dd/mm/yyyy

Tủa Chùa: Bảo tồn nghề dệt, thêu truyền thống của người dân tộc Mông

Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống hàng ngày và mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Mông huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên.

Tủa Chùa quyết tâm giữ gìn nét đẹp dân tộc Mông

Vừa qua, UBND huyện Tủa Chùa đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2023 -2025, định hướng đến năm 2030”.

Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông nơi đây.

Tủa Chùa: Bảo tồn nghề dệt, thêu truyền thống của người dân tộc Mông   - Ảnh 1.

Bà Giàng Thị Mẩy, bản Tà Là Cáo, xã Sín Phình là người có công đầu trong việc sáng lập Tổ hợp thêu truyền thống phụ nữ Mông ở Tủa Chùa. Ảnh: Thu Hường

Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục truyền thống phải qua nhiều công đoạn, từ trồng lanh, xe sợi, in sáp, nhuộm chàm đến khâu vá, thêu thùa… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Mông.

Hằng năm, cứ độ tháng 3, tháng 4, người Mông ở Tủa Chùa bắt đầu gieo trồng cây lanh. Đến tháng 7, tháng 8, thu hoạch xong, họ đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm, sau đó nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt. Tiếp đó, đem luộc đến khi sợi lanh mềm và trắng lại mang ra phơi nắng cho khô. Kế đó, họ dùng guồng chia sợi lanh trước khi mắc vào khung cửi để dệt.

Tủa Chùa: Bảo tồn nghề dệt, thêu truyền thống của người dân tộc Mông   - Ảnh 2.

Sau khi dệt được vải, phụ nữ Mông sẽ dùng bút được làm bằng đồng hơ nóng lên để vẽ vào lớp sáp ong tạo nên hoa văn. Ảnh: Thu Hường

Hết công đoạn dệt, phụ nữ Mông sẽ dùng bút được làm bằng đồng hơ nóng lên để vẽ vào lớp sáp ong tạo nên hoa văn. Vẽ xong đem vải đã in sáp ong đi nhuộm chàm. Lúc nào vải có màu sẫm thì nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra, để lại những hoa văn màu xanh lơ. Sau đó, họ chuyển sang công đoạn thêu theo hoa văn đã được in. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục của người Mông chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi… được làm thủ công và mất nhiều thời gian.

Quy trình dệt, thêu trang phục truyền thống đòi hỏi sự khéo tay, chăm chỉ và là tiêu chí để đánh giá tài năng của người phụ nữ Mông. Sản phẩm thổ cẩm khi đã hoàn thiện đều được trang trí độc đáo với những hoa văn, họa tiết khác nhau, với gam nhiều màu chủ đạo như trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo nét riêng có trên những bộ trang phục của đồng bào Mông huyện Tủa Chùa.

Nghề dệt thổ cẩm của người Mông ở Tủa Chùa không chỉ góp phần giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bà Giàng Thị Mẩy, bản Tà Là Cáo, xã Sín Phình, huyện Tủa Chùa nói: Từ bé tôi đã được mẹ dậy cho cách vay vá, thêu thùa để tự thêu váy , thêu áo, thêu túi, thêu địu em bé... Tôi biết đến nghề thêu thổ cẩm truyền thống từ khi 10 tuổi, đến năm 16 tuổi thì thành thạo các đường kim, mũi chỉ Không chỉ tôi mà phụ nữ Mông ai cũng biết thêu may cả. Bà dậy cho mẹ, mẹ lại dậy cho con, cứ thế từ đời này qua đời khác để không mất đi nghề truyền thống của dân tộc mình.

Bà Giàng Thị Mẩy là người có công đầu trong việc sáng lập Tổ hợp thêu truyền thống phụ nữ Mông từ năm 2003 đến nay. Trải qua gần 20 năm phát triển, Tổ hợp này đã và đang góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, thu hút, tạo việc làm và thu nhập cho trên 100 lao động địa phương, góp phần bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mông.

Tủa Chùa: Bảo tồn nghề dệt, thêu truyền thống của người dân tộc Mông   - Ảnh 4.

Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời, gắn liền với cuộc sống hàng ngày và mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Mông huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Hường

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Những người phụ nữ Mông ở Tủa Chùa đang góp phần giữ gìn, bảo tồn, khôi phục nghề dệt, thêu truyền thống của dân tộc. Họ chính là lực lượng phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch như một mục tiêu trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hướng đến, khi bản thân họ vừa là người bảo tồn, lưu giữ, vừa là người trao truyền cho các thế hệ sau.

Thu Hường