Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: Họ đạo thôn Cầu đi đầu phong trào "sạch từ nhà ra đồng" (Bài 2)

Trần Quang Thứ bảy, ngày 27/08/2022 07:00 AM (GMT+7)
Được huyện chọn làm điểm thực hiện mô hình "Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đối khí hậu", chưa có hỗ trợ vật chất nhưng các giáo dân trong họ đạo thôn Cầu, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã đoàn kết, cùng nhau chủ động làm sạch môi trường từ nhà ra đến đồng.
Bình luận 0

CLIP: Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu.

Cùng nhau làm sạch môi trường từ nhà ra đồng

Đến thôn Cầu, xã Ngọc Hòa vào những ngày này chúng tôi quan sát thấy đường đi lại đều đã được bê tông hóa, hai bên được trồng hoa, cây xanh rất đẹp mắt. Đi khắp thôn cũng không thấy cọng rác, từ nhà dân ra cánh đồng đều rất xanh - sạch - đẹp.

Tìm đến nhà ông Trần Đức Chuyên - Bí thư Chi bộ thôn Cầu vào đầu giờ chiều, dù thời tiết ngoài trời đang nắng nóng gay gắt nhưng khi bước vào đến cổng nhà ông Chuyên có hàng cây ăn quả sai trĩu tỏa bóng mát, chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu. Từ sân vườn vào căn nhà mái bằng khá cũ sạch sẽ, trong nhà có mấy thế hệ sinh sống nhưng mọi đồ đùng sinh hoạt đều được sắp xếp rất gọn gàng, ngăn nắp.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu (Bài 2) - Ảnh 2.

Đường vào thôn Cầu được bê tông hóa có trồng cau vua, hoa rất đẹp.

Vừa phá trà mới khách, ông Chuyên cho biết, cả thôn Cầu có chưa đến 300 nóc nhà với gần 100% người dân theo đạo công giáo, diện tích khá chật hẹp nhưng được cái bà con giáo dân trong họ đạo rất đoàn kết, đùm bọc nhau nên khi có hoạt động, phong trào gì làm cũng thuận lợi, hiệu quả.

Nổi bật nhà là mô hình "Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu". Năm 2018, họ đạo thôn Cầu được Ủy ban Đoàn kết Công giáo huyện Chương Mỹ chọn làm mô hình điểm nhưng thực chất, phong trào này đã được bà con giáo dân ở đây triển khai làm từ nhiều năm trước nên đến khi triển khai làm chính thức rất đơn giản và nhanh.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu (Bài 2) - Ảnh 2.

Một góc sân trước nhà thờ họ đạo thôn Cầu được thiết kế rất đẹp, xanh - sạch - đẹp.

"Nghe tên mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu có vẻ vĩ mô nhưng chúng tôi cụ thể hóa bằng các việc làm cụ thể để bà con dễ hiểu, dễ làm như thu gom rác thải thường xuyên, trồng hoa, cây cảnh trên đường, trong sân vườn, hạn chế dùng phân, thuốc hóa học trên đồng ruộng... Mội việc đều được trao đổi công khai, minh bạch trong các cuộc họp và quy định vào hương ước của xóm, của thôn nên ai cũng vui vẻ chấp hành", ông Chuyên chia sẻ.

Tại thôn Cầu, hàng tuần tối thứ 2, 4,6 bà con sẽ chủ động bỏ rác ra thùng ở cổng để nhân viên môi trường thôn đi thu gom. Hàng tháng, bà con giáo dân trong họ đạo chọn 2 ngày thứ 7, chủ nhật để ra quân thu gom rác, cắt tỉa cây, hoa bên đường. 

"Trong thời điểm vừa qua có dịch sốt xuất huyết ở các nơi, chúng tôi liên tục tuyên truyền trên loa, nhóm mạng xã hội và hỗ trợ giúp bà con phát hiện, tiêu diệt bọ lăng quăng trong các đồ dùng chứa nước của gia đình, hay các cống, rãnh nước ở trong các ngõ, vận động bà con bỏ màn khi ngủ... Nhờ thế mà ở thôn chưa phát hiện trường hợp nào bị dịch nguy hiểm", ông Chuyên kể.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu (Bài 2) - Ảnh 3.

Nhà thờ họ giáo thôn Cầu được xây dựng khang trang, hiện đại.

Bên cạnh đó, mô hình "Giáo họ giữ gìn an ninh trật tự" tại thôn cũng đạt được hiệu quả cao. Nhiều năm nay, tại thôn không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh trật tự, không có xô sát hay hàng xóm to tiếng với nhau. Nhiều năm nay, gần như 100% các gia đình trong thôn đều đạt gia đình văn hóa.

Dẫn chúng tôi ra khu đồng lúa của thôn, ông Chuyên xắn quần lội xuộng khu ruộng lúa của nhà bắt lên khá nhiều ốc đồng, cua... "Toàn thôn có khoảng 60ha trồng lúa. Nhiều năm nay, người dân áp dụng hiệu quả phương pháp IPM (Chương trình quản lý sâu bệnh hại (IPM) và thâm canh lúa cải tiến (SRI) trong các khâu làm đất, làm mạ, điều tiết nước, làm cỏ sục bùn, bón phân cân đối... Nhờ đó, năng suất lúa của toàn thôn rất cao, có hộ đạt trên 2,5 tạ/sào.

Làm theo cách mới, lúa xanh tốt nhưng môi trường xung quanh vẫn trong sạch, cá, ốc... vẫn đầy đồng, nhiều hộ còn tranh thủ làm lúa, bắt "lộc đồng" về ăn", Bí thư Chi bộ thôn Cầu khẳng định.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu (Bài 2) - Ảnh 4.

Khu giếng làng thôn Cầu mới được sửa lại từ nguồn xã hội hóa khoảng trên 400 triệu đồng.

Hướng đến sản xuất hữu cơ

Nhà bà Nguyễn Thị Sinh - Trưởng thôn Cầu mới thu hoạch hơn 5 sào lúa đạt năng suất trên 1 tấn. Bà Sinh cho biết, trồng lúa theo phương pháp mới ở thôn Cầu rất hiệu quả. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch gần như được cơ giới hóa 100%. So với trước, giờ bà con dùng máy cấy thưa hơn và gần như không dùng thuốc hóa học nên môi trường ở đây rất sạch, người làm lúa cũng khỏe, thoải mái hơn.

"Riêng khâu giống cũng giảm khá nhiều, trước đây, bà con toàn dùng 1kg cho 1 sào đến giờ người dân trong thôn chỉ dùng khoảng trên 6 lạng giống/sào mà năng suất có thể đạt tới 2,7 tạ/sào. Trong thời điểm xuống giống, ruộng có ốc biêu vàng thì bà con lại tranh thủ bắt và dùng bờ be ở các khu kênh, rãnh và rắc vôi để tiêu diệt ốc con rất triển để. Để diệt chuột, bà con cũng dùng bả sinh học và che nilon để phòng chống cũng hiệu quả", bà Sinh tiết lộ.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu (Bài 2) - Ảnh 5.

Bà con ở thôn Cầu dùng nilon che chống chuột phá lúa.

Bà Sinh cho biết thêm, phát huy các kết quả đã đạt được trong mô hình 'Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu", sắp tới địa phương sẽ hướng tới xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ và đưa ra mắt sản phẩm OCOP riêng ở Ngọc Hòa.

Đặc biệt, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của thôn cũng đạt trên dưới 50 triệu đồng, trong đó có nhiều gia đình đạt hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/năm nhờ sản xuất nông nghiệp và làm dịch vụ. Tại thôn còn duy nhất 1 hộ nghèo, bà Sinh khẳng định: Thôn Cầu phấn đấu đến năm 2023 sẽ không còn hộ nghèo.

Sức sống mới trong đồng bào công giáo Chương Mỹ: "Sạch từ nhà ra đồng" ở họ đạo thôn Cầu (Bài 2) - Ảnh 7.

Ông Trần Đức Chuyên - Bí thư Chi bộ thôn Cầu chăm sóc lúa của gia đình trên cánh đồng thôn.

Ông Nguyễn Cửu Bình, giáo dân ở thôn Cầu, xã Ngọc Hòa chia sẻ: Tại thôn Cầu, mỗi gia đình đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường rất tốt và đoàn kết.

"Chúng tôi đều mong muốn xây dựng quê hương mình thành nơi đáng sống, để các con, cháu đi học, làm xa nhà trở về hoặc mọi người, khách du lịch đến đều cảm thấy yên bình và hạnh phúc", ông Bình nói.

Trưởng thôn Cầu Nguyễn Thị Sinh cho hay: Hiện nay, mô hình "Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" ở thôn Cầu đang cho hiệu quả rất tích cực. Qua đó giúp thay đổi tư duy của người dân trong việc thu gom rác thải sinh hoạt và sản xuất sạch tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho cộng đồng.

"Bà con thôn Cầu rất mong cấp trên tiếp tục hỗ trợ các gia đình có thêm các thùng đựng rác sinh hoạt chất lượng cao để bà con yên tâm thu gom, xử lý rác hiệu quả hơn", bà Sinh kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Hạnh - Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Chương Mỹ đánh giá, phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại thôn Cầu rất tiêu biểu và mang lại hiệu quả cao, đóng góp phần hoàn thiện, nâng cao tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của xã, huyện.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có hỗ trợ và nhân rộng mô hình nổi bật này ra toàn huyện để người dân các xã được hưởng lợi", ông Hạnh nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem