Từ vùng đất khô cằn thành khu vườn trái ngọt
Gắn bó với nghề trồng na cũng gần chục năm nay, gia đình chị Lùng Thị Thuỷ, dân tộc Phù Lá ở thôn Cốc Sâm 2 (xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) tất bật mỗi khi mùa na đến để thu hái, đóng hàng vận chuyển đi các nơi cho thương lái.
Được biết, trước đây vùng này đất đá khô cằn, cặp vợ chồng 8x đã không khuất phục trước khó khăn, chịu khó cải tạo để vùng đất trở nên trù phú với hơn 1 nghìn gốc na đang phát triển tươi tốt.
Trồng na trên đất đồi dốc gần 10 năm qua, gia đình chị Lùng Thị Thuỷ là một trong những hộ đi đầu về trồng na trái vụ ở đất Phong Niên và năm nay là năm thứ 6 gia đình chị Thuỷ áp dụng biện pháp kỹ thuật để cây na ra quả trái vụ.
Chị Thuỷ cho biết: Sau thời gian miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, thăm quan những mô hình ở địa phương khác để học tập khoa học kỹ thuật, công nghệ chăm sóc, tỉa cành, thụ phấn, gia đình chị Thuỷ đã tạo ra giống na cho quả trái vụ. Chất lượng thịt dai có vị ngọt, thơm ngon đặc trưng được nhiều người biết đến, không phải nơi nào cũng có được. Do vậy mà na của gia đình chị Thuỷ hái đến đâu thương lái vào tận vườn thu mua hết đến đó.
Theo chị Thuỷ, trồng na không cần kỹ thuật phức tạp, nhưng đòi hỏi công chăm sóc, có thời điểm phải liên tục. Ngoài bổ sung phân bón, nước tưới, cần cắt tỉa cành thường xuyên để na cho trái to, đậu quả đúng thời điểm. Tỉa lá cho thoáng tán cây trước khi ra hoa khoảng 1 tháng sẽ tránh được nhiều loại sâu bệnh. Sau khi đậu quả, cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ, khi quả na có đường kính 4 - 5cm vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tiến hành bọc quả bằng túi lưới để phòng ruồi đục quả và các loài côn trùng chích, hút.
Do biết áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với kinh nghiệm lâu năm nên sản phẩm na được gia đình chị Thuỷ tạo ra ở 2 thời điểm chính vụ (từ tháng 7 đến tháng 8 dương lịch) và sản phẩm trái vụ (từ tháng 10 đến tháng 11 dương lịch).
Thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm từ na trái vụ
Hiện tại gia đình chị Thuỷ có hơn 1.000 gốc na, trong đó có khoảng 600 gốc đã cho trái ngọt. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, tính cả 2 vụ, đồi na của gia đình chị Thuỷ có thể thu khoảng gần 5 tấn na/năm. Với giá bán đổ tại vườn vào thời điểm chính vụ dao động từ 50-65 nghìn đồng/1 kg tuỳ mã to, nhỏ; còn đối với na trái vụ sẽ bán được cao hơn na chính vụ, qua đó đem lại thu nhập cho gia đình chị Thuỷ hơn 200 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, sau gần 10 năm, hiện nay, sản phẩm na chính vụ cũng như na trái vụ của gia đình chị Lùng Thị Thuỷ, thôn Cốc Sâm 2 xã Phong Niên đã có tiếng khắp trong và ngoài vùng. Mô hình na của gia đình chị hiện tại không chỉ góp phần ổn định kinh tế, mà đây còn là mô hình làm ăn tiêu biểu để nhiều hộ dân trong thôn, xã học hỏi làm theo.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết, cây na nói chung ở xã Phong Niên trước đây chủ yếu được trồng ở trong các vườn tạp, người dân chưa xác định là cây trồng chủ lực và thế mạnh tại địa phương.
Khoảng gần 10 năm trở lại đây, khi bà con theo dõi cây này phù hợp với đất đai, chất lượng sản phẩm ngày càng được nhiều khách hàng biết tới và đánh giá cao, do đó diện tích cây na ở Phong Niên ngày càng được nhân rộng. Mô hình trồng na của gia đình chị Lùng Thị Thuỷ là một trong những mô hình trồng na sạch theo tiêu chuẩn Vietgap, mô hình này đang được xã hướng tới xây dựng là sản phẩm OCOP, từ đó nâng cao giá trị nông sản.