hổ có thu nhập kha khá, nhưng càng về sau nuôi tôm càng lỗ. Đến năm 2019, được người quen giới thiệu mô hình nuôi cá dìa giống và nuôi cá dìa thương phẩm có giá trị kinh tế cao, ông mạnh dạn chuyển hướng từ nuôi tôm sang nuôi cá dìa đặc sản.

Trên diện tích 3,4ha ao nuôi tôm trước đó, ông Hổ cải tạo lại và ương thả hơn 30.000 con cá dìa giống. Ngay từ năm đầu nuôi cá dìa, ông Hổ đã bán được 9 tấn cá. Cứ 1 tấn cá dìa xuất bán, ông Hổ thu về 190 triệu đồng.

Từ sự thành công của năm đầu nuôi cá dìa, ông Hổ chủ động mở rộng quy mô nuôi cá dìa lên 150.000 con giống trong năm 2022. Hiện nay, cá dìa đang phát triển tốt, ông Hổ ước tính sẽ đạt hơn 20 tấn cá dìa trong năm 2022.

"Cơ ngơi của gia đình tôi có được như ngày nay là nhờ có sự giúp đỡ, hỗ trợ rất lớn từ nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang, tôi rất biết ơn ngân hàng đã tiếp vốn kịp thời cho các hộ như tôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Với mô hình nuôi cá dìa như hiện nay sau khi trừ chi phí, tôi thu về hơn 800 triệu đồng/năm, nhờ vậy cuộc sống gia đình tôi có của ăn của để, khá giả hơn trước rất nhiều…"- ông Hổ chia sẻ.

Tiếp tục tiếp vốn cho các đối tượng chính sách

Một mô hình khác hiệu quả không kém đó là mô hình chăn nuôi gà của hộ ông Phan Đủ (ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Gặp chúng tôi tay bắt mặt mừng, với niềm vui khó tả, ông Đủ kể: Năm 2015, từ nguồn vốn vay và tích góp được hơn 100 triệu đồng, vợ chồng ông đã xây dựng trang trại chăn nuôi gà mía, ban đầu do vốn ít nên vợ chồng ông chỉ nuôi 2.000 con. Lứa đầu tiên ông bán thu lãi hơn 20 triệu đồng, thấy mô hình chăn nuôi gà mía hiệu quả, ông lấy tiền lãi thu được mỗi lứa để tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô trang trại.

Đến nay, trang trại chăn nuôi gà của ông Đủ có diện tích 1.500m2, mỗi năm ông nuôi 2,5 lứa gà, mỗi lứa 3.000 con, xuất bán hơn 10 tấn gà thương phẩm/năm, với giá bán giao động từ 90.000 - 100.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm khoảng hơn 1.000 con vịt xiêm.

"Với trang trại chăn nuôi gà mía và vịt xiêm như thế này, mỗi năm sau khi trừ chi phí tôi thu lãi hơn 120 triệu đồng, từ hộ khó khăn giờ đây cuộc sống của vợ chồng tôi khá "rủng rỉnh", dù đã lớn tuổi nhưng không cần con cái chăm lo tiền bạc. Vợ chồng tôi nếu còn sức khỏe thì vẫn sẽ cố gắng làm, dành dụm để dưỡng già..."- ông Đủ phấn khởi khoe.

Ông Nguyễn Thúc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, những năm qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện đã được triển khai kịp thời, có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng, ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc thực hiện tốt các chương trình tín dụng ưu đãi, phục vụ tốt nhu cầu vay vốn của nhân dân, trở thành điểm tựa vững chắc, tạo tiền đề cũng như động lực quan trọng giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Dũng cũng ghi nhận những nỗ lực và thành quả đạt được của Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang trong 20 năm qua, đã góp phần quan trọng trong việc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Ngân hàng CSXH huyện cần phát huy hơn nữa những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm trong 20 năm qua để tiếp tục phát triển các chương trình tín dụng chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện Hòa Vang. 


Trần Hậu – Hiếu Nhi